Thứ Hai, 23/9/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 23/3/2012 11:9'(GMT+7)

Trách nhiệm xã hội của nhà khoa học

Sự cố rò rỉ nước tại đập Thủy điện Sông Tranh 2.

Sự cố rò rỉ nước tại đập Thủy điện Sông Tranh 2.

Sự cố rò rỉ nước tại đập Thủy điện Sông Tranh 2 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong những ngày qua khiến người dân sống ở vùng hạ du băn khoăn, lo lắng. Đại diện lãnh đạo Cục Kiểm định chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) sau khi đi thị sát tình hình đã kết luận: Công trình này có lỗi từ khâu thiết kế, thi công, giám sát cho đến khâu khai thác vận hành. Cách đây 3 ngày, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng khẩn trương kiểm tra, có giải pháp khắc phục việc thấm nước qua đập Thủy điện Sông Tranh 2.

Từ sự cố rò rỉ tại đập Thủy điện Sông Tranh 2 đã đặt ra một vấn đề liên quan đến trách nhiệm của các nhà khoa học kịp thời vào cuộc cùng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tham gia thẩm định, ngăn ngừa, giải quyết sự cố này một cách hiệu quả, sớm có những kết luận chính xác và đề xuất biện pháp xử lý, ổn định tư tưởng người dân.

Hiện nay, sau hàng chục vụ xe gắn máy, ô tô tự nổ, tự cháy, mà chưa có cơ quan nào xác định chính xác nguyên nhân, dư luận đặt câu hỏi, vì sao các chuyên gia, nhà khoa học, chưa ráo riết vào cuộc để giải đáp kịp thời băn khoăn của người dân.

Cuộc sống sẽ còn đặt ra rất nhiều vấn đề đòi hỏi sự giải đáp nhanh chóng, kịp thời của các nhà khoa học, đòi hỏi sự nhạy bén, sắc sảo, sự vào cuộc khẩn trương và tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm. Khi xuất hiện các hiện tượng, sự cố bất thường, các chuyên gia thuộc các lĩnh vực liên quan phải kịp thời lên tiếng, cùng các cơ quan chức năng tích cực tìm ra nguyên nhân, từ đó xác định các giải pháp khắc phục hiệu quả, góp phần nhanh chóng ổn định tình hình.

Việc khuyến khích, động viên các nhà khoa học đề cao trách nhiệm xã hội cũng như đòi hỏi họ có tinh thần “dấn thân” vào việc khó, lăn lộn trong thực tiễn là nguyện vọng chính đáng của những người lãnh đạo và đông đảo người dân. Tuy nhiên, cần xây dựng một cơ chế, chính sách huy động, phát huy nguồn chất xám của các nhà khoa học đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng để khai thác tối đa hiệu quả “nguyên khí quốc gia”. Mặt khác, cần phải sớm quy tụ được các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong việc tham gia giám sát, kiểm tra, thẩm định, giải quyết các sự cố liên quan đến cuộc sống, sinh hoạt, lao động của người dân để ngăn ngừa, hạn chế tới mức thấp nhất những hoang mang, lo lắng dễ nảy sinh, lây lan trong dư luận./.

(Thiện Văn/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất