Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 29/10/2014 10:18'(GMT+7)

Tác động của đô thị hóa đến không gian cư trú của các dân tộc tại chỗ Tây Nguyên

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Quá trình đô thị hóa ở Tây Nguyên không hoàn toàn do công nghiệp hóa mà do việc điều chỉnh lại địa giới hành chính. Trong quá khứ, quá trình đô thị hóa ở đây diễn ra không quá mạnh mẽ như những vùng khác của Việt Nam. Tuy nhiên, từ những chỉ tiêu được đề cập trong các quyết định quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển đô thị vùng Tây Nguyên thời gian qua, chúng ta có thể thấy trong tương lai gần, quá trình đô thị hóa vùng Tây Nguyên sẽ diễn ra nhanh chóng với quy mô rộng lớn và phát triển song hành với các khu kinh tế và khu công nghiệp của vùng.

Quá trình đô thị hóa trên vùng đất này đã và đang tác động sâu sắc đến đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc tại chỗ, ảnh hưởng mạnh mẽ đến bản sắc văn hóa vốn có từ lâu đời của họ.

Trong giới hạn của bài viết, chúng tôi chỉ đề cấp đến sự biến đổi không gian cư trú của dân tộc tại chỗ Tây Nguyên trước tác động của quá trình đô thị hóa.

Có lịch sử hàng nghìn năm trên mảnh đất cao nguyên nắng gió, trải qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau cư trú trên các bình nguyên điệp trùng, các dân tộc tại chỗ Tây Nguyên thường chọn cho mình những nơi có điều kiện thuận tiện về nguồn nước, đất canh tác, địa thế phòng thủ… để dựng nhà, dựng làng. 

Làng cổ truyền của người Ê Đê gọi là buôn, người Mnông là bon lan hay uôn, người Ba Na là plei, người Gia Rai là plơi, bon, bôn... Làng là cộng đồng sở hữu về khu vực sinh sống. Đất đai của từng làng được phân bố thành những vùng có chức năng riêng như: Đất dành cho cư trú (gồm nhà ở, nhà rông, kho lúa, bến nước, nghĩa địa, xung quanh có hàng rào bao bọc); đất canh tác gồm bãi chăn thả gia súc, đất làm rẫy, trong đó diện tích rừng làm rẫy thường lớn, không chỉ đất đương canh mà còn đất hưu canh rộng gấp hàng chục lần đất rẫy đương canh, đủ để làng luân khoảnh khép kín, ứng xử hài hòa giữa con người và tự nhiên; rừng tự nhiên; rừng thiêng gồm rừng đầu nguồn, rừng nghĩa địa, rừng cấm không ai được xâm phạm. 

Những năm qua, dưới tác động mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa, không gian và điều kiện sống của các dân tộc tại chỗ đã có nhiều thay đổi. Việc tăng nhanh về dân số làm cho diện tích đất canh tác bình quân trên đầu người ngày càng thu hẹp, đồng bào không có nhiều lựa chọn về địa điểm cho việc lập làng theo những tiêu chí chọn đất lập làng truyền thống.

Cuộc vận động định canh định cư của Đảng và Nhà nước ta trong nhiều năm qua đã di dời được nhiều làng từ vùng sâu vùng xa ra đến những điểm quy hoạch, gần các trục đường giao thông, gần các thị trấn, thị tứ khiến mô hình làng mật tập truyền thống với các kiểu nhà đồng hướng đã không còn.

Hiện nay đến các làng được quy hoạch, điều dễ bắt gặp là các nhà trong làng nằm trải dài ven hai bên đường, mặt quay ra đường. Các đường nhỏ trong làng cắt nhau thành những ô vuông bàn cờ. Mỗi nhà có thổ cư 1.500m2 - 2.500m2, nhà nọ cách nhà kia vài chục đến hàng trăm mét. Bếp lửa được tách ra thành gian riêng ở đầu hồi nhà. Bên cạnh nhà ở đã xuất hiện chuồng gia súc, bếp, vườn. Khu cư trú trong làng không chỉ bao gồm nhà rông, nhà ở, kho thóc, nghĩa địa mà còn một số công trình công cộng mới như trường học, trạm y tế, trạm điện, bưu điện văn hóa, nhiều nơi là bể nước sạch nông thôn.

Địa hình của các làng định canh định cư rất ít nơi cho phép lập những bến nước, giọt nước theo tiêu chí truyền thống, thay vào đó người dân tiếp cận với những giếng khoan bố trí ngay trong khuôn viên các gia đình, tiện lợi cho việc sử dụng nguồn nước, đảm bảo vệ sinh nhưng nó cũng chính là nguyên nhân khiến các bến nước, một phần văn hóa Tây Nguyên, dần biến mất. Rừng đã lùi xa làng, có chăng chỉ còn những cây to ở khu vực nghĩa địa. Xung quanh làng từ lâu không còn hàng rào. Thanh niên ít người ngủ tại nhà rông. Tên gọi các làng bị thay đổi theo hướng “hành chính hóa”, những tên làng trước đây dần biến mất, thay vào đó là những số đếm đơn thuần như thôn 1, thôn 2… được dùng làm tên riêng của cộng đồng. 

Khoảng cách giữa các làng trong cùng dân tộc và các bộ phận dân cư khác ngày càng giảm, tình trạng cư trú xen cài giữa các dân tộc ngày càng phổ biến. Nếu như trước kia, trong các làng người Ba Na, Ê Đê, Mnông, Gia Rai chỉ có những người cùng dân tộc cư trú thì gần đây tình trạng những làng có nhiều người thuộc nhiều dân tộc khác nhau chung sống ngày càng phổ biến.

Đến nay không còn xã nào trong hơn 500 xã của 5 tỉnh Tây Nguyên là xã chỉ có dân tộc thiểu số tại chỗ, cũng có nghĩa là 100% số xã ở 5 tỉnh Tây Nguyên đều có sự xen cư của dân tộc tại chỗ và dân tộc mới đến. Đơn cử như tại tỉnh Gia Lai, trong số 881 làng của người Gia Rai trên cao nguyên Plei ku và vùng thung lũng đông nam Gia Lai thì đã có 186 làng có người Kinh hoặc những dân tộc khác sống xen kẽ. Tương tự như vậy, trong tổng số 470 làng người Ba Na ở Gia Lai cũng có đến 161 làng có người Kinh hoặc các dân tộc khác định cư trong làng.

Tuy nhiên cũng lại do tác động của các yếu tố địa hình, đất đai, giao thông mà mức độ xen cư của dân tộc thiểu số tại chỗ và dân tộc mới đến ở các làng xã là rất khác nhau. Thường là càng ở các xã thuộc cao nguyên bằng phẳng và màu mỡ, có nhiều nông lâm trường quốc doanh thì mức độ xen cư càng cao và mật độ dân số càng đông; càng ở các xã thuộc địa hình dốc núi hiểm trở thì mức độ xen cư càng thấp và mật độ dân số càng thưa.

Thực tế đó đã dẫn đến những thay đổi rõ nét về không gian sinh tồn, môi trường sống của mỗi buôn làng người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Khi không gian cảnh quan làng bị thay đổi bởi làn sóng đô thị hóa thì các tri thức quản lý và sử dụng đất rừng truyền thống của buôn làng thể hiện trong luật tục cộng đồng nay mất cơ sở tồn tại, nhất là các tri thức liên quan đến chọn đất làm rẫy, đến sử dụng và quay vòng đất rẫy theo chu kỳ khép kín, đến bảo vệ và khai thác hợp lý các nguồn lợi tự nhiên trong rừng như săn băn, hái lượm và lấy gỗ xây dựng nhà cửa. 

Thay thế không gian rừng truyền thống của buôn làng gồm rừng cư trú, rừng sản xuất, rừng thiêng, rừng săn bắt hái lượm là không gian chỉ còn buôn làng và đất sản xuất. Đất sản xuất và đất ở bị thu hẹp lại gấp nhiều lần. Trước đây bình quân diện tích đất sản xuất của người Tây Nguyên, bao gồm đất đang canh tác và đất bỏ hóa không dưới 1ha/người, nay giảm xuống 0,22ha/người, chỉ bằng 70% so với bình quân diện tích đất sản xuất chung toàn Tây Nguyên. Bãi chăn thả gia súc của buôn làng từ lâu không còn. Nhiều buôn làng dành hết đất cho nghĩa địa, đất làm bến nước. Rừng cộng đồng không còn. Nguồn lợi trong tự nhiên của buôn làng như chim cá, thú, rau, măng, củ quả hoặc suy giảm mạnh về số lượng lẫn chất lượng hoặc là mất hẳn. Luật tục liên quan đến bảo vệ nguồn lợi tự nhiên trong các buôn làng không còn được thực thi do nguồn tài nguyên thiên nhiên bị suy giảm nhanh chóng bởi nguyên nhân khai thác bừa bãi và tùy tiện. 

Cùng với sự thay đổi không gian làng thì sự thay đổi nhà rông truyền thống, vốn được xem là linh hồn của mỗi ngôi làng Tây Nguyên, cũng là vấn đề quan ngại đối với các dân tộc tại chỗ. Có thời kỳ hàng chục năm, nhiều buôn làng của các dân tộc bắc Tây Nguyên đã không còn nhà rông.

Tuy nhiên những năm gần đây, gắn với việc triển khai tinh thần Nghị quyết Trung ương V về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nhà nước đã chủ trương khôi phục lại nhà rông truyền thống ở các buôn làng và chuyển nhà rông truyền thống thành nhà rông văn hóa cả trên bình diện kiến trúc lẫn trên bình diện chức năng. Do nguyên liệu từ rừng khan hiếm, gạch, xi măng, cốt thép và mái tôn được thay thế cho tre, gỗ, lá tranh. Một quá trình bê tông hóa nhà rông Tây Nguyên đã và đang diễn ra. Toàn bộ kinh phí, vật liệu do Nhà nước đầu tư. Thợ xây dựng nhà rông cũng là người Kinh từ đồng bằng lên. Giống như những ngôi nhà trong làng thiết kế theo kiểu hiện đại, mang màu sắc đô thị, nhà rông văn hóa của các dân tộc tại chỗ được thiết kế giống nhau về kiểu dáng, kết cấu, vật liệu. Chỉ còn tính thống nhất mà mất đi tính đa dạng. Việc bê tông hóa nhà rông khiến cho các giá trị văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của nhà rông truyền thống không còn nữa. Thực tế là đã có không ít nhà rông do Nhà nước xây dựng ít được người dân sử dụng, thậm chí bị bỏ hoang cho dê, bò húc phá. 

Đơn cử như tại thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M'gar, tỉnh Đăk Lăk), theo chúng tôi được biết, hiện tại 5/5 buôn đồng bào dân tộc Ê Đê đã xây dựng được nhà văn hóa cộng đồng với kinh phí từ 120-140 triệu đồng/nhà. Tuy nhiên do kinh phí quá thấp, cộng với thiết kế không phù hợp với kiểu dáng nhà rông truyền thống, diện tích mỗi nhà chỉ khoảng 50m2 sàn, sàn nhà lại quá thấp, khuôn viên đất hẹp, hướng nhà lại không đúng theo trục Bắc-Nam theo đúng tập quán của đồng bào Ê Đê để tránh nắng hắt và mưa tạt, gió lùa nên không thể tổ chức các hoạt động cho cả buôn với hàng trăm hộ dân. Vì vậy, đồng bào cũng ít khi sử dụng, gây tình trạng lãng phí trong nhiều năm nay. 

Như vậy đô thị hóa ở vùng Tây Nguyên giải quyết được bài toán quy hoạch, chỉnh trang các khu dân cư, thị trấn, thị tứ, thành phố tạo điều kiện để phát triển kinh tế; góp phần thuận lợi cho giao thương giữa các vùng, các huyện, xã và buôn làng; tạo nên sự khang trang, sạch đẹp, văn minh; và quan trọng hơn là tạo nên tâm thế tự tin cho đồng bào trong quá trình hội nhập, phát triển.

Nhưng thực tế nữa cũng đang diễn ra song trùng chính là sự thay đổi quá lớn không gian, cảnh quan sống quen thuộc của đồng bào. Những ngôi làng truyền thống được bố trí theo kiểu vòng cung, bao quanh lấy nhà rông của làng giờ chỉ còn ở những làng xa; những ngôi nhà như phố giờ trở nên phổ biến; những không gian xanh bởi cây cối quanh làng giờ thưa vắng dần; những mái nhà tôn, nhà ngói đan xen nhau khiến người ngoài khó phân biệt đâu là ngôi làng người đồng bào; những tri thức quý về ứng xử với thời tiết thông qua kết cấu nhà – làng mất dần… Rõ ràng, khi không gian sống, không gian sinh tồn bị thay đổi mạnh mẽ thì vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào gặp nhiều khó khăn.

Trong Quyết định Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định quan điểm phát triển: “Phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên phải phù hợp với sự phân bố và trình độ phát triển lực lượng sản xuất, bảo đảm phát triển cân đối, hài hòa giữa các khu vực gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước phát triển, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân và ổn định xã hội; quan tâm phát triển nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc”, Tây Nguyên luôn được đặt trong sự quan tâm và ưu tiên phát triển đặc biệt trong cả nước, đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội là quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa vùng cao nguyên.

Điều đó đem lại nhiều thời cơ lớn cho vùng đất này trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên cùng với đó cũng sẽ là những biến đổi mạnh mẽ các giá trị xã hội truyền thống theo nhiều chiều hướng khác nhau. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc tại chỗ Tây Nguyên trước sự tác động của quá trình đô thị hóa phải đảm bảo hài hòa các yếu tố truyền thống, hiện đại, dân tộc, quốc tế và tránh coi văn hóa các tộc người là một thực thể khép kín, không biến đổi; đồng thời phát triển các hình thức bảo tồn, chú trọng các hình thức bảo tồn gắn với cộng đồng, với sinh kế của người dân... Đó cũng là điều cần lưu ý nhất trong quá trình bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc tại chỗ của Tây Nguyễn trong bối cảnh phát triển bền vững hiện nay./.

TS. Trung Thị Thu Thủy

Học viện Chính trị Khu vực III Đà Nẵng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất