Thứ Sáu, 20/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 19/6/2013 9:41'(GMT+7)

Tái cơ cấu doanh nghiệp: Cần lực đẩy từ chính sách

Dây chuyền sản xuất hiện đại của Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) - một trong số ít đơn vị cổ phần hóa thành công.(Ảnh: SGGP)

Dây chuyền sản xuất hiện đại của Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) - một trong số ít đơn vị cổ phần hóa thành công.(Ảnh: SGGP)

Băn khoăn từ tiến độ

Tiến trình đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) ở nước ta đã được triển khai từ nhiều năm nay, bên cạnh những kết quả khả quan, trước đòi hỏi của thực tiễn thì tiến độ thực hiện vẫn còn đặt ra nhiều băn khoăn.

Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, trong năm 2012, cả nước sắp xếp được 22 DN, trong đó cổ phần hóa 13 DN, sáp nhập 5 DN, chuyển thành mô hình trách nhiệm hữu hạn một thành viên 3 DN và thành lập mới 1 DN. Riêng 5 tháng đầu năm 2013, cả nước đã sắp xếp được 16 DN, trong đó cổ phần hoá 10 DN, sáp nhập, hợp nhất 5 DN và thành lập mới 1 DN... Bên cạnh đó, công tác tái cơ cấu DN cũng đã và đang được triển khai khá quyết liệt từ Chính phủ xuống đến các địa phương. Tính đến hết tháng 4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 99/101 phương án sắp xếp, đổi mới DN của các bộ, ngành, địa phương, DN giai đoạn 2011 - 2015. Đến ngày 20/5, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt 17/21 đề án tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty.

Mặc dù các DN nhà nước nói chung đã rất tích cực triển khai thực hiện đổi mới, tái cơ cấu theo các phương án đã được phê duyệt, tuy nhiên, tiến độ còn chậm, đặc biệt là tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt kế hoạch đề ra. Việc tái cơ cấu, sắp xếp DN, nhất là cổ phần hoá vẫn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ vốn bán ra ngoài thành công thấp, còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết kịp thời. Vướng mắc nhất là việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị vườn cây vào giá trị DN cổ phần hoá gặp nhiều lúng túng. Việc kiểm toán giá trị DN và xử lý vấn đề liên quan đến tài chính, công nợ cũng mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Đặc biệt, do sự giảm sút mạnh của thị trường chứng khoán và bất động sản nên giá trị của DN hiện đã khác (phần lớn là giảm) so với thời điểm tiến hành CPH, nhiều trường hợp có sự chênh lệch rất lớn.

Ngoài ra, hành lang pháp lý và cơ chế chính sách cho việc đổi mới, tái cơ cấu vẫn còn thiếu cũng là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ, kế hoạch tái cơ cấu DN. Thực tế, việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực sắp xếp, đổi mới DN theo Chương trình công tác của Chỉnh phủ, Thủ tướng Chính phủ còn chậm so với kế hoạch. Tiến độ xây dựng Điều lệ tổ chức và hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng còn chậm. Tính đến ngày 24/5, mới chỉ có 5 trên tổng số 15 dự thảo Nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của tập đoàn, tổng công ty được hoàn thiện, trình Chính phủ (bao gồm Hàng không, Hàng hải, Đường sắt, Than-Khoáng sản, Dệt may). 7 tập đoàn, tổng công ty khác hiện đã hoàn thành dự thảo, đang trình các bộ để thẩm định. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng dự thảo.

Mặt khác, theo Điều 21 Nghị định số 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán thì điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng của cổ đông lớn trong công ty đại chúng phải là cổ phiếu của DN có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 10 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán; hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán... Như vậy, DN có cổ phiếu mà các tập đoàn, tổng công ty đang có vốn góp dự kiến phải thoái vốn cũng cần phải đáp ứng một số điều kiện theo quy định. Với tình hình kinh tế trong thời gian qua sẽ tác động tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN dẫn tới việc thoái vốn của một số tập đoàn, tổng công ty trong công ty đại chúng rơi vào tình trạng này không thực hiện vì không đảm bảo đủ các điều kiện…

Lực đẩy từ chính sách

Mục tiêu đến năm 2015 đã được xác định là phải hoàn thành căn bản việc tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới DN nhà nước, do vậy rất cần sự vào cuộc tích cực từ các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức, triển khai thực hiện và hoàn thiện hành lang pháp lý.

Thực tế, hành lang pháp lý trợ giúp cho các DN thoái vốn đã được Bộ Tài chính chuẩn bị sẵn sàng nhằm xử lý khó khăn phát sinh trong quá trình thoái vốn. Trên thực tế đã có nhiều quy định tại Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn về cơ chế quản lý tài chính DN có vốn nhà nước. Phương thức thoái vốn của các DN nhà nước đầu tư vào DN khác đã được Bộ Tài chính quy định tại Thông tư số 117/2010/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Đặc biệt, để triển khai thoái vốn ngoài ngành khi thực hiện Đề án Tái cơ cấu DN nhà nước theo Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Công văn hướng dẫn cụ thể việc xây dựng phương án thoái vốn đầu tư ngoài ngành trước năm 2015. Theo đó, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành và kèm theo đó là các cơ chế về tài chính cần thực hiện một cách thận trọng và xem xét cụ thể đối với mỗi tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Việc thoái vốn phải đảm bảo nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của Nhà nước. Đối với lĩnh vực đầu tư có khả năng mất vốn thì các tập đoàn, tổng công ty lập phương án thoái vốn phù hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét từng trường hợp cụ thể theo đúng tinh thần Nghị quyết 26/NQ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, nhằm giúp đỡ các DN xử lý khó khăn trong quá trình thoái vốn, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục rà soát các văn bản quy định có liên quan đến công tác thoái vốn trình cấp có thẩm quyền xem xét, tạo điều kiện thực hiện đúng lộ trình và các nguyên tắc đề ra.

Quan điểm chỉ đạo chung của Chính phủ là việc sắp xếp, cổ phần hoá, tái cơ cấu DN sẽ không phân biệt theo cấp mà thực hiện theo ngành, có thể được thực hiện ở những khâu, công đoạn cụ thể, thay vì nhất thiết phải thực hiện cả lĩnh vực như trước đây. Thực hiện định hướng này, số lượng DN 100% vốn sẽ là rất ít (chỉ còn những lĩnh vực đặc biệt quan trọng), thay vào đó sẽ là hình thức cổ phần, nhưng mức độ cổ phần hoá có thể sẽ khác nhau.

Các bộ, ngành, địa phương ưu tiên cao cho việc xây dựng, ban hành cơ chế chính sách nhằm tạo cơ sở pháp lý, tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện. Phấn đấu hết tháng 7/2013 hoàn thành phê duyệt Điều lệ các tập đoàn, tổng công ty; khẩn trương xây dựng và trình ban hành Quyết định về tiêu chí phân loại DN; Đề án cổ phần hóa đối với một số đơn vị công lập; Quy chế giám sát DN; Mô hình đại diện chủ sở hữu đối với DN./.

Thanh Quang
 

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất