Thứ Bảy, 12/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 5/6/2014 19:1'(GMT+7)

Tuyên truyền xây dựng nông thôn mới ở Củ Chi: Kinh nghiệm và giải pháp

Trồng lan tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, nơi thực hiện thí điểm mô hình nông thôn mới. Ảnh: THANH TÂM

Trồng lan tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, nơi thực hiện thí điểm mô hình nông thôn mới. Ảnh: THANH TÂM

Do làm tốt công tác tuyên truyền nên đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội, của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện.

Bước chuyển rõ nét nhất là đã chuyển biến trong nhận thức, trong ý chí của toàn đảng bộ- đó là tư tưởng đồng sức, đồng lòng quyết tâm xây dựng thành công nông thôn mới. Và từ ý chí quyết tâm đó đã trờ thành sức mạnh, động lực tinh thần trong quá trình chỉ đạo, tổ chức, triển khai các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở các cấp ủy, chính quyền địa phương trong toàn đảng bộ huyện.

Bức tranh rất đáng phấn khởi là: đến nay huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh đã cơ bản xây dựng xong Chương trình nông thôn mới ở xã Tân Thông Hội vào năm 2011 và xã Thái Mỹ năm 2012, đạt 19/19 tiêu chí của Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và đang tiếp tục nâng cao chất lượng đối với các tiêu chí đã đạt.

Sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của hai xã Tân Thông Hội và Thái Mỹ, mặc dù còn những điểm chưa đạt được như mong muốn nhưng những kết quả ban đầu mà huyện Củ Chi chỉ đạo thực hiện thực sự là bước chuyển lớn cả về nhận thức và hành động trong những vấn đề cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tính đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở huyện Củ Chi đã được định hình, với lộ trình cụ thể, rút kinh nghiệm qua triển khai tại 2 xã điểm (xã Tân Thông Hội và xã Thái Mỹ), hiện nay huyện Củ Chi đang tiến hành triển khai nhân rộng trên phạm vi 18 xã còn lại của huyện.

Nhìn lại quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tại 2 xã thí điểm đã mang lại nhiều sáng kiến, xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình có hiệu quả kinh tế cao. Có thể bước đầu rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Một là, công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tuyên truyền các điển hình tiên tiến phải được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và phải được duy trì thực hiện thường xuyên, liên tục với nội dung, hình thức, phương tiện tuyên truyền phong phú, sinh động và đa dạng. Những sáng kiến, cách làm hay, các mô hình kinh tế có hiệu quả phải được tuyên truyền nhân rộng kịp thời, trong đó cần coi trọng hình thức tổ chức cho nông dân tham quan thực tế các mô hình điểm.

Hai là, các tiêu chí thuộc về vấn đề quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải được ưu tiên triển khai thực hiện đầu tiên, vì đây là cơ sở pháp lý để triển khai các tiêu chí còn lại và phải được tuyên truyền công khai, rộng rãi trong nhân dân; cán bộ làm công tác quy hoạch phải am hiểu đặc điểm nông thôn của từng xã; quy hoạch phải tạo được sự gắn kết giữa các vùng qui hoạch chung trên địa bàn huyện, quy hoạch phải tạo được lợi thế để sản xuất phát triển.

Ba là, quá trình triển khai thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí thu nhập là hết sức quan trọng, cần phải được tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện một cách quyết liệt vì đây là tiêu chí nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở nông thôn, các tiêu chí còn lại được xem là giải pháp để hỗ trợ thực hiện tiêu chí về thu nhập.

Bốn là, trong xây dựng nông thôn mới thì chủ thể chính là người nông dân, việc phát huy các nguồn lực trong nhân dân là hết sức cần thiết, nhưng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ lãi vay trong nông nghiệp để góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo điều kiện cho người nông dân dồi dào các nguồn lực vật chât và tinh thần đóng góp vào chương trình xây dựng nông thôn mới.

Năm là, về tổ chức sản xuất, cần có định hướng rõ ràng và chỉ dẫn cụ thể cho người nông dân trồng trọt, chăn nuôi theo hướng tập trung những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

2. Từ những kinh nghiệm nêu trên có thể thấy rằng, công tác tuyên truyền điển hình xây dựng nông thôn mới là vô cùng quan trọng và luôn phải đi trước và đi cùng với quá trình tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Bởi nó có ảnh hưởng trực tiếp nhận thức, thái độ và hành động của các chủ thể xây dựng nông thôn mới, bao gồm cả cán bộ lãnh đạo, quản lý và người nông dân.

Vậy trong thời gian tới, cần chú trọng, tiếp tục triển khai các giải pháp tuyên truyền nào để thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới ở các xã còn lại của huyện? Theo chúng tôi, trong thời gian tới rất cần đẩy mạnh triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, bao gồm cả nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức tuyên truyền, trong đó chú trọng một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền điển hình trong xây dựng nông thôn mới

Các cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị phải có nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền và tuyên truyền điển hình xây dựng NTM trong giai đoạn hiện nay. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có kế hoạch tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, xem đây là một nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, quyết định đến thắng lợi của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xây dựng niềm tin của nhân dân.

Để công tác tuyên truyền điển hình xây dựng nông thôn mới thực sự là công việc của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến các xã phải có nhận thức đúng để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, trước hết là đồng chí Bí thư cấp ủy. Cần quan tâm đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ tuyên truyền, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền đảm bảo có chất lượng, vững vàng về quan điểm, bản lĩnh, có trình độ hiểu biết và phải nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là những cách làm hay, sáng tạo, các mô hình kinh tế có hiệu quả để tuyên truyền.

Trên cơ sở Đề án xây dựng nông thôn mới được phê duyệt, Đảng ủy các xã cần tổ chức triển khai, quán triệt trong cán bộ, đảng viên và ra Nghị quyết lãnh đạo; phân công cán bộ, đảng viên chỉ đạo thực hiện các nội dung của đề án và tuyên truyền cho nhân dân ở các ấp; tổ chức thảo luận nghiên cứu kỹ để phân công nội dung thực hiện. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội quán triệt cho các đoàn viên, hội viên lựa chọn những nội dung phù hợp để tham gia chương trình.

Vận động cán bộ, công chức và nhân dân tham gia viết bài về nông thôn mới. Chọn lọc những bài viết đạt yêu cầu để thông tin thường xuyên, liên tục trên đài truyền thanh huyện, xã; phối hợp các viện, chi cục phát triển nông thôn mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao kiến thức về xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ huyện, xã, ấp với những nội dung như: Các văn bản hướng dẫn cụ thể trên từng lĩnh vực, phương pháp quản lý quy hoạch, huy động các nguồn lực, quản lý tài chính, quản lý xây dựng cơ bản, thủ tục thanh quyết toán công trình; hướng dẫn nghiệp vụ về kỹ năng vận động tổ chức phong trào quần chúng tham gia xây dựng nông thôn mới; tổ chức hội thi tìm hiểu nông thôn mới cấp huyện và xã.

Tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở trong việc xây dựng nông thôn mới nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Quy định rõ việc gì Ban Quản lý phải công khai cho nhân dân biết; việc gì trước khi quyết định nhân dân phải được bàn bạc; việc gì do nhân dân quyết định; việc gì nghĩa vụ của nhân dân phải đóng góp, đặc biệt chú trọng thực hiện cơ chế giám sát của nhân dân trong xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Củng cố, nâng cao chất lượng của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và phát huy sức mạnh của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên,… Xây dựng Đảng bộ, Chính quyền cơ sở trong sạch vững mạnh và các đoàn thể chính trị - xã hội của xã đạt danh hiệu tiên tiến trở lên. Phấn đấu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đạt chuẩn theo quy định, trong đó quy hoạch cán bộ trẻ, nữ để tạo nguồn và tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ công chức, công nhân viên cấp xã.

Gắn phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nâng cao vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng địa bàn trong sạch không có tội phạm, tệ nạn xã hội.

Thứ hai, xác định mô hình chuẩn xây dựng nông thôn mới để tuyên truyền nhân rộng

Cần khắc phục cho được tình trạng tiến hành triển khai một cách dàn đều các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, đối với công tác quy hoạch phải ưu tiên triển khai thực hiện trước. Quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, khả thi, quy hoạch phải dựa vào thế mạnh của từng xã, tạo sự kết nối giữa các vùng trên địa bàn Huyện; tạo được tiềm năng thế mạnh nhằm thu hút mời gọi các doanh nghiệp về đầu tư phát triển nông thôn, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại dịch vụ; chú trọng quy hoạch các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân; tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân, đặc biệt là những lão nông tri điền, những người có thời gian cư trú lâu dài ở địa phương để bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch.

Về xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội (từ tiêu chí 2 đến tiêu chí 9): Đối với nhóm tiêu chí này cần phải tập trung tuyên truyền vận động để cán bộ, đảng viên nâng cao tính tiên phong, gương mẫu trong việc hiến đất, công trình xây dựng để xây dựng đường giao thông nông thôn. Tùy theo từng nội dung cụ thể mà tập trung tuyên truyền, vận động các chủ doanh nghiệp tích cực góp vốn cùng với Nhà nước xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Thực hiện việc đánh giá chỉ số hài lòng của người dân khi được mời tham dự các cuộc họp bàn về giải pháp xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất và đời sống dân sinh. Hàng quý thông qua họp tổ nhân dân tiến hành biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong việc đóng góp hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho nông thôn mới.

Về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động (từ tiêu chí 10 đến tiêu chí 13): Tập trung tuyên truyền vấn đề chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp và thương mại dịch vụ. Trong sản xuất nông nghiệp hướng người nông dân sản xuất, chăn nuôi đối với những giống cây, giống con mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của ngành nông nghiệp tổ chức tuyên truyền, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình nông nghiệp có giá trị kinh tế cao; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm cho người nông dân, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp giảm dần và tiến tới xóa bỏ diện tích đất sản xuất nông nghiệp có năng suất thấp, kém hiệu quả sang các cây trồng vật nuôi có hiệu quả cao; tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân tiến hành thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, trên cơ sở đó giải quyết tốt đầu ra sản phẩm nông nghiệp cho người nông dân. Về đào tạo nghề và giải quyết việc làm tập trung khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động trên cơ sở đó phối hợp với các trường cao đẳng, trung cấp nghề tổ chức tuyên truyền để chiêu sinh, mở các lớp dạy nghề phù hợp với xu hướng phát triển của địa phương. Đào tạo nghề phải đáp ứng được nhu cầu học nghề của người lao động và đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Tuyên truyền các chính sách hỗ trợ kèm theo như miễn giảm học phí, dạy ngoài giờ hành chính, giải quyết việc làm cho người học nghề.

Về văn hóa – xã hội, môi trường (tiêu chí 14 đến tiêu chí 17): các cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị tăng cường lãnh đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của nhân dân về chấp hành pháp luật, tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, tham gia các phong trào thi đua yêu nước với nhiều hình thức. Thông qua các hình thức lễ hội, hội thi các cấp, tập trung tuyên truyền, vận động xây dựng ý thức tự chủ trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng các hoạt động văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư ở nông thôn như: Hội thi về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp, hội thi hò vè, hát xướng về xây dựng nông thôn mới; hội thi tìm hiểu về Chương trình xây dựng nông thôn mới; các hoạt động thi đấu thể thao quần chúng,…đảm bảo các hoạt động được duy trì thường xuyên liên tục, tránh tình trạng “nói nhiều, làm ít”.

Về hệ thống chính trị và an ninh trật tự (tiêu chí 18 và tiêu chí 19): Tập trung tuyên truyền các nội dung nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Các cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo cả hệ thống chính trị cụ thể hóa các nội dung xây dựng nông thôn mới thành chương trình hành động của tổ chức mình và triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Trong thực hiện phải luôn lắng nghe ý kiến của nhân dân, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đóng vai trò nòng cốt, thực sự là hạt nhân chính trị trong lãnh đạo việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị với mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đội ngũ cán bộ phải được trẻ hóa, có trình độ, năng lực, năng động trong công tác.

 Thứ ba, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền và tuyên truyền điển hình xây dựng nông thôn mới

Trước hết cân đặt ra yêu cầu cán bộ được phân công nhiệm vụ trực tiếp tham gia công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới phải bám sát cơ sở, ứng xử có văn hóa khi tiếp xúc với nhân dân và đặc biệt phải nắm vững chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chính sách về xây dựng nông thôn mới để giải thích có lý, có tình khi người dân có những thắc mắc hoặc hiểu chưa đúng. Phương châm “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin” phải được triển khai sâu rộng trong nhân dân. Việc tuyên truyền vận động nhân dân không chỉ đơn thuần dùng chính sách pháp luật để tuyên truyền, đối với một số công việc khó phải dùng cả tình làng nghĩa xóm trong đó tranh thủ ý kiến của những người cao tuổi, cán bộ hưu trí và những người có uy tín trong ấp, trong xã để tiến hành tuyên truyền vận động. Chú trọng lựa chọn những cán bộ có kinh nghiêm, năng lực tuyên truyền để tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn ngày về chuyên môn nghiệp vụ. Tổ chức cho họ đi thăm quan các mô hình xây dựng nông thôn mới tiên tiến để họ có kiến thức thực tiễn phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền.

Thứ tư, xây dựng nội dung, lựa chọn hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ tuyên truyền điển hình xây dựng nông thôn mới

Nội dung tuyên truyền xây dựng nông thôn mới mà nông dân muốn biết tập trung vào những thông tin, kiến thức mới về tiến bộ, những kết quả đã đạt được cũng như những kinh nghiệm, những mô hình kinh tế có hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới. Đây chính là nội dung cần thiết, thiết thực nhất mà người nông dân quan tâm, giúp cho người nông dân áp dụng trực tiếp vào trong quá trình sản xuất, mà cụ thể là sản xuất nông nghiệp. Đây cũng chính là căn cứ, là cơ sở để chủ thể tuyên truyền tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền những nội dung cần thiết, cũng như có sự điều chỉnh, thay đổi nội dung tuyên truyền sao cho phù hợp yêu cầu thực tiễn công cuộc xây dựng nông thôn mới.

 Thứ năm, tích cực sử dụng phương pháp tuyên truyền nêu gương cán bộ, đảng viên trong việc trong việc vận động nhân dân đóng góp vật chất và công sức xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho nông thôn mới

Phương pháp tuyên truyền gương điển hình tiên tiến là một trong những phương pháp hiệu quả trong công tác tuyên truyền. Hơn nũa nó rất phù hợp với đối tượng tuyên truyền là nông dân. Ngoài việc tuyên truyền những tấm gương là cán bộ, đảng viên, phải kịp thời tuyên truyền những gương quần chúng tích cực, tiêu biểu, gương mẫu đi đầu trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, từ đó tạo sự thống nhất cao, làm cho nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy vai trò những người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng dân cư để họ đi đến từng gia đình, từng người dân chưa thông chủ trương, chính sách để tuyên truyền, vận động; ngoài ra còn có thể thông qua những người thân của họ đang công tác ở các cơ quan Đảng, Nhà nước… để tác động. Xác định khối Dân vận, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội cơ sở giữ vai trò, vị trí quan trọng trong tuyên truyền và triển khai tổ chức thực hiện, trong đó chú trọng sử dụng lực lượng nòng cốt những cán bộ đoàn viên, hội viên gương mẫu để tiến hành tuyên truyền.

Nguyễn Chí Dũng

Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Củ Chi

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất