Dự kiến lên sóng (truyền hình trực tiếp) vào ngày 22.12.2009, nhưng từ 4 tháng nay ê kíp thực hiện chương trình “Tình thày trò Xô-Việt” đã nhập cuộc với hàng loạt chương trình khởi động, bên lề; cử các nhóm phóng viên sang Nga, Ukraina... tìm kiếm chất liệu để xây dựng chương trình.
Theo thống kê riêng của ê kíp thực hiện, Liên Xô (cũ) và Nga hiện tại đã giúp VN đào tạo hơn 52 nghìn cán bộ thuộc tất cả các lĩnh vực. Nên với người dân VN, Liên Xô luôn là hai từ thân thương, chứa đựng những ký ức sống động. “Đây là chương trình “đinh” của Đài THVN trong năm 2009", ông Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC - đạo diễn và phụ trách chương trình truyền hình trực tiếp vào tối 22.12 cho biết.
Năm ngoái, cũng vào thời điểm tháng 12, Đài THVN thực hiện chương trình “Đồng đội ngày gặp lại” với sự xuất hiện của những cựu chiến binh Nga từng sát cánh cùng nhân dân VN trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã gây xúc động mạnh với người xem truyền hình cả nước. Liệu có thể hiểu chương trình năm nay là một sự “tiếp nối” thành công của chương trình “Đồng đội ngày gặp lại” nhưng ở một chủ đề khác?
- Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Không hẳn là thế. Chương trình năm nay là ý tưởng của Phó tổng giám đốc Đài THVN Trần Đăng Tuấn (cựu học sinh tại Liên Xô) và được bổ sung, thực hiện bởi một êkip “liên quân”. Không chỉ có một buổi truyền hình trực tiếp dự kiến diễn ra vào ngày 22.12, chương trình còn được tổ chức dưới dạng “chuyên mục định kỳ” với các phóng sự phát liên tục từ tháng 8.2009 trên VTV1 trong chương trình Cuộc sống mỗi ngày vào thứ sáu hằng tuần. Khởi động từ tháng 7, “hâm nóng” bằng loạt phóng sự bên lề được thực hiện trong, ngoài nước, cao điểm là chương trình truyền hình trực tiếp và kết thúc bằng một số hoạt động như lập quỹ, bảo tàng... vào tháng 12. Điểm đặc biệt là gần như tất cả các đầu mối chính đều là những cựu lưu học sinh và là những BTV, đạo diễn tên tuổi của VTV như BTV Tạ Bích Loan, MC Kim Ngân (VTV3), Thu Hằng (Thời sự), đạo diễn Đỗ Thanh Hải (VFC).
“Tình thày trò” là một chủ đề không mới nhưng luôn là đề tài gây xúc động nếu tìm được những chất liệu, những câu chuyện ấn tượng có sức cộng cảm để lan toả tới người xem. Được biết, chương trình đã được khởi động từ tháng 7.2009, vậy các anh đã tìm được những gì?
- Điều lo lắng nhất của những người làm chương trình khi bắt tay vào thực hiện là chất liệu nội dung cho chương trình. Vì thế, song song với việc chủ động tìm đến những người mà ê kíp biết được họ đã từng học tập ở Nga như Phó Thủ tướng Vũ Khoan, diễn viên Đức Hải, MC Thanh Bạch... và thực hiện những phóng sự cảm động về tình thầy trò của những nhân vật nổi tiếng này, chương trình đã tăng cường truyền thông cho chương trình bằng các trailer quảng bá về một cuộc giao lưu sắp tổ chức, cách thức liên hệ với chương trình, thậm chí lập cả một website để phục vụ cho chương trình trong việc kết nối với các lưu học sinh. Kết quả, đã có hàng trăm lá thư tay, hàng trăm email, hàng trăm cuộc gọi dồn dập tới gửi, gọi chương trình bày tỏ sự ủng hộ, hoan nghênh một ý tưởng nhân văn. Cùng với đó là hàng trăm câu chuyện xúc động về tình thầy trò Xô - Việt được gửi về.
Thế còn những chuyến xuất ngoại để tìm nhân vật cho các phóng sự và chương trình truyền hình trực tiếp?
- Đài đã cử hai đoàn đi Nga và Ukraina. Đoàn thứ nhất giữa tháng 9 khởi hành, dẫn đầu là BTV Thu Hằng, nhiệm vụ chính là thực hiện các phóng sự bên lề + tìm kiếm chất liệu cho chương trình truyền hình trực tiếp tại Nga và Ukraina, nhưng là theo hướng từ các câu chuyện của học trò Việt Nam để tìm đến những người thầy, trò của họ tại Nga và Ukraina... Đoàn thứ hai khởi hành vào đầu tháng 10, do BTV Kim Ngân dẫn đầu. Đoàn thứ hai trên cơ sở chất liệu của đoàn 1 để tiếp tục thực hiện các phóng sự bên lề và tìm kiếm chất liệu, nhưng theo hướng ngược lại, từ các câu chuyện thầy trò ở Nga nhớ học sinh Việt Nam thế nào để tìm ngược về Việt Nam... Ở cả hai đoàn, yếu tố bất ngờ, xúc động được đặt lên hàng đầu. Bởi những chất liệu này là những chất liệu quan trọng cho buổi truyền hình trực tiếp – điểm nhấn của toàn bộ vệt chương trình. Có thể nói, tới thời điểm này chương trình đã thu thập đủ những chất liệu tốt nhất cho chương trình giao lưu và đang thực hiện công đoạn cuối nhưng cũng là công đoạn quan trọng nhất: xây dựng kịch bản cho chương trình giao lưu, ghép nối các câu chuyện đã có được, những chất liệu sẵn có trong tay để tạo thành một chương trình như kỳ vọng.
Có bao nhiều thày, cô giáo người Nga sẽ xuất hiện trong chương trình truyền hình trực tiếp?
- Chương trình sẽ mời khoảng 10 thầy cô đã từng dạy dỗ các thế hệ học sinh Việt Nam sang thăm và tham gia chương trình. Các thầy cô được lựa chọn cũng theo tiêu chí: cân bằng giữa các khóa, độ tuổi của thầy cô, tính chất đặc biệt của câu chuyện và hứa hẹn sự bùng nổ trong chương trình... Một điều quan trọng nữa là sức khỏe của thầy cô. Đôi khi có những thầy cô có thể trở thành nhân vật rất hay nhưng lại không đủ sức khỏe để tham gia và ê kíp đã phải ghi hình ngay tại chỗ và giữ bí mật đến khi chương trình trực tiếp diễn ra để tạo yếu tố bất ngờ...
Ngoài chương trình giao lưu với những nhân vật đặc biệt, các anh đã lên kế hoạch gì cho phần nghệ thuật có tính chất kết nối?
- Chắc sẽ là một chương trình được chuẩn bị chu đáo, vừa đảm bảo tính chất nghệ thuật, vừa dung hòa được với sự dung dị, bình dị, gần gũi, gợi cảm xúc cho những người tham gia. Tham gia biểu diễn ngoài những nghệ sĩ chuyên nghiệp được đào tạo tại Nga cũng sẽ có những nghệ sĩ không chuyên, những lưu học sinh Xô viết năm nào... Phần lớn nghệ sĩ tham gia sẽ là các lưu học sinh. Cũng sẽ có những tiết mục “mộc” hoàn toàn, gây cảm xúc... Sân khấu của chương trình cũng sẽ được thiết kế sang trọng nhưng gần gũi, tạo cảm giác thân thuộc với những người tham gia bằng những hình ảnh gợi lại không gian Nga, ký ức về một khoảng thời gian tươi đẹp ở Liên Xô của các lưu học sinh.
Chương trình được tổ chức với mục đích tôn vinh tình cảm thầy trò gắn bó đặc biệt giữa các du học sinh từng du học tại Liên bang Xô viết (cũ) với các thầy cô tại đây, xa hơn là cho thấy tầm vóc của mối quan hệ hợp tác đào tạo giữa Liên Xô (cũ) và Việt Nam qua hơn nửa thế kỷ.
Dự kiến, chương trình sẽ diễn ra vào ngày 22.12.2009 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Đặc biệt, với tính chất giao lưu của chương trình, bên ngoài sân khấu chính sẽ có những hoạt động ý nghĩa, tạo điều kiện để các lưu học sinh các khóa, các trường có thể gặp gỡ, giao lưu, trao đổi với nhau... Ê kíp thực hiện đang tính đến việc tổ chức một triển lãm nho nhỏ bên ngoài sân khấu cũng như một số hoạt động giao lưu độc đáo khác làm phong phú thêm chương trình này. |
Chu Thu Hằng-Vanhoa0