Thứ Hai, 23/12/2024
Sinh hoạt tư tưởng
Thứ Năm, 17/5/2012 4:4'(GMT+7)

Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta

Không dễ có câu trả lời chung. Hơn 100 bài viết đã đăng trên các ấn phẩm Báo Nhân Dân trong vòng một năm qua đều có cách tiếp cận, cách thể hiện riêng. Và câu trả lời nhiều khi thuộc về suy nghĩ, cảm nhận của người đọc. Chúng tôi nghĩ, không chỉ có 19 tác phẩm được Ban Tổ chức cuộc thi trao giải, mà thật ra tất cả các bài dự thi đều xứng đáng nhận giải thưởng - giải thưởng từ những việc làm thầm lặng của các nhân vật, dù là tập thể hay cá nhân, từ tấm lòng yêu kính Bác!

Hồi hộp ngay từ những ngày đầu phát động cuộc thi. Những cánh thư bay về tòa soạn. Những cuộc điện thoại tâm tình. Những bài viết qua đường thư điện tử. Những bác cựu chiến binh trực tiếp đến tòa soạn gửi bài... Hồi hộp, rồi đến vui mừng và cuốn hút là tâm trạng chung của những người biên tập. May mắn là những người đọc đầu tiên, chúng tôi "gặp" những nhân vật thân quen: các cán bộ lão thành cách mạng, già làng, trưởng bản, chiến sĩ nơi biên cương, hải đảo, nhà khoa học, văn nghệ sĩ,  kỹ sư, nông dân; cho đến những giám đốc năng động,  nhà sư giàu lòng nhân ái,  sinh viên nghèo vượt khó... Có nhà văn gửi về tới bốn tác phẩm dự thi và hỏi: "Viết như vậy liệu đã trúng mạch chưa?". Có nhà báo chuyên nghiệp băn khoăn: "Về thể loại tùy các anh xếp. Tôi chỉ là người kể chuyện trung thực". Có thầy giáo về hưu viết bản thảo nắn nót trên tờ giấy đã in một mặt, mấy trang chữ đều tăm tắp. Thầy chỉ có một "nguyện vọng": Ðăng hay không tùy tòa soạn, vì chung quanh chúng ta có rất nhiều tấm gương sáng. Ðược các đồng chí đọc bản thảo là tôi vui rồi.  Chị Phạm Thị Lai, cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh tâm sự: "Chúng tôi giúp việc đồng chí Vũ Kỳ trong nhiều năm. Ðồng chí học ở Bác Hồ nhiều đức tính quý báu. Còn chúng tôi học ở người thư ký được Bác Hồ đặt tên sự khiêm tốn, giản dị, nhiệm vụ gì được giao đều cố gắng hoàn thành ở mức cao nhất".

Bài dự thi được giải cao nhất có tên: "Giám đốc tự phạt mình và chiếc phong bì mừng thọ". Vị giám đốc ấy là Nguyễn Ngọc Lài, người con xứ Nghệ, hai lần được tuyên dương Anh hùng Lao động. Lần thứ nhất anh hùng theo cách nói vui là do "phá rừng" (khai thác gỗ phục vụ sản xuất). Lần thứ hai anh hùng là do trồng rừng. Khi đã về hưu, năm 75 tuổi, gia đình tổ chức mừng thọ và có lời thưa trước: rất mong cô chú tới dự  và đừng mang quà mừng. Người xưa quan niệm, thọ là một trong ngũ phúc (Khang - ninh - phúc - lộc - thọ) mà con người mong muốn. Hôm ấy gặp lại thủ trưởng cũ ai cũng rất cảm động nhớ về một thời "quá chừng nghèo mà sao quá chừng vui". Tôi đã đọc đâu đó câu này: Cái lớn lao nhất ở người anh hùng chính là Con người anh. Trở thành anh hùng đã khó, giữ được phẩm chất anh hùng còn khó hơn.

Nhưng ám ảnh hơn cả là những câu chuyện, những tình huống, những tấm gương của bao người lao động bình thường. Rất nhiều bài viết về các chiến sĩ biên phòng ở những nơi đèo heo hút gió, "gieo chữ" trên núi đá, chữa bệnh cho bà con dân bản, vận động xóa bỏ phong tục lạc hậu, tệ nạn xã hội. Rất nhiều bài viết về những tấm lòng nhân ái. Một nhà sư với tấm áo "mặn mồ hôi ân nghĩa", 12 năm ròng đi cứu trợ các trẻ em nghèo. Một cô giáo 12 năm không nghỉ  dạy học miễn phí các em con nhà nghèo, các em khuyết tật. Một sinh viên lập một Website nhantimdongdoi.org, hướng dẫn và tư vấn cho hàng nghìn thân nhân, gia đình liệt sĩ. Rất nhiều bài viết về những nhà khoa học nặng lòng với từng trái cây, giẽ lúa, búp chè. Ðược gọi  là nhà khoa học của nông dân, có lẽ, đó là hạnh phúc lớn nhất. Tiến sĩ Phạm S, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Lâm Ðồng (nay là Phó Chủ tịch UBND tỉnh) trong những năm qua đã công bố 50 công trình khoa học, bài báo; là tác giả sáu cuốn sách viết về khoa học kỹ thuật giúp nông dân phát triển sản xuất. Trong đó có các công trình: nhân giống bơ vô tính bằng kỹ thuật ghép trên cây giống đầu dòng tốt; đưa cơ giới hóa vào khâu hái chè. Vì sao Phạm S có nhiều sáng kiến như thế? Anh nói giữa dạ mình, anh luôn nhớ câu nói của Bác Hồ: "Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung của dân tộc. Không biết quý trọng sáng kiến và kinh nghiệm tức là lãng phí của dân tộc". Một nông dân khác ở Tân Châu, An Giang, mới chỉ học lớp sáu thôi  mà đã mày mò, nghiên cứu  lai tạo 19 giống lúa chất lượng cao.  Giống lúa mang thương hiệu TC. Anh nông dân ấy không quen nói chữ nghĩa. Rằng, anh mê cái giống lúa gạo tốt, cơm ngon, vỏ lụa đỏ, mùi thơm nhẹ, chống chịu được sâu bệnh. Mê là làm tới,  biết nói sao giờ. Ðược biết, hai loại giống TC2 và TC5 đang được Trường đại học Cần Thơ làm thủ tục đề nghị chứng nhận là giống chuẩn quốc gia.

Có một chuyên gia người Anh, ông Vin-xen Ðuy-gnan, công tác  tại một công ty thuộc Tập đoàn Dầu  khí quốc gia, bày tỏ, ông cũng muốn trở thành đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam. Trong phòng làm việc của ông, đặt bức Tượng Bác Hồ ở nơi trang trọng nhất - bức Tượng do Tỉnh ủy Nghệ An tặng. Ông nhắc tới nhận xét của một nhà thơ Nga từ đầu thế kỷ 20, từ Bác tỏa ra nền văn hóa của tương lai. Phải chăng nền văn hóa của tương lai chính là những năng lực của một dân tộc có thể hội nhập với thế giới mà vẫn giữ được giá trị của chính mình? Không chỉ người Việt Nam yêu kính, học tập đạo đức Bác Hồ, mà chúng tôi cũng muốn học tập, làm theo. Nói về những đảng viên nơi công ty ông đang làm việc, V.Ðuy-gnan nhận xét, họ là những người lao động có kỷ luật, có kỹ thuật và đạt năng suất cao nhất. Ông rất khâm phục  và muốn hợp tác với họ.

Ở một góc độ khác, nhà văn Cao Năm viết bài "Người viết thơ chúc Tết của Bác Hồ bằng thư pháp". Ðó là nhà thư pháp Lê Ðức Ðôn ở Hải Phòng. Qua nhiều năm, tủ sách của ông sưu tầm được gần chục tập thơ của Bác, cùng hơn 500 tấm ảnh Bác Hồ. Ông đã viết 21 bài thơ chúc Tết của Bác Hồ  từ Tết Bính Tuất 1946 đến Tết Kỷ Dậu 1969, lồng trang trọng trong khung, khổ 0,8 x 1 m. Viết thư pháp ngoài việc thể hiện nét bút tài hoa, năng khiếu viết chữ, nội dung một bức thư pháp còn cho thấy tư tưởng, kiến thức, tâm hồn của người Việt Nam ta. Nhà thư pháp tâm niệm một điều: Mong sao đưa thơ của Bác đến với công chúng ngày càng nhiều, để qua thơ, mọi người có thể hiểu sâu sắc hơn tâm hồn và đạo đức của vị lãnh tụ vĩ đại, nhà thơ lớn Hồ Chí Minh.

Hàng nghìn bài dự thi là hàng nghìn câu chuyện. Rất tiếc do khuôn khổ tờ báo, chúng ta chưa có dịp giới thiệu được nhiều tác phẩm dự thi của bạn đọc cả nước. Còn với chúng tôi, những người lo việc bếp núc, khi đọc bản thảo các tác phẩm thường bị cuốn hút bởi  nội dung bài báo mà chú ý không nhiều đến hình thức, cách thể hiện. Nhưng dù thể hiện thế nào thì với đề tài về học tập đạo đức Bác Hồ phải là cách thể hiện chân thực, giản dị, trong sáng. Sinh thời, Bác thường khuyên các nhà văn, nhà báo như thế.        

Một đảng viên lão thành nói rằng: Học tập đạo đức Bác Hồ là công việc suốt đời. Vì vậy, mong cuộc thi sẽ còn tiếp tục. Và mong sao có nhiều hơn những tấm gương tiêu biểu của các tập thể; tấm gương các đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý, cương vị công tác càng cao sức thuyết phục càng cao. Mỗi người hãy sống và làm việc cùng nhân dân. Hãy làm một việc tốt, một việc làm có ích. Như thế cái tốt sẽ được nhân rộng, được nhiều người làm theo; cái xấu sẽ bị thu hẹp. Những tia bình minh báo hiệu ngày nắng đẹp.  Khi mỗi người thầm hát: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai..." thì trước sau rồi cũng xuất hiện một dàn đồng ca.

Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta!

HẢI ÐƯỜNG/Nhân Dân 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất