Thứ Hai, 25/11/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 27/3/2012 23:51'(GMT+7)

“Cán bộ là cái gốc của mọi thắng lợi”

Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” được xem như một luồng sinh khí mới, dư luận xã hội hưởng ứng và đặc biệt quan tâm. Bởi, nếu làm tốt chủ trương này, là điều kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp cho Đảng có thêm năng lực, uy tín và sức mạnh, gắn bó mật thiết giữa ý Đảng - lòng dân. Song, kết quả cụ thể đạt được như thế nào đang là kỳ vọng mà dư luận đang quan tâm, chờ đợi.

Trong vài thập kỷ gần đây, tuy chưa thật hoàn chỉnh nhưng ở từng địa phương, đơn vị đều tổ chức tiến hành rà soát đánh giá và quy hoạch cán bộ, nhưng công tác bổ nhiệm, đề bạt cán bộ vẫn còn không ít bất cập khi đặt một số cán bộ, thậm chí là cán bộ chủ chốt không đúng “chỗ ngồi” của họ. Chính vì thế, có trường hợp Đại hội kết thúc chưa được bao lâu thì đồng chí Tỉnh ủy viên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo đã phải nhận kỷ luật, buộc cách chức.

Để trả lời tình trạng này, có thể liệt kê rất nhiều nguyên nhân nào là chính sách cán bộ thiếu tầm nhìn chiến lược, chưa toàn diện, thiếu vững chắc từ phát hiện bồi dưỡng, đào tạo, giao trách nhiệm… Nhưng nếu chỉ thấy được những thiếu sót trong công tác cán bộ, mà không tìm ra nguyên nhân cội rễ của nó để loại trừ, thì cái yếu kém trong công tác cán bộ có lẽ vẫn là muôn thuở.

Bây giờ không phải là lúc “chẩn bệnh”, mà cần phải mổ xẻ để tìm cách chữa trị nó. Công tác cán bộ là hệ trọng, do vậy phải tổng hợp nhiều cách thức, không nên quá coi trọng tiêu chí kết quả phiếu lấy ý kiến tín nhiệm (kể cả ý kiến quần chúng nơi cư trú) đối với một cán bộ nào đó. Bởi vì khi phiếu tín nhiệm đạt đến 100% cũng chưa hẳn đã phản ánh đúng thực chất của người cán bộ mà ta lấy ý kiến. Trong thực tế chẳng phải đã có trường hợp khi lấy phiếu tính nhiệm rất cao nhưng lúc đặt họ vào vị trí lãnh đạo người ta lại dễ dàng nhận ra rằng phẩm chất và năng lực của họ không thể đáp ứng chiếc ghế mà họ đang ngồi lên.

Sở dĩ có tình trạng đó, trước hết là do công tác quản lý cán bộ lỏng lẻo, chủ yếu là quản lý hồ sơ lý lịch, chưa theo kịp sự diễn biến trong đời sống hằng ngày của họ. Bên cạnh đó một lực cản để người có năng lực, trung kiên, những người nhạy bén trước tình hình, có suy nghĩ độc lập, dám đề xuất các nhận xét chân thành không bị sức ép nào của bất cứ ai được bố trí sử dụng. Nếu Đảng chưa giải quyết được hiện tượng đang tồn tại, hiển nhiên là trong công tác cán bộ ở nơi này, nơi khác vẫn còn tình trạng bị mối quan hệ thân quen chi phối... Điều đó đang làm nhức nhối lòng biết bao cán bộ trung kiên, tâm quyết với sự nghiệp của Đảng, của địa phương đơn vị mình. Hiện tượng chạy chức, chạy quyền là chuyện có thật, thậm chí có lúc còn được tiến hành một cách công khai. Người ta khoe khoang các mối quan hệ với kẻ có chức có quyền như một thế mạnh. Đã đến lúc lãnh đạo cấp cao phải kiên quyết, đấu tranh loại bỏ cho được tình trạng mua quan bán chức, vì khi còn có kẻ bán thì tất có người mua.

Chỉ thị của Bộ Chính trị về triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay nêu rõ”: không cần để hết nhiệm kỳ, cứ hai năm lấy phiếu tín nhiệm một lần và kiên quyết đưa những người không đủ phẩm chất năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, không được sự tín nhiệm của quần chúng và đội ngũ đảng viên ra khỏi cương vị lãnh đạo để đưa những người đủ đức đủ tài thay thế.

Một vấn đề được xem là khâu then chốt quyết định trong xem xét, đánh giá, lựa chọn đề bạt cán bộ, phải đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, chấm dứt bệnh gia trưởng, độc đoán trong quyết định bổ nhiệm, đề bạt cán bộ vốn vẫn còn phảng phất ở cấp ủy các cấp thời gian qua. Cơ quan tham mưu phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy thẩm quyền về người cán bộ mà mình tiến cử.

Do vậy, cần phải loại bỏ tình trạng đánh giá, nhận xét cán bộ thiếu khách quan, còn để tình cảm cá nhân chi phối, nặng về quá trình lịch sử hơn khả năng gánh vác nhiệm vụ, tạo điều kiện cho “hiền tài” có cơ hội cống hiến. Phải thật sự lấy việc hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo phẩm chất năng lực và lòng trung thành của người cán bộ đảng viên.

Hơn lúc nào hết, chúng ta phải tuân thủ lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Mình có quyền dùng người phải dùng người có tài năng, làm được việc chớ vì bà con bầu bạn mà kéo vào chức nọ, chức kia chỉ vì sợ mất địa vị mà dìm những người có tài năng hơn mình”. Có như vậy, người thật sự có tài năng, đức độ mới có chỗ đứng xứng đáng trong hệ thống tổ chức của Đảng và Nhà nước ta./.

Lê Thanh Toàn
Nguyên UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cà Mau

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất