Chủ Nhật, 22/9/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 11/4/2012 21:12'(GMT+7)

Tản mạn từ một chuyến về Tây Nguyên

Ngắm lại chiến trường xưa. Ảnh: QT

Ngắm lại chiến trường xưa. Ảnh: QT

Chúng tôi bắt đầu hành trình qua các tỉnh Tây Nguyên vào thời điểm “mùa con ong đi kiếm mật”, khắp đồi núi Tây Nguyên bạt ngàn màu trắng của hoa cà phê.

Sau chuyến bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng, chúng tôi bắt đầu đến với Tây Nguyên bằng cách đi từ Quảng Nam lên KonTum, đuờng Hồ Chí Minh đã thông tuyến nên thênh thang xe chạy, chẳng mấy chốc núi sâm Ngọc Linh (Kon Tum) đã hiện sừng sững trước mặt.


Dừng xe ở dốc Lò xo, xuống thắp nén hương cho những cựu chiến binh phường Kim Liên (Hà Nội) bị tai nạn giao thông năm xưa. Cứ mỗi lần đến lên Tây Nguyên, đến đoạn đường này, cánh lái xe thường dừng thắp nén nhang cho những người xấu số…

Đi qua huyện Ngọc Hồi, đoạn qua ngã ba biên giới, nơi "một con gà gáy ba nước đều nghe", mới thấy Ngọc Hồi đã chuyển mình dữ dội, bộ mặt đô thị phố huyện đã khang trang, sạch đẹp, phố xá buôn bán sầm uất, đông đúc người đi lại…

Tháng ba, Tây Nguyên ngút ngàn màu trắng của hoa cà phê. Ảnh: QT

Tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Đắc Tô, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước anh linh, hương hồn những liệt sỹ, anh hùng lực lượng vũ trang đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ năm xưa, thắp nén nhang bày tỏ tấm lòng thành. Hành trình khám phá Tây Nguyên lại bắt đầu.

Cảm nhận về tỉnh cực bắc Tây Nguyên, Kon Tum là một một thành phố ít dân, nhưng sạch đẹp, đường phố phong quang, thoáng đãng. Sau những hồi chuông ngân nga, giáo dân lại cùng nhau vào nhà thờ hành lễ. Đất và con người nơi đây khoáng đạt, thành phố khiêm nhường nép mình bên dòng Đắk Bla thơ mộng dưới đỉnh Ngọc Linh hùng vĩ.

Đất và rừng Tây Nguyên giờ không còn cảnh hoang vu trầm mặc như xưa, trong ánh nắng quái chiều những chồi cao su mỡ màng đang trỗi mình bật dậy, những buôn làng phong quang, những đồi mỳ, nương cà phê xanh thẳm bên những ngôi nhà mới của người Ja Rai, Rơ Măm làm vui mắt người già, ấm lòng con trẻ. Vui vì được chứng kiến sự hùng vĩ, bao la của Tây Nguyên, buồn vì rừng xanh không còn nhiều, lác đác có những vạt đồi cháy dở vì người dân đốt rừng làm rẫy.

Thăm nhà ngục Kon Tum, nghe hướng dẫn viên thuyết trình về những đấu tranh gian khổ của các bậc tiền bối cách mạng mới thấy thành quả có được của đất nước hôm nay giá trị biết bao, phút lắng đọng bên di vật lịch sử, ngồi xuống bàn viết vội đôi dòng cảm xúc vào sổ cảm tưởng.

Bên dòng Đắk Bla – sông duy nhất chảy ngược dòng, nhìn sang thấy nhà Rông với chóp mái cao vút vươn lên ngạo nghễ giữa trời, mái nhà Rông như lưỡi rìu ném vào trời xanh tượng trưng cho sức mạnh của đồng bào dân tộc Tây Nguyên bao đời nay.

Nhà Rông kiêu hãnh giữa trời xanh. Ảnh: QT


Gia Lai đón chúng tôi với những nương rẫy cà phê, cao su, hồ tiêu chạy dài tít tắp.Là tỉnh nằm theo mạch dải giáp ranh giữa Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây thuộc miền núi biên giới Tây Nam của tổ quốc “quần cư” trong gia đình Tây Nguyên; Gia Lai là địa bàn chiến lược quan trọng về an ninh - quốc phòng có cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, đồng thời có con đường huyền thoại Hồ Chí Minh đi qua.

Pleiku - thành phố cao nguyên với Biển Hồ trong xanh như mắt ngọc lúc mờ lúc tỏ trong sương mù mỗi buổi sớm mai, tạo cảm hứng cho nhạc sỹ Nguyễn Cường thăng hoa trong ca khúc “Đôi mắt Pleiku” say đắm lòng người. Cuối xuân, đầu hè, những vạt cúc quỳ còn sót lại trong không gian cao nguyên xác xơ, cúc quỳ giống như một sự bứt phá mạnh mẽ, thoát khỏi sự tiêu điều của cảnh vật xung quanh để vươn lên thật sức sống. Chiều Biển Hồ thưởng thức món gà nướng bên ché rượu cần, ngất ngây với những điệu múa xoang uyển chuyển, nhịp nhàng của các cô gái Bahnar…

Đêm Pleiku yên bình, thành phố Pleiku có nhiều quán cà phê ngon nổi tiếng, giá cả dễ chịu nên khách ra vào quán cà phê tấp nập như vào quán bia hơi ngoài Bắc. Nhưng chưa đến 21 giờ, thành phố đã chìm vào yên lặng, người dân đi ngủ sớm.

Thủ phủ Tây Nguyên lâu nay được xem ở Đăk Lắk, thành phố Buôn Ma Thuật vốn mang nhiều sản vật: điều, ca cao, hồ tiêu, cà phê, dâu tằm, trà...Đến Đắk Lắk, men ruợu Amakông ấm nồng làm mềm môi người lữ khách bên những buôn làng đặc trưng của người Êđê, Ba Na, Ja Rai; hương cà phê quyến rũ đưa hồn người phiêu dạt, lãng đãng trong chiều muộn nơi phố núi. Đến Buôn Ma Thuột xem như đến với nóc nhà của Tây Nguyên, du khách có thể cưỡi voi đi dọc bờ sông ở Buôn Đôn, có thể chạy xe vòng vòng hồ Lắk ngắm ánh hoàng hôn trước khi vào bữa tối…

Trở lại chiến trường xưa

Chuyến đi của chúng tôi có cựu binh từng chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, điểm cuối của chuyến đi là tỉnh Đắc Nông, nơi thời trai trẻ họ đã từng chiến đấu. Những cựu binh già trở lại thăm chiến trường cũ, thắp nén nhang cho những đồng đội đã ngã xuống trong chiến cuộc năm xưa, gợi nhớ về một thời gian khó đầy ắp nghĩa tình đồng đội.

Dọc đường từ Đắk Lắk sang Đắk Nông, những cựu binh kể cho chúng tôi nghe về những trận đánh năm nào, hồi ức lại trở về đầy ắp. Họ đều là những sinh viên của trường Đại học  Tổng hợp, sau chiến cục năm 1972, tất cả những sinh viên hăng hái lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại chiến truờng Kiến Đức (tỉnh Quảng Đức, nay là Đắk Nông).

Đứng ở ngã ba Đức Song, cựu binh Trần Mạnh Phương, Nguyễn Chu Chân dõi tầm mắt qua những tán cao su quá đầu người, chỉ tay qua phía vực sang ngọn đồi bên kia, hồi ức như một cuốn phim đầy lần lượt hiện lên…

"Bạn hiền ơi, hãy yên nghỉ". Ảnh: QT


Thời sinh viên với bao mơ mộng, với trang sách, giảng đường đã được khép lại để thực hiện nghĩa vụ với tổ quốc. Những người lính thư sinh bước vào chiến trường đã phải đối mặt với những khốc liệt của chiến tranh, với hy sinh và mất mát. Đó là những phút giây cùng đồng đội chia sẻ hơi thuốc, cùng nhau đi trinh sát địa bàn, mà hôm sau trong trận càn của địch, kẻ còn, người mất; rồi lại tìm cách lấy xác đồng đội về…

Những năm đóng quân trong rừng già, ba năm không thấy bóng dáng người qua lại, thế trận cứ giằng co với địch, đánh – rút, rút – đánh đảm bảo địa bàn chiến thuật; đôi khi chỉ thèm được nghe tiếng người phụ nữ…

Hy sinh, bị thương, sốt rét rừng, thiếu lương thực… không đánh gục được người chiến sỹ, cũng tại chiến trường gian khổ này, nghĩa tình đồng đội càng thắm đượm, sắc sâu hơn. Những người lính sinh viên kể cho nhau nghe về gia đình, bạn gái, những nung nấu sẽ thực hiện sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước. Ấy vậy mà khi cuộc chiến đã qua, người nằm xuống, người về lại giảng đường năm nao. Cho đến giờ này, có người mới trở lại nơi đây, thăm đồng đội ngã xuống.

Cựu binh Nguyễn Chu Chân kể về người bạn cùng học chung lớp, cùng nhập ngũ, cùng chung một đơn vị chiến đấu đã nằm xuống, anh quê ở Hà Nội, gia đình chỉ có mình anh là con trai, anh hy sinh khi đưa đồng đội bị thương về phía sau trong lúc trận đánh đang diễn ra ác liệt.

Toàn cảnh chiến trường đã thay đổi, cựu binh Trần Mạnh Phương, hiện là Phó Giám đốc trường chính trị Đăc Nông, trước đây là trinh sát Tiểu đoàn, chỉ dẫn lại các địa danh. Anh Phương chỉ tay về các địa danh, bồi hồi nhớ lại: chỗ Dốc kia là trung đội của anh (Chân) phục kích tiêu diệt cả một tiểu đội Ngụy, khu vực kia là anh Tường, anh Khải… hy sinh. Nghe các anh kể tôi thực sự xúc động và khâm phục về tình bạn, tình đồng đội của các anh trong cuộc chiến ác liệt.

Chiều cao nguyên, trong nghĩa trang huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông) đặt trên đỉnh ngọn đồi khói hương nghi hút, chúng tôi cùng thắp nén nhang tưởng niệm. Những giọt nước mắt, những kỷ niệm quyện trong gió thoảng của đại ngàn, lặng lẽ tan vào hư không, nghĩa trang còn nhiều ngôi mộ vô danh, cũng như nhiều nghĩa trang trên khắp đất nước này, có nhiều người nằm đó, không tên tuổi, quê quán…

Hành trình của chúng tôi khởi sự vô tình chào Tây Nguyên tại một nghĩa trang ở Kon Tum, rồi kết thúc cũng tại một nghĩa trang khác ở Đắk Nông, thế mới biết đất nước này còn nợ những người nằm xuống nhiều lắm. Tây Nguyên xưa kia bạt ngàn rừng, nơi “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” thì giờ đây không còn nữa. Chúng tôi thầm cảm nhận điều đọng lại trong mắt người lính già sau 40 năm mới trở lại nơi đây, không còn sự hùng vĩ của rừng già, mà là những vạt đồi trọc chỏng trơ trong nắng xế chiều. Lúc này, thoảng bên tai câu thơ của Hoàng Nhuận Cầm: ‘Nếu phải đi trở lại. Tôi vẫn đi đường này. Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai”.

Vâng, nếu có phải trở lại, họ vẫn chọn con đường đã đi năm xưa…

Trọng Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất