Thứ Sáu, 22/11/2024
Khoa học
Thứ Tư, 27/6/2018 11:39'(GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp sáng tạo

 Để thực hiện mục tiêu này, dù nhấn mạnh vai trò của khoa học - công nghệ nhưng việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sự kết nối khoa học với doanh nghiệp hiện nay vẫn còn hạn chế. Tại Diễn đàn Kết nối khởi nghiệp Việt Nam trong ngoài nước được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh  trong 2 ngày 26-27/6, các chuyên gia cho rằng, để làm được điều này thành phố cần đẩy mạnh được nền công nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) phát triển. 
 


Về tiềm lực khoa học công nghệ, so với cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh có nguồn lực khoa học công nghệ chiếm trên 25%, số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm 50%, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khoa học công nghệ lần lượt chiếm 42% và 15%. Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh có các Khu công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Khu phần mềm Quang Trung, Trung tâm Công nghệ sinh học, Viện Khoa học công nghệ tính toán, 45 trường đại học và 30 trường cao đẳng, trên 125 phòng thí nghiệm, 270 tổ chức khoa học công nghệ. 

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay thành phố có trên 760 nhóm cá nhân/tổ chức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực, chiếm hơn 42% số lượng startup cả nước. Có hơn 46% (tương tương 350 startup) đã và đang tham gia chương trình hỗ trợ của các tổ chức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó 222 startup (chiếm 63%) đã và đang được sự hỗ trợ ươm tạo tại các cơ sở ươm tạo của Nhà nước trong giai đoạn từ 2011 đến nay. Có 49% startup tìm được nhà tài trợ và đầu tư, trong đó khoảng 70% đang trong giai đoạn gọi vốn. 

Ông Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa đủ sự kết nối cộng đồng giữa các thành phần của sự phát triển. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam có quan tâm đến đổi mới sáng tạo nhưng chủ yếu để phục vụ cho mục tiêu ngắn hạn. Đổi mới sáng tạo hiện nay chủ yếu mang tính cải tiến, ít phát triển sản phẩm, dịch vụ mới cung ứng cho thị trường. Đa phần doanh nghiệp được nghiên cứu chưa đầu tư nhiều vào bộ phận nghiên cứu và phát triển, vì thế khi có ý tưởng về sản phẩm mới phải đặt hàng với đối tác cung ứng vì nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo. Ngân sách dành cho đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực chưa cao; sự hợp tác với các đơn vị nghiên cứu, các trường đại học chưa tốt. 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Trình - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hàng năm thành phố dành 20% ngân sách (khoảng 2.000 tỷ đồng) chi cho công tác nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ nhưng chỉ giải ngân được 0,08% chủ yếu cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Còn lại hầu như doanh nghiệp nào cũng có quỹ khoa học công nghệ (kể cả doanh nghiệp Nhà nước lẫn doanh nghiệp tư nhân) nhưng không được quan tâm sử dụng, doanh nghiệp không có sự kết nối đặt hàng các nhà nghiên cứu và các cơ sở nghiên cứu… 

Bên cạnh đó, nhận thức về đăng ký sở hữu trí tuệ vẫn chưa được cộng đồng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo quan tâm so với các hoạt động khác như: tài chính, gọi vốn, sale marketing... Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), đa số các startup không huy động vốn được do không đăng ký giấy bảo hộ quyền sáng tạo, quyền sở hữu trí tuệ, chỉ chú trọng phát triển trong phạm vi địa phương mà không vươn ra quốc tế. Do đó, Việt Nam cần có hệ sinh thái khởi nghiệp mang tính chuyên nghiệp hơn để đào tạo, hướng dẫn cho nhà đầu tư, làm thế nào để kết nối với các nhà khởi nghiệp thành công khác để đi xa hơn. 

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh sẵn có hàng loạt lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực nhưng phải thừa nhận rằng, một trong những cái yếu của Thành phố Hồ Chí Minh chính là vai trò quản lý Nhà nước, ứng dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống; sự kết nối giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học… còn hạn chế. 

Để khắc phục những điểm yếu này, cần đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học công nghệ, giúp doanh nghiệp có thói quen đặt hàng nhà khoa học nghiên cứu, giúp cho giới khoa học đào tạo và doanh nghiệp muốn tồn tại song song phải tìm đến nhau, kết nối với nhau. Mặt khác, ngay khi thành lập doanh nghiệp mới cần có sự kết hợp giữa công nghệ và kinh doanh, cần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp để kết hợp hai yếu tố này. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước cần liên kết, giúp nhau rút kinh nghiệm qua các giai đoạn phát triển doanh nghiệp. Và để phát triển nhanh hơn thì không chỉ dựa vào nguồn lực trong nước và cả kinh nghiệm của bạn bè quốc tế, kết nối các start up trong nước với các start up Việt Nam đã thành công ở ngoài nước…/. 
 

 

Việt Âu/TTXVN 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất