Thứ Bảy, 12/10/2024
Thế giới
Thứ Năm, 22/9/2011 11:4'(GMT+7)

Ta-li-ban giăng bẫy sát hại Chủ tịch Hội đồng hòa bình Áp-ga-ni-xtan

Ông B. Ráp-ba-ni (giữa) khi còn sống. Ảnh: AP

Ông B. Ráp-ba-ni (giữa) khi còn sống. Ảnh: AP

Cơ quan điều tra của Ca-bun, do ông Mô-ham-mát Da-hơ (Mohammad Zaher), đứng đầu xác nhận rằng, tối 20-9 có hai đối tượng là thành viên Ta-li-ban đã đến gặp ông Ráp-ba-ni tại nhà riêng của ông, nằm gần tòa Đại sứ  Mỹ ở thủ đô Ca-bun. Sau khi chào hỏi vài câu, một trong hai vị khách trên đã kích hoạt khối thuốc nổ. Vụ nổ làm ông Ráp-ba-ni cùng 4 người khác thiệt mạng.

Ngày 21-9, đại diện của Ta-li-ban là Da-bi-nu-li (Zabinully) đã thừa nhận với hãng tin Roi-tơ, rằng Ta-li-ban đã giăng bẫy để giết ông Ráp-ba-ni. Họ đã lập ra một nhóm chuyên trách, mà mục đích bề ngoài là gặp gỡ ông Ráp-ba-ni để trao đổi về lộ trình hòa bình nhằm kết thúc cuộc chiến. Tuy nhiên, mục đích thực sự là sát hại cựu Tổng thống. "Khi ông Ráp-ba-ni đến gần đại diện của chúng tôi để ôm chào hỏi, thì chiến binh này đã kích nổ quả bom giấu trong người, giết chết cựu Tổng thống cùng 4 vệ sĩ". Theo lời Da-bi-nu-li, cả hai "thành viên thương thuyết" vẫn thường gặp ông Ráp-ba-ni, vì thế cựu Tổng thống đã không đề phòng. Ta-li-ban cũng tuyên bố sẽ tiếp tục tiêu diệt các đối thủ chính trị. Trước đây, Ta-li-ban đã sát hại một số nhân vật quan trọng ủng hộ chính quyền Ca-bun, trong đó có em trai của đương kim Tổng thống Ha-mít Ca-dai (Hamid Karzai). 

Ông Ráp-ba-ni được Tổng thống Ca-dai bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu Hội đồng hòa bình tối cao (gồm 70 thành viên) hồi tháng 10-2010. Hội đồng này có nhiệm vụ tiến hành đối thoại với phiến quân Ta-li-ban và các nhóm nổi dậy khác. Song, Ta-li-ban và các lực lượng này chưa bao giờ thừa nhận Hội đồng hòa bình do chính quyền Ca-bun lập ra.

Trong buổi tiếp Tổng thống Áp-ga-ni-xtan H. Ca-dai bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ ở Niu Y-oóc (Mỹ), Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) đã cực lực lên án vụ ám sát; khẳng định Mỹ tiếp tục ủng hộ những nỗ lực đem lại hòa bình và hòa giải ở Áp-ga-ni-xtan. Bộ Ngoại giao Pa-ki-xtan ra tuyên bố lên án vụ ám sát, đồng thời nhấn mạnh rằng cựu Tổng thống Ráp-ba-ni là "một người bạn" mà Pa-ki-xtan cộng tác chặt chẽ trong các nỗ lực hòa bình. Lãnh đạo và quan chức cấp cao nhiều nước khác cũng lên án vụ sát hại ông Ráp-ba-ni, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với nhân dân Áp-ga-ni-xtan trong cuộc chiến chống lại Ta-li-ban.

Dù Tổng thống Ca-dai khẳng định rằng, tiến trình hòa bình ở Áp-ga-ni-xtan sẽ không bị chệch hướng bởi cái chết của ông Ráp-ba-ni, nhưng vụ việc là một cú giáng mạnh vào cơ hội tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ và lực lượng Ta-li-ban trong tương lai gần. Hơn nữa, vụ đánh bom liều chết lại xảy ra trên con phố có nhà riêng của ông Ráp-ba-ni, gần Đại sứ quán Mỹ, nơi cách đây chỉ một tuần cũng là mục tiêu tấn công của Ta-li-ban. Các vụ tấn công liều chết trên đã làm dấy lên những lo ngại về việc đảm bảo an ninh tại quốc gia Nam Á này trong bối cảnh quân đội Mỹ sẽ rút khỏi Áp-ga-ni-xtan vào năm 2014. Nó cho thấy lực lượng Ta-li-ban đang mạnh lên trước sự bất lực của chính quyền Ca-bun cũng như lực lượng an ninh quốc tế./.

(Theo: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất