Trong bối cảnh hiện nay, khi công nghệ thông tin và các mạng xã hội phát triển như vũ bão thì vấn đề kiểm soát tin tức giả mạo, sai lệch, vốn có nguy cơ cao gây tổn hại tính mạng, sức khỏe người dân, làm mất trật tự xã hội, đe dọa an ninh và lợi ích quốc gia… đang khiến thế giới phải “đau đầu.” Việc siết chặt kiểm soát thông tin Internet đang trở thành xu hướng tất yếu tại các quốc gia trên thế giới và Nga cũng không phải là ngoại lệ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 18/3 đã ký ban hành hai đạo luật mới, theo đó các hành vi phổ biến thông tin giả mạo và xúc phạm biểu tượng Nhà nước trên mạng Internet sẽ bị phạt nặng.
Tại Nga, các hành vi phổ biến thông tin giả mạo và xúc phạm biểu tượng Nhà nước trên mạng Internet sẽ bị phạt nặng
Đạo luật thứ nhất cấm truyền bá các thông tin giả mạo, không chính xác và các thông tin mang tính xuyên tạc, bóp méo có nguy cơ gây nguy hại cho cuộc sống của công dân, gây xáo trộn trật tự xã hội quy mô lớn hoặc vi phạm an ninh công cộng... Trong trường hợp này, mức phạt cao nhất lên tới 1,5 triệu ruble (khoảng 22.000 USD).
Đạo luật thứ hai được ông Putin ký ban hành nhằm xử lý các hành vi “xúc phạm các biểu tượng và thể chế Nhà nước.” Người vi phạm sẽ bị phạt với mức tối đa là 300.000 ruble (4.500 USD). Đạo luật tăng cường kiểm soát mạng xã hội cũng buộc các nhà cung cấp Internet phải chặn những nội dung bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm hay tổn hại tới những giá trị văn hóa và đạo đức của nước Nga. Như vậy, Liên bang Nga đã tiếp nối danh sách gần 140 quốc gia (trong đó có 95 nước đang phát triển) ban hành luật liên quan tới an ninh mạng.
Trên thực tế, trong những năm qua, người dân Nga không ít lần rơi vào tình trạng hoảng loạn bởi những thông tin giả mạo, sai lệch. Tháng 10/2018, một số thông tin lan truyền trên mạng xã hội cảnh báo về những vụ tấn công khủng bố tại Moskva và vùng lân cận, khiến người dân Xứ sở Bạch Dương thực sự hoang mang lo sợ, nhưng cuối cùng cơ quan chức năng khẳng định đây là những thông tin thất thiệt.
Trước đó, vào tháng 3/2018, ngay sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn tại Trung tâm thương mại Anh Đào mùa Đông ở thành phố Kemerovo, một blogger tung tin giả về số người thiệt mạng lên tới hơn 400 người, trong khi trên thực tế là 64 người, khiến dư luận hết sức bức xúc. Rất nhiều vụ phát tán thông tin sai lệch trên mạng xã hội khiến các cơ quan chức năng Nga phải “hao công, tốn của” để trấn an dư luận.
Như lời Phó Tổng Giám đốc thứ nhất hãng thông tấn Nga TASS Mikhail Gusman, thế giới đang bị bao phủ bởi một làn sóng, thậm chí có thể gọi là “đợt sóng thần” các thông tin giả mạo, sai lệch được phát tán trên mạng xã hội, và đây là một “tai họa khủng khiếp” bởi những thông tin loại này đe dọa sự ổn định của thế giới hiện đại. Tuy nhiên, tai họa hơn cả là con người chưa nhận thức đầy đủ, còn hồ nghi về những tác động to lớn khôn lường của những thông tin giả mạo, sai lệch trên mạng.
Thế giới đang bị bao phủ bởi một làn sóng, thậm chí có thể gọi là “đợt sóng thần” các thông tin giả mạo. (Phó Tổng Giám đốc thứ nhất hãng thông tấn Nga TASS Mikhail Gusman)
Thượng nghị sỹ Andrei Klishas, đồng tác giả của hai đạo luật mới nói trên, chia sẻ: “Internet đã trở thành một phần của cuộc sống mà chúng ta không thể coi thường. Đây là không gian xã hội quan trọng nhất và trong đó cần phải có những nguyên tắc hành vi cơ bản mà không khác với những nguyên tắc hành vi trong bất cứ không gian xã hội nào khác.”
Trong khi đó, nghị sỹ đảng “nước Nga thống nhất” Dmitry Vyatkin nhấn mạnh các nghị sỹ đều nhất trí rằng hành vi loan truyền thông tin giả mạo nhằm gây bất ổn tình hình, nhằm gieo rắc sợ hãi, hoảng loạn đang trở nên nhức nhối và cần phải có những biện pháp ngăn chặn.
Các đạo luật siết chặt kiểm soát an ninh thông tin trên mạng xã hội là bước triển khai Học thuyết An ninh thông tin quốc gia được Tổng thống Nga Vladimir Putin phê chuẩn tháng 12/2016. Đây là một hệ thống các quan điểm chính thức nhằm bảo đảm an ninh quốc gia Nga trong lĩnh vực thông tin, trong đó chú trọng ngăn chặn các nguy cơ nảy sinh khi sử dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng xã hội, trong bối cảnh các phương pháp, kỹ thuật và công cụ của các tội phạm mạng xã hội này ngày càng trở nên tinh vi hơn.
Mối đe dọa từ hoạt động phát tán thông tin giả mạo, sai lệch trên mạng được giới chức Nga đánh giá có thể gây nguy hại tới an ninh, lợi ích quốc gia cũng như quyền và cuộc sống riêng tư của mỗi cá nhân.
Học thuyết An ninh thông tin quốc gia của Nga đề cập việc sử dụng sử dụng công nghệ thông tin với mục đích chính trị-quân sự, sử dụng Internet để phát tán những thông tin với mục đích gây chiến tranh tâm lý, tác động làm mất ổn định tình hình chính trị-xã hội, dẫn tới phá vỡ các giá trị chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga và các đồng minh. Bên cạnh đó còn là những thông tin làm xói mòn các giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh và đạo đức của người dân Nga.
Không chỉ là những mối đe dọa từ bên ngoài, từ các lực lượng thù địch với nước Nga, Học thuyết An ninh thông tin quốc gia nhấn mạnh các tổ chức ủng bố khủng bố và cực đoan đang sử dụng rộng rãi mạng xã hội như một cơ chế tác động thông tin tới ý thức của các cá nhân, các nhóm và cả xã hội để tạo nên sự căng thẳng, kích động thù hận chia rẽ, đặc biệt ở quốc gia đa sắc tộc với nhiều vấn đề lịch sử, tôn giáo phức tạp như Liên bang Nga.
Học thuyết này cũng đề cập tới việc gia tăng tội phạm máy tính, trước hết là trong lĩnh vực tín dụng và tài chính, tăng số vụ phạm tội trên mạng Internet có liên quan đến vi phạm quyền hiến pháp và tự do của công dân , bao gồm bí mật cá nhân và gia đình khi xử lý các dữ liệu cá nhân mà có sử dụng công nghệ thông tin.
Theo Thư ký báo chí Tổng thống Nga Dmitry Peskov, hai đạo luật siết chặt an ninh mạng vừa được thông qua, khi soạn thảo đã được tính toán kỹ lưỡng dựa vào kinh nghiệm của phương Tây, đặc biệt là các nước châu Âu.
Tháng 12 năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố Hệ thống Kế hoạch hành động chống tin tức giả (APAD) giúp các nước thành viên cảnh báo lẫn nhau trước các thông tin trực tuyến sai sự thật, đồng thời yêu cầu các mạng xã hội gỡ bỏ những thông tin thất thiệt.
EU đã công bố Hệ thống Kế hoạch hành động chống tin tức giả (APAD) giúp các nước thành viên cảnh báo lẫn nhau trước các thông tin trực tuyến sai sự thật
Đối với hành vi xúc phạm biểu tượng Nhà nước, bộ luật hình sự của Đức quy định tội xúc phạm hoặc cố tình thể hiện thái độ coi thường Đức, cờ, quốc huy của nước này có thể bị phạt hành chính lên tới 30.000 euro (34.000 USD), hoặc chịu án tù giam 3 năm. Tại Pháp, hành vi xúc phạm nghiêm trọng quốc huy hoặc cờ bị xử phạt tới 7.500 euro (8.500 USD) và ngồi tù 6 tháng trong trường hợp “tham gia tập thể.”
Tương tự tại Bỉ, hành vi vu khống và xúc phạm các cơ quan Hiến pháp sẽ phải ngồi tù từ 8 ngày đến 1 năm, hoặc nộp phạt từ 26.000 đến 200.000 euro (29.500 USD-227.000 USD). Trong trường hợp sử dụng lời nói, đe dọa, cử chỉ để xúc phạm các cơ quan chính quyền và đại diện có thể bị ngồi tù từ 15 ngày đến nửa năm hoặc chịu nộp số tiền phạt từ 50.000 đến 100.000 euro (56.700 USD-113.500 USD).
Phó Tổng Giám đốc thứ nhất hãng thông tấn Nga TASS Mikhail Gusman nói rằng trong thế giới hiện đại của những công nghệ không ngừng đổi mới như ngày nay, mạng xã hội là phương thức kết nối con người, song vấn đề là con người vẫn chưa hiểu rõ mình phải sống trong mạng lưới kết nối đó như thế nào khi mà mạng xã hội đã, đang và sẽ được sử dụng cho những mục đích xấu xa nhất.
Hàng triệu tin giả mạo, sai lệch, xuyên tạc, bóp méo, kích động... trong dòng chảy khổng lồ cả tỷ thông tin đủ loại xuất hiện mỗi ngày trên mạng xã hội toàn cầu đã khiến cuộc chiến chống những thông tin được phát tán với ý đồ xấu trở nên vô cùng khó khăn. Việc Nga cũng như các nước ban hành các quy định nhằm kiểm soát và điều chỉnh hành vi con người trong không gian mạng là bước đi cần thiết và tất yếu để bảo vệ mỗi cá nhân và toàn xã hội trong thế giới hiện đại./.
Dương Trí (Phóng viên TTXVN tại Nga)