Nhiều cơ hội

Phóng viên (PV): Thưa Thứ trưởng, khi Việt Nam tham gia vào AEC, lao động Việt Nam sẽ có những cơ hội việc làm như thế nào?

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Có thể nói, AEC được thành lập giúp thị trường lao động trong khối hoạt động sôi động hơn, thúc đẩy tạo việc làm cho từng quốc gia thành viên. Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì khi tham gia vào thị trường ASEAN, số việc làm của Việt Nam đến năm 2025 có thể tăng lên 14,5%. Điều này có nghĩa, Việt Nam đang có hơn 53 triệu lao động và sẽ có thêm 14,5 triệu lao động khác tìm được việc làm từ nay cho đến năm 2025. Trước mắt, có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm: Kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó có nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) được di chuyển tự do hơn. Điều đó có lợi cho cả người lao động và doanh nghiệp. Đối với người lao động, nhờ sự thỏa thuận này, người lao động Việt Nam sẽ có cơ hội học tập và làm việc trong các môi trường chuyên nghiệp của các nước trong AEC.

Ảnh minh họa / TTXVN 

 

PV: Thực trạng chất lượng và cơ cấu lao động Việt Nam khi hội nhập với AEC là gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới. Mặt khác, trình độ ngoại ngữ của lao động Việt Nam chưa cao nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập. Nguyên nhân chủ yếu của hiện trạng trên là chất lượng đào tạo còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu sử dụng nhân lực và nhu cầu của người học; chưa theo kịp sự chuyển biến của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…

 

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp. 


 

Tận dụng thời cơ

PV: Hội nhập AEC tức là chúng ta gia nhập vào một “sân chơi” có tính cạnh tranh cao. Nếu lao động Việt Nam không nâng cao được tay nghề thì chắc chắn nhiều vị trí việc làm của lao động Việt Nam có thể sẽ do lao động các nước khác đảm nhận. Giải pháp nào để "khắc chế" hiện trạng trên, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Để bảo vệ việc làm cho người lao động trong nước cần cả những giải pháp chủ động và các biện pháp kỹ thuật.

Giải pháp chủ động là các giải pháp giúp lao động trong nước lấp đầy các vị trí việc làm trước khi lao động nước ngoài tràn vào; giải pháp kỹ thuật là các quy định về điều kiện cấp phép để làm chậm lại việc lao động nước ngoài chiếm lĩnh các vị trí việc làm đó. Cần chuẩn bị tốt nhất nguồn nhân lực cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, đáp ứng được yêu cầu của các vị trí cần tuyển, giúp người sử dụng lao động có thể tuyển được lao động trong nước. Đồng thời phải chấn chỉnh, làm tốt hơn hệ thống thông tin thị trường lao động và thị trường trong nước để giới thiệu, chắp nối việc làm trong nước, giúp người lao động Việt Nam tiếp cận các vị trí làm việc trong nước trong thời gian ngắn nhất. Phải cung cấp được cả thông tin thị trường lao động ngoài nước để giúp người lao động Việt Nam có cơ hội tiếp cận. Mặt khác, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm cũng cần tổ chức lại nhằm tăng cường sự liên kết, chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau trong công tác cung ứng, tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động Việt Nam đến được các vị trí việc làm mà doanh nghiệp cần tuyển, hạn chế phần nào tình trạng các doanh nghiệp sẽ tuyển dụng lao động nước ngoài trong khi chúng ta hoàn toàn có thể cung cấp nhân lực.

Tuy nhiên, các giải pháp kỹ thuật cần hài hòa giữa mục tiêu bảo vệ việc làm cho lao động trong nước với mục tiêu tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, để Việt Nam vẫn được coi là điểm đến hấp dẫn đối với họ.

PV: Như vậy, trình độ nhân lực vẫn là điểm yếu của lao động nước ta. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chúng ta cần tập trung thực hiện các giải pháp gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho lao động Việt Nam, chúng ta cần tiếp tục công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo hướng tăng khả năng thực hành và các kỹ năng nghề nghiệp; phối hợp đồng bộ các chính sách, đặc biệt là chính sách phát triển nguồn nhân lực, việc làm, giáo dục-đào tạo và các chính sách kinh tế. Mục tiêu là thu hẹp được khoảng cách giữa các kỹ năng được đào tạo trong nhà trường với kỹ năng làm việc tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có sự gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ giữa dạy nghề với trị trường lao động, hướng vào việc đáp ứng phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, từng ngành, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Để nắm bắt được cơ hội, trước hết người lao động cần có kiến thức, kỹ năng theo khung trình độ đòi hỏi, đồng thời cần tự tìm hiểu, trau dồi thêm các kỹ năng. Mặt khác, ngoại ngữ cũng là một điểm hạn chế của lao động Việt Nam. Người Việt Nam được đánh giá là cần cù, sáng tạo, nhiều sáng kiến nhưng khi bạn không giao tiếp được, không chia sẻ được thì sáng tạo, sáng kiến không đưa được vào thực tiễn lao động, sản xuất, kinh doanh. Vì thế, người lao động còn cần có ngoại ngữ để có thể nắm bắt cơ hội tham gia làm việc tại các quốc gia trong AEC.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

THU HƯƠNG (thực hiện)/Báo QĐND