Thứ Hai, 25/11/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 2/4/2012 22:41'(GMT+7)

Trước khi đánh giá phải tôn trọng sự thật

Cuối tháng 3, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã công khai mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Nguyễn Công Chính. Nhân vật đội lốt tôn giáo, vi phạm pháp luật, phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc này phải nhận mức án 11 năm tù giam theo khoản 1 Điều 87 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự là điều không bất ngờ. Trong thời gian dài, Nguyễn Công Chính đã quan hệ với một số tổ chức phản động, hoạt động vi phạm pháp luật. Tuy đã được chính quyền địa phương nhắc nhở, giáo dục nhiều lần song Chính không những không từ bỏ con đường sai trái mà còn ngày càng lún sâu vào tội lỗi.

Nguyễn Công Chính đã soạn thảo, phát tán nhiều tài liệu cho cá nhân, tổ chức phản động trong và ngoài nước; phát biểu xuyên tạc tình hình trong nước, vu cáo chính quyền và lực lượng vũ trang trên các đài báo nước ngoài. Một số đối tượng hoạt động trong tổ chức phản động FULRO bị bắt và xử lý theo pháp luật, thì Chính lại cho rằng đó là số tín đồ sinh hoạt tôn giáo đơn thuần nhưng bị chính quyền vu cáo và xử tù. Trường hợp Thạch Thanh Nô, người dân tộc Khơ-me ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh là một Phật tử bị chết do tai nạn giao thông, Nguyễn Công Chính đã chỉ đạo đồng bọn soạn thảo văn bản và trực tiếp ký “Thông báo khẩn cấp” gửi Tổng lãnh sự quán Mỹ và các tôn giáo, xuyên tạc Thạch Thanh Nô bị đánh chết khi đang sinh hoạt tôn giáo.

Trong tổng số 22 đầu tài liệu mà cơ quan điều tra thu được của Nguyễn Công Chính có tới 19 đầu tài liệu có nội dung tuyên truyền gây chia rẽ giữa chính quyền, lực lượng vũ trang với tầng lớp nhân dân; chia rẽ Việt Nam với các nước trên thế giới nhằm chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Hành vi này của Nguyễn Công Chính đã trực tiếp gây chia rẽ các tầng lớp nhân dân với các tổ chức xã hội. Trước những chứng cứ cụ thể, rõ ràng, Nguyễn Công Chính không thể chối cãi và phải chấp nhận án tù.

Một thế giới văn minh không thể chấp nhận việc lợi dụng tôn giáo để phương hại đến tiến trình phát triển của xã hội. Nhiều nước, trong đó có Mỹ, đã đặt các phần tử xấu núp danh thánh thần, tôn giáo cực đoan ra ngoài vòng luật pháp và thậm chí còn coi là khủng bố. Tại Việt Nam, luật pháp nghiêm cấm việc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh; chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ các tôn giáo; gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự và tài sản của người khác. 

Xuyên tạc sự thật, ông Giôn Xíp-tơn (John Sifton), Giám đốc vận động cho khu vực châu Á thuộc tổ chức Human Rights Watch lại nói rằng: “Bản án của mục sư Chính là một ví dụ nữa cho thấy chính quyền Việt Nam quan tâm đến quyền tự do tôn giáo cỡ nào: Không một tí nào cả”.

Ý kiến của ông Giôn Xíp-tơn là hùa theo đánh giá trước đó không lâu của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Mỹ rằng: “Việt Nam là một trong những quốc gia vi phạm quyền tự do tôn giáo tệ hại nhất trên thế giới”. Tuy nhiên, đối với bất cứ ai có lương tâm và nhìn nhận về tôn giáo với tinh thần hiểu biết, thì đều thấy rõ đây là những nhận xét sai lệch, bôi đen bức tranh tôn giáo nhiều sắc màu tươi đẹp ở Việt Nam.

Đường lối, chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo xuất phát từ mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ bản chất của chế độ. Ngay từ những ngày đầu mới ra đời, Nhà nước cách mạng Việt Nam đã đề ra những chính sách đúng đắn tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 vấn đề cấp bách cần giải quyết, trong đó có việc thực hiện “tín ngưỡng tự do, Lương Giáo đoàn kết”. Đây là quan điểm cơ bản mà sau đó đã được củng cố, phát triển xuyên suốt qua các bản hiến pháp của Việt Nam sau này. Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam khẳng định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động tôn giáo, năm 2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI cũng đã thông qua Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo. 

Không chỉ trên giấy tờ, Nhà nước Việt Nam liên tục phấn đấu nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân. Cả nước hiện có khoảng 20 triệu người theo 12 tôn giáo khác nhau và 80% người dân có đời sống tín ngưỡng. Hàng chục nghìn cơ sở thờ tự các tôn giáo được nâng cấp, xây dựng mới trong những năm qua. Các cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo với đủ các cấp học như Học viện Phật giáo, Chủng viện Thiên chúa giáo, Viện Thánh kinh Thần của đạo Tin lành đã và đang hoạt động với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Nhiều chức sắc tôn giáo và nhà tu hành Việt Nam được cử đi đào tạo tại các nước như Mỹ, Pháp, I-ta-li-a, Ấn Độ... Hiện nay, tỷ lệ tăng giáo dân tương tự như tỷ lệ tăng dân số. Nhiều sự kiện tôn giáo quan trọng như Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak) đã được tổ chức thành công tại Việt Nam trong những năm qua.

Đời sống tôn giáo sinh động và cởi mở ở Việt Nam đã được thế giới ca ngợi và đánh giá cao. Trong chuyến thăm Va-ti-căng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2007, Giáo hoàng Bê-nê-đích XVI đã đánh giá Việt Nam là hình mẫu về tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở châu Á. Năm 2010, tại Diễn đàn tín ngưỡng toàn cầu, mục sư Bốp Rô-bớt (Bob Roberts), người đứng đầu Nhà thờ Tin lành Northwood ở bang Tếch-dát (Mỹ) đã coi Việt Nam như một biểu tượng về tôn trọng tôn giáo. Mới đây nhất trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam tháng 2-2012, Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Va-ti-căng Ết-tô-re Ba-lét-xtrê-rô đã ghi nhận việc Nhà nước Việt Nam tiếp tục nỗ lực thực hiện nhất quán và không ngừng hoàn thiện chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của người dân.

Đồng bào theo tôn giáo chân chính luôn là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, các giáo dân đang góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, chung tay xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thực tế hiển nhiên này không thể tranh cãi, song cũng cần thiết vạch trần các luận điệu bóp méo sự thật bởi ẩn chứa trong chúng là những động cơ xấu./.

(Quốc Bảo/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất