Thứ Bảy, 12/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 5/6/2014 15:36'(GMT+7)

‘Cử quốc nghênh địch” – Quốc sách giữ nước thời Lý, Trần, một kinh nghiệm quý báu của dân tộc

Bình Chiêm, phá Tống. Ảnh minh họa

Bình Chiêm, phá Tống. Ảnh minh họa

Đứng trước các đội quân xâm lược to lớn đó, Việt Nam luôn là nước đất không rộng, người không đông, tiềm lực kinh tế, quốc phòng hạn chế, quân đội thường trực rất nhỏ bé so với các đội quân viễn chinh của các đế quốc to lớn ấy. Điển hình như trong kháng chiến chống Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ 3, đội quân xâm lược khi ấy lên tới hơn 50 vạn quân viễn chinh thiện chiến, chưa tính lực lượng phục vụ. Trong khi đó, quân đội thường trực của nhà Trần chưa đầy 10 vạn quân. Nhưng quân dân nhà Trần đã chiến thắng oanh liệt.

Quy luật nghiệt ngã của chiến tranh là “mạnh được yếu thua”. Trong chiến tranh, kẻ mạnh hơn luôn là kẻ chiến thắng. Danh tướng Napoléon Bonaparte của Pháp chẳng từng có câu nói nổi tiếng: “Thượng đế luôn đứng về phía kẻ mạnh” đó sao. Trong các cuộc chiến tranh, không có kẻ yếu nào chiến thắng, cho dù là may mắn. Sự may mắn chiến thắng của bên yếu hơn trong cuộc chiến tranh, cũng chỉ là trong một số trận đánh, chứ hoàn toàn không thể có sự may mắn diễn ra trong toàn bộ cuộc chiến tranh. Và xét đến cùng, trong từng trận đánh riêng lẻ, kẻ mạnh hơn trong trận đánh đó sẽ chiến thắng.

Nói như thế để thấy rằng: dân tộc Việt Nam đã chiến thắng các đội quân xâm lược to lớn, hùng mạnh nhất nhì thế giới vì dân tộc Việt Nam mạnh hơn tất cả các đội quân xâm lược ấy. Đó là sự thật hiển nhiên. Tuy nhiên vẫn có người, theo thói quen, theo cách nói của người khác mà đã thừa nhận không chứng minh rằng: nghệ thuật quân sự Việt Nam là “lấy yếu thắng mạnh”…

Vậy điều gì đã làm cho dân tộc Việt Nam mạnh hơn các đội quân xâm lược hùng mạnh, thiện chiến, có kinh nghiệm dạn dày và đầy “thành tích” trong chinh phạt, giành dân, chiếm đất ấy? Điều gì đã làm cho dân tộc Việt Nam dưới thời nhà Trần, dân số chưa tới 7 triệu người, đã chiến thắng đội quân xâm lược của đế chế Nguyên Mông lúc ấy có dân số gấp hơn 10 lần (khoảng hơn 70 triệu dân - theo vi.wikipedia.org và một số tài liệu khác)? Và trong thế kỷ XX, sức mạnh nào đã khiến Việt Nam chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ?

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam đã ghi nhận, ngay từ rất sớm và về sau này, dân tộc ta đã huy động được sức mạnh toàn dân tộc cho các cuộc khởi nghĩa giành lại chính quyền và các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Ngay từ thời Lý, triều đình đã thực hiện các chính sách chăm lo cho đời sống nhân dân, từ đó tạo nên khối đoàn kết toàn dân giữa lãnh đạo đất nước với quân đội và nhân dân. Triều Lý đã thực hiện các chính sách khuyến nông như vua đi cày “tịch điền” (lễ mở đầu mùa cầy cấy, vua làm lễ tế trời đất rồi cày đường cày mở đầu), nhiều năm, thiên tai mất mùa thì xá tô thuế cho dân, phát thóc gạo, tiền cứu tế cho dân nghèo. Nhà nước chăm lo tu bổ đề điều, xây dựng công trình thủy lợi, giảm nhẹ các khoản đóng góp cho dân. Triều đình giảm bớt lễ tiệc cầu kỳ, tốn kém, quy định cấm quan lại ức hiếp, vơ vét của dân…Với chính sách đó, kinh tế phát triển, chính trị xã hội ổn định, đời sống nhân dân được bảo đảm tốt. Khi có giặc ngoại xâm, nhân dân cả nước đã nhất loạt theo lệnh của triều đình đánh giặc.

Năm 1075, Lý Thường Kiệt đem quân đánh đất Tống, huy động được cả quân chủ lực, quân địa phương ở vùng núi, có cả nhân dân đi theo để vận chuyển lương thực, quân trang, quân dụng cho quân đội. Một người Tống sang nước ta, khi trở về nói với triều đình: “Nhà có 6 người thì 5 người theo quân, một người nữa không đi được thì ở nhà” . Sự phản ánh đó đã thể hiện nhân dân ta tham gia vào công cuộc kháng chiến như thế nào!

Khi lập phòng tuyến Sông Cầu, Lý Thường Kiệt cũng đã huy động được lực lượng cả quân đội, cả nhân dân hết sức đông đảo để rào lũy, đắp thành với quy mô rất lớn, khiến bờ nam sông Cầu thành một bức tường thành vững chắc, chặn đứng quân xâm lược Tống.

Thời Lý, Trần thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”, có chế độ quy định chặt chẽ, đúng với nghĩa “gửi binh lính ở nhà nông”. Khi đó, lực lượng vũ trang được chia làm ba thứ quân:

Cấm quân hay túc vệ quân là quân của triều đình. Số quân này chỉ vài vạn, thường trực quanh năm, được nhà nước nuôi dưỡng.

Quân các lộ là quân địa phương, chia làm nhiều phiên, luân phiên tập trung theo định kỳ, hết phiên lại về sinh hoạt sản xuất với gia đình. Trong thời gian tập trung thì vừa huấn luyện, vừa làm nhiệm vụ cần kíp ở địa phương như dẹp trộm cướp, đào kênh, đắp đê…vừa sẵn sàng theo lệnh “điều binh” của triều đình. Nội dung huấn luyện toàn diện cả về quân sự và chính trị: vừa tập dượt kỹ thuật giáo mác, cung tên, chiến thuật “nằm, đứng, tiến, lui” vừa “hun đúc những điều nhân nghĩa”. Số quân địa phương tập trung này, nhà nước chỉ cấp phát một phần ăn mặc, còn chủ yếu phải tự túc. Quân các lộ thường rất đông, hàng chục vạn, nhưng luân phiên tập trung cũng chỉ vài ba vạn. 

Hương binh (ở đồng bằng), Thổ binh (ở miền núi) là dân binh của các làng, bản. Lúc thường thì canh phòng trộm cướp, khi có chiến tranh thì đánh địch ở địa phương theo lệnh triều đình. Cũng có khi được huy động phối hợp cùng quân đội trong các chiến dịch lớn. 

Ngoài ra, thời Trần còn có quân vương hầu là lực lượng vũ trang ở các điền trang, thái ấp do vương hầu tổ chức để bảo vệ lãnh địa của mình. Khi có chiến tranh lực lượng này được tuyển mộ thêm, có thái ấp đến hàng ngàn người và đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của triều đình, có thể được điều động tham gia tác chiến ở nơi khác.

Như vậy số quân thường trực thời bình, cả quân triều đình và quân địa phương ở các triều đại này chỉ khoảng dưới mười vạn, nhà nước cũng chỉ phải nuôi dưỡng hoàn toàn vài vạn. Số quân dự bị rất đông, được tổ chức biên chế và huấn luyện thành thục sẵn, khi có chiến tranh chỉ cần động viên và trang bị thêm là có ngay lập tức mấy chục vạn quân chiến đấu. 

Quốc sách “ngụ binh ư nông” vừa đảm bảo sức lao động nông nghiệp, giảm thiểu chi phí quốc phòng thời bình mà vẫn đáp ứng được quân số sẵn sàng chiến đấu với số lượng lớn, chất lượng đảm bảo tốt khi có tình huống chiến tranh. Đây là chính sách kết hợp kinh tế với quốc phòng sáng tạo, phù hợp hoàn cảnh một nước nhỏ, dân ít, kinh tế nông nghiệp, tiềm lực quốc phòng thường trực có hạn phải chống lại những kẻ thù xâm lược lớn mạnh. Chính sách này vừa hợp lòng dân, kinh tế có điều kiện phát triển, tiềm lực quốc phòng dự bị được củng cố lớn mạnh, vừa là cơ sở kinh tế, quốc phòng vững chắc để phát động cuộc chiến tranh nhân dân, cả nước đánh giặc chống quân xâm lược. 

Nhà sử học Phan Huy Chú đã có nhận xét xác đáng rằng: “Thời Trần, “phục binh ở nơi thuận tiện”, “lúc vô sự thì cho về làm ruộng, khi có động thì chiếu sổ gọi tên ra hết”, cho nên “binh vẫn đủ mà không phỉa chi phí nhiều, càng thêm hăng hái chống thù”, “thế là thời Trần ai cũng là binh nên mới phá được giặc dữ, làm cho thế nước được mạnh”. “Cái chiến công dẹp quân Chiêm, phá tan quân Tống (thời Lý), cái oai hùng ba lần đánh bại quân Nguyên (thời Trần) cũng đủ cho biết binh lực hai đời cường thịnh thế nào” . 

Ngay nhà Tống, kẻ bại trận cũng đã nghiên cứu và học cách tổ chức quân đội của Đại Việt. Tống sử có ghi lại: An Nam có “An Nam hành quân pháp (phép tổ chức, huấn luyện quân sự của An Nam). Thái Duyên Khánh là tri châu đất Hoạt Thường, học được phép tổ chức quân đội của An Nam, xin bắt chước. Vua Thần Tông nhà Tống khen…”. Lê Qúy Đôn trích lại đoạn trên và bình luận: “ấy binh pháp của nhà Lý được triều Tống bắt chước như thế. Nước ta, về triều Lý… đánh đâu được đấy, là vì thế ấy” .

Triều Trần cũng có nhiều chính sách tiến bộ như chú trọng khai khẩn đất hoang để mở mang diện tích trồng trọt và giải quyết nạn nông dân ly tán. Việc đào kênh lấy nước trồng trọt, đắp đê phòng lụt được nhà Trần rất quan tâm. Lực lượng quân đội được huy động đắp đê, đào kênh là một lực lượng đáng kể. Trần Quốc Tuấn căn dặn tướng sỹ: “Các vương hầu và các tướng sỹ, ai nấy phải cẩn giữ phép tắc, đi đến đâu không được quấy nhiễu dân” . Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần hai, vua trần đã triệu tập đại diện các bô lão các địa phương trong cả nước về kinh thành Thăng Long dự Hội nghị Diên Hồng. Vua Trần nói rõ tình hình địch ta và hỏi nên đánh hay nên hòa. Các bô lão cùng một lời hô “Đánh”. Việc triệu tập Hội nghị Diên Hồng chứng tỏ, trước nạn ngoại xâm triều Trần đã biết tìm đến sức mạnh của nhân dân. Các bô lão đó là đại biểu đầy uy tín của toàn dân, đã đem về Hội nghị tiếng nói quyết chiến và sự ủng hộ của toàn dân đối với chủ trương kháng chiến của triều đình. Cũng từ Hội nghị các bô lão đã đem chủ trương kháng chiến chống ngoại xâm của triều đình về truyền đạt lại cho nhân dân ở các làng xã, từ đó động viên toàn dân tham gia kháng chiến. Nhà sử học Ngô Sỹ Liên có nhận xét chí lý về việc này rằng:

“Giặc Hồ (giặc phương Bắc) xâm lấn là tai nạn lớn của nước, hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi ban yến hỏi kế ở các phụ lão ư? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng yêu nước của nhân dân và để nghe lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Thế là còn giữ ý nghĩa người xưa nuôi người già mà xin lời hay vậy” .  

Tiếp sau đó, vua Trần lại lại truyền cho cả nước sắm sửa binh khí và ra lệnh: “Tất cả các quận huyện trong nước, nếu có giặc ngoài đến, phải liều chết mà đánh, nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, không được đầu hàng” .   

Thực tế trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, nhân dân ta đã đánh địch bằng đủ mọi cách đánh của mình. Các trai tráng gia nhập quân đội làm cho quân số tăng lên nhanh chóng. Thời bình, quân đội thường trực nhà Trần chưa đầy 10 vạn nhưng khi có chiến tranh đã huy động thêm được 40 vạn và hơn 100 vạn dân binh. Những người không tham gia quân ngũ ở nhà thì phối hợp với cùng quân đội đánh địch. Có nhiều làng xã tự tổ chức bố phòng như một cứ điểm, kẻ địch không sao vào được. Những việc nắm tình hình địch, chuẩn bị trận địa, nghi binh… quân đội đều phải dựa vào dân. Nơi nào địch quá mạnh, các địa phương không chống cự nổi thì đều theo lệnh triều đình trốn đi và làm kế “vườn không nhà trống”. Nhân dân miền núi phối hợp với quân địch đánh chặn địch ngay từ biên giới. Khi quân triều đình rút về xuôi, dân binh miền núi vẫn tiếp tục đánh du kích tiêu hao, quấy nhiễu, cắt đứt đường vận chuyển lương thực… khiến cho vùng địch chiếm luôn không yên. Khi chúng rút chạy, nhân dân lại phối hợp với quân đội chặn đường, đuổi đánh, tiêu hao, tiêu diệt địch. 

Trong trận quyết chiến chiến lược Bạch Đằng (năm 1288), vai trò nhân dân trong việc chuẩn bị trận địa và phối hợp đánh địch là rất to lớn. Từ bà hàng nước ở bến đò báo cho Trần Quốc Tuấn tình hình thủy triều lên xuống, đến nhân dân nghi binh lừa địch, phá cầu chặn toán quân bộ đi trên bờ phối hợp với quân thủy của địch, cùng quân đội chuẩn bị trận địa cọc, các bè mảng hỏa công… tất cả đã thể hiện một cuộc chiến tranh nhân dân, cả nước đánh địch rộng lớn. Sau chiến thắng, vua Trần sắc phong cho làng Yên Giang và một số làng khác đã góp công lớn trong cuộc kháng chiến là “nghĩa dân” và trọng thưởng cho nhiều dân thường có công khác.

Chính nhờ có nhận thức và chủ trương đúng đắn ngay từ bước chuẩn bị kháng chiến, đồng thời qua thực tiễn cuộc chiến tranh mà triều Trần đã thấy được sức mạnh của nhân dân. Kháng chiến thắng lợi, có lần sứ giả ta là Đào Tử Kỳ sang sứ Nguyên, Thượng thư bộ Lễ nhà Nguyên Trương Lập Đạo tiếp. Sau khi nêu sức mạnh vô địch của nhà Nguyên, nói rõ trên một nửa thế giới đã năm trong bản đồ đế chế Nguyên , chỉ có nước An Nam là nước duy nhất chống lại, Trương Lập Đạo nói tiếp: “Vua tôi nước ngươi thật như ếch ngồi đáy giếng, coi trời nhỏ. Hỏi rằng được bao nhiêu sức người sức của, có địa lợi hiểm yếu gì mà dám chống lại thiên triều. Thành Thăng Long nhỏ bé kia của nước ngươi, quân thiên triều tới chỉ một cái đạp nữa là san bằng”.

Sứ giả ta, người đại diện cho dân tộc chiến thắng đã khảng khái trả lời: “Các ông là nước lớn, chúng tôi là nước nhỏ, chúng tôi chỉ muốn yên ổn, không bao giờ muốn sinh sự, chỉ vì các ông  cậy người đông sức mạnh, đến trực đè đầu cưỡi cổ chúng tôi. Vì lẽ phải giữ mình chúng tôi phải chống lại. Người xưa có câu “trong chiến tranh lý thẳng thì thắng, lý cong thì thua”, chúng tôi vì tự vệ nên chúng tôi thắng; các ông  vì cướp đoạt nên các ông thua. Đó là lẽ tất nhiên, không thể cậy thế mạnh thế yếu, nước to nước nhỏ mà bàn được. Thành Thăng Long kia là thành nhỏ để phòng những kẻ trộm cướp vặt, phá tan nào có khó gì. Còn như để chống với kẻ địch bên ngoài đến cướp nước chúng tôi, thì chúng tôi đã có một tòa thành vững vàng như núi, không kẻ nào phá được, đó là sức mạnh của toàn thể quân dân chúng tôi” .  

Ba lần chiến tranhh chống Nguyên là ba lần “toàn dân là lính”, “cả nước đánh giặc”. Những người không đánh giặc thì làm kế “thanh  dã” - vườn không nhà trống - bất hợp tác, gây khó khăn cho địch. Kết thúc chiến tranh chỉ có hai hương Bàng Hà, Ba Điểm bị triều đình trị tội vì không theo lệnh lẩn trốn tránh giặc mà đầu hàng địch.

Trần Quốc Tuấn đã có những tổng kết quý giá về sức mạnh của nhân dân và sự cần thiết phải huy động sức mạnh to lớn ấy để giữ nước. Ông đã can vua Trần khi vua có ý định tu sửa lại kinh thành ngay sau kháng chiến thắng lợi: “Việc tu sửa lại thành trì không cần kíp lắm, việc cần kíp của triều đình phải ngay làm ngay không thể chậm trễ là việc úy lạo nhân dân. Người xưa có câu “chung chí thành thành”, nghĩa là ý chí của nhân dân là bức tường thành kiên cố, đó mới là cái thành cân sửa chữa ngay, xin nhà vua xét kỹ” .  

Năm 1300, Quốc Tuấn ốm nặng, vua Trần Anh Tuấn đến thăm và hỏi: “Nếu giặc phương Bắc lại sang thì làm thế nào để giữ được nước?”. Quốc Tuấn trả lời: “Đời Đinh Lê dùng được người tài giỏi, đất nước phương Nam mới mạnh mà phương Bắc mới mỏi mệt suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được được giặc Tống, đó là một thời… Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây, vì vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, nước nhà giúp sức nên giặc phải bị bắt”. Nếu quân giặc sang xâm lược thì phải “xem xét quyền biến, như người đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế… Nới sức dân làm kế rễ sâu gốc vững, đó là thượng sách giữ nước, không còn gì hơn” .  

Sự đồng tình ủng hộ của nhân dân là nền tảng cơ bản của công cuộc giữ nước, tạo nên thế lực mạnh của quốc gia. Thời Lý, Trần tuy tương quan lực lượng quân sự ta còn kém địch, nhưng thế trận chung - sức mạnh tổng hợp toàn diện - ta mạnh hơn hẳn địch. Ngô Sỹ Liên nhận xét: “Thế nước không đời nào mạnh bằng thời Lý”. Phan Huy Chú viết: “Thế nước ta thời Trần cũng tỏ ra cường thịnh lắm”.

Qua lịch sử chống ngoại xâm ở nước ta, có thể thấy một điều hiếm có là những cuộc chiến tranh nhân dân chống ngoại xâm đã xuất hiện ngay từ thời phong kiến. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tác phẩm “Vũ trang quần chúng cách mạng xây dựng quân đội nhân dân” đã khẳng định: “Điều mong ước của Ăngghen về khởi nghĩa toàn dân về vũ trang quần chúng ở châu Âu vào thế kỷ XIX, điều đó đã diễn ra tương đối phổ biến ở nước ta hàng chục thế kỷ trước đây, ngay trong thời đại phong kiến” .  

Điều này tưởng như là mâu thuẫn, khi chủ thể lãnh đạo, phát động kháng chiến là giai cấp phong kiến có lợi ích đối kháng với giai cấp nông dân, sao lại có thể tự giác đoàn kết với nhau cùng hành động. Tuy nhiên, hoàn cảnh lịch sử Việt Nam khi đó: “Giai cấp phong kiến ở nước ta khi đang lên cũng có tinh thần dân tộc. Họ đã thực hiện những hình thức dân chủ nhất định để động viên dân chúng trong nước chống ngoại xâm” . Về phía giai cấp nông dân, chiếm đại bộ phận dân cư, luôn có tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc. “Người nông dân xưa coi việc bảo vệ độc lập của nước nhà là công việc của chính mình, chứ không phải là công việc của giai cấp phong kiến” .   

Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân trong thế kỷ XX, đã viết: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn” . Người cũng đã tổng kết rằng yếu tố đoàn kết của nhân dân và tinh thần yêu nước là hai yếu tố chủ chốt giành thắng lợi trong chiến tranh giữ nước: “Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi. Nhờ lực lượng ấy mà tổ tiên ta đã đánh thắng quân Nguyên, quân Minh, đã giữ vững quyên tự  do, dân chủ. Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta đã cách mạnh thành công, giành được độc lập” . 

Như vậy, trong lịch sử, các thế hệ người Việt Nam đã chọn phương thức toàn dân, toàn diện đánh giặc làm phương thức giữ nước chủ yếu, nhờ đó đã đánh bại mọi kẻ thù xâm lược. Lịch sử đã vậy, ngày nay vẫn thế. Dân tộc ta không còn sự lựa chọn nào khác ngoài lấy sức mạnh toàn dân để giữ nước. Do đó, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và tiến hành chiến tranh nhân dân vẫn là phương thức giữ nước duy nhất đúng đắn của dân tộc Việt Nam trong thời đại ngày nay. Lấy sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, “cử quốc nghênh địch”, đánh thắng sức mạnh bạo tàn của quân xâm lược. Giữ gìn dân tộc Việt Nam mãi trường tồn giữa giông bão của lịch sử. Nhất là hiện nay, khi Trung Quốc đang xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, nhằm độc chiếm biển Đông. Càng đòi hỏi toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, tập hợp sức mạnh toàn dân tộc cho cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ nhằm giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền đối với biển đảo thiêng liêng của tổ quốc mà cha ông ta đã đổ bao công sức và cả máu để khai phá và giữ gìn. Như lời chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc” . 
ThS. Vũ Hải Thanh - Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự - Bộ Quốc phòng

[1] Theo Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, tập 1, Hà Nội, 1949, tr.175.

[1] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 5, Nxb Sử học, Hà Nội, 1961, tr.3-6.

[1] Lê Qúy Đôn, Vân đài loại ngữ, tập 1, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1962, tr.231-232.

[1] Hoàng Đạo Thúy, Sát Thát, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1958, tr.55.

[1] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 5, Sđd, tr.6.

[1] Ngô Sỹ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Sđd, tr50-51.

[1] Theo Phạm Ngọc Phụng, Tổ tiên ta đánh giặc, Tư liệu Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng.

[1] Theo Phạm Ngọc Phụng, Tổ tiên ta đánh giặc, Tư liệu Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng.

[1] Ngô Sỹ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Sđd, tr80.

[1] Võ Nguyên Giáp, “Vũ trang quần chúng cách mạng xây dựng quân đội nhân dân”, Tạp chí Quân đội nhân dân (tiền thân Tạp chí Quốc phòng toàn dân ngày nay), 01 – 1972, tr.5.

[1] Võ Nguyên Giáp, “Vũ trang quần chúng cách mạng xây dựng quân đội nhân dân”, Tạp chí Quân đội nhân dân (tiền thân Tạp chí Quốc phòng toàn dân ngày nay), 01 – 1972, tr.5.

[1] Lê Duẩn, Thanh niên các lực lượng vũ trang hay vươn lên hơn nữa, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1996, tr.20.

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Sđd, tr.479.

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Sđd, tr.281.  

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.77.



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất