Thứ Năm, 3/10/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 15/11/2011 20:25'(GMT+7)

Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước: Phải tôn trọng nguyên tắc kinh tế thị trường

 * Nhiều doanh nghiệp chưa bắt kịp yêu cầu của nền kinh tế thị trường

Ông Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện kinh tế Tài chính cho rằng, hiện nay ở các doanh nghiệp Nhà nước, công tác tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh chậm đổi mới, nhiều doanh nghiệp chưa bắt kịp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường, có tư tưởng ỷ lại vào nhà nước, sử dụng nguồn vốn tài nguyên còn lãng phí. Ngoài ra, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với lợi thế được hưởng như tiền vốn, lao động cũng như sử dụng tài nguyên.

Thống kê của Học viện Tài chính cho thấy, doanh nghiệp nhà nước hiện nắm giữ tới 70% tổng tài sản cố định của toàn bộ nền kinh tế; chi phối hơn 20% vốn đầu tư của toàn xã hội; 60% tín dụng của hệ thống Ngân hàng Thương mại; 50% vốn đầu tư của Nhà nước và 70% nguồn vốn ODA (nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức). Song tỷ lệ đóng góp vào GDP chỉ được 37-39%, tạo việc làm cho 4,4% tổng số lao động, đặc biệt tỷ lệ tăng sản lượng và năng suất lao động luôn chậm hơn khu vực tư nhân là 10-14%.

Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, tình trạng độc quyền trong sản xuất kinh doanh làm méo mó thị trường, gây thiệt hại lớn tới người tiêu dùng, hạn chế sự phát triển và cạnh tranh của nền kinh tế.

Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, doanh nghiệp Nhà nước ở ta hiện nay thực hiện đồng thời hai chức năng: vừa là doanh nghiệp định hướng lợi nhuận nhưng còn là công cụ ổn định nền kinh tế vĩ mô của xã hội. Thời gian qua, chúng ta chưa đánh giá được sâu sắc hai vai trò này của doanh nghiệp Nhà nước. Theo ông, cũng cần phải cân nhắc việc thực hiện đồng thời hai chức năng này.

* Xem nhu cầu thị trường là căn cứ để phân bổ các nguồn lực

Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội cho rằng, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước trên cơ sở tôn trọng, vận dụng đầy đủ các quy luật, nghiên cứu kinh tế thị trường. Theo ông Phong, yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững đòi hỏi nhà nước không bao cấp rủi ro cho doanh nghiệp nhưng cũng không tạo ra những rủi ro cho doanh nghiệp bằng quyết định hành chính.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước về kinh tế là chưa cao. Sự can thiệp của Nhà nước ở nhiều cấp chính quyền khác nhau không phù hợp với sự vận động của thị trường. Nhưng mặt khác Nhà nước lại thiếu công cụ và cơ chế giám sát, chế tài để đảm bảo các chủ thể tham gia các quan hệ thị trường tuân thủ "luật chơi" đã đề ra. Vì vậy, các chuyên gia đề xuất cần khẩn trương xây dựng Luật quản lý vốn Nhà nước, Luật đầu tư công, tạo cơ sở pháp lý cần thiết điều chỉnh bằng luật đối với các hoạt động đầu tư công.

Các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế cũng đã thẳng thẳn nêu lên quan điểm về việc tái cơ cấu doanh nghiệp phải có tầm nhìn xa, không bị tư duy nhiệm kỳ, tư tưởng cục bộ hay lợi ích nhóm chi phối. Nhiều chuyên gia cũng đồng tình việc tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa để dần thu hẹp tỷ trọng và giảm thiểu số lượng doanh nghiệp mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối, chỉ duy trì doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trong lĩnh vực mà nhà nước cần độc quyền, giữ vị trí then chốt của nền kinh tế và các lĩnh vực mà doanh nghiệp kinh tế tư nhân không, chưa muốn hoặc chưa có khả năng tham gia.

Về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Sơn cho rằng, khi giao quyền quản lý cho tư nhân trong lĩnh vực: y tế, điện…thì cần phải có một lộ trình cụ thể và cẩn trọng vì lúc đó nhà nước khó có thể kiểm soát được giá cả khi doanh nghiệp tư nhân tự đẩy lên.

Bên cạnh đó, các đại biểu tham gia hội thảo đều đồng tình với việc chấm dứt tình trạng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư dàn trải ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính. Cần phát triển doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực quan trọng có ý nghĩa then chốt của nền kinh tế. Đặc biệt, cần thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch về tài chính./.

TTX

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất