Thứ Tư, 25/12/2024
Sinh hoạt tư tưởng
Thứ Năm, 31/3/2011 7:43'(GMT+7)

Tại cơ chế hay bố trí sai cán bộ?

Tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc năm 2011 vừa diễn ra tại TPHCM, nhiều đại biểu đặt vấn đề, tại sao có những vụ tiêu cực không thể quy trách nhiệm cho ai?

Đại biểu một tỉnh miền Trung kể, thông thường muốn triển khai một dự án nào đó, UBND tỉnh phải hỏi ý kiến các sở - ngành, có khi phải hỏi bộ - ngành chủ quản. Theo ông, cái đó tưởng chừng dân chủ, đã trở thành một cơ chế ai cũng có quyền quyết mà không ai chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Việc thiếu rõ ràng trong  phân định giữa chức năng quản lý nhà nước theo lãnh thổ với quản lý nhà nước theo chuyên ngành cũng dẫn đến tình trạng có những việc nhiều cơ quan cùng làm, thậm chí là “xâm lấn quyền hạn” trong khi nhiều việc buông lỏng, không ai làm hoặc làm không đầy đủ. Nên trong nhiều trường hợp, chính sự mập mờ giữa trách nhiệm và quyền hạn, giữa các quy định và chuẩn mực, đã làm cho không ít người có thẩm quyền mỗi lần đặt bút ký là mỗi lần tự hỏi: không biết có phải bồi thường hay bị phạt tù không? Đã vậy, tình trạng đùn đẩy nhau, tránh né nhau thường xảy ra, huyện đẩy “quả bóng” lên sở, sở này đẩy cho sở kia, rồi đẩy lại cho huyện.

Ông nói, đoàn công tác của Tỉnh ủy khi kiểm tra những công trình “rùa”, đã thấy nhiều bất cập khi trên cùng một công trình xây dựng có tới 5-6 đơn vị của các ngành cùng quản lý một lúc mà mỗi ngành có những quy định quản lý khác nhau, không đồng bộ và thống nhất với quy định của ngành khác. Lãnh đạo tỉnh họp với người đứng đầu các sở - ngành để tìm hiểu, mới vỡ lẽ ông này sẵn sàng chấp thuận những giải pháp mang tính thỏa hiệp để làm hài lòng người sở - ngành kia. Hệ quả từ những thỏa hiệp “ngầm” với nhau thường chỉ làm hài lòng tất cả mọi người mà không mang tính đột phá, thậm chí tạo ra kẽ hở cho tiêu cực. “Có lẽ ở nhiều vị trí, chúng ta bố trí… nhầm người”, vị đại biểu này kết luận.

Có đại biểu cho rằng, để tránh tình trạng bố trí “nhầm” cán bộ, nên làm giống như kết nạp đảng viên, nghĩa là phải có người giới thiệu và bảo đảm. Dự kiến nhân sự cấp ủy mới giới thiệu với đại hội cũng vậy. Ai giới thiệu và nhận xét ưu, khuyết điểm thế nào, ý kiến của Tiểu ban nhân sự ra sao đều phải ghi rõ. Đương nhiên vẫn có thể bỏ phiếu kín lấy tín nhiệm của cán bộ cấp dưới để tham khảo. Nhưng nên tránh tình trạng chỉ dựa vào tỉ lệ phiếu tín nhiệm hoặc sự giới thiệu của vài người nào đó với Tiểu ban nhân sự, đưa thông qua cấp ủy rồi kiến nghị ra đại hội.

Bổ nhiệm, đề bạt đúng, không biết do công của ai; đề bạt sai, “nhầm” phần tử xấu cũng không biết trách nhiệm thuộc về ai. Nếu làm chặt chẽ thì một thời gian sau nhìn lại, ai giới thiệu được nhiều cán bộ tốt, có thể biết đó là người lãnh đạo hoặc cán bộ tổ chức công tâm, có quan điểm, phương pháp đánh giá cán bộ đúng. Ngược lại, ai giới thiệu, đề bạt những người kém, xấu có thể đó là người lãnh đạo quan liêu, thậm chí có động cơ không trong sáng./.

(Tuấn Sơn/SGGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất