Chủ Nhật, 28/4/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 3/8/2022 9:44'(GMT+7)

Tăng biên chế giáo viên: Tin vui trước thềm năm học mới

Việc tuyển dụng biên chế giáo viên thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật (Ảnh:Chinhphu.vn)

Việc tuyển dụng biên chế giáo viên thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật (Ảnh:Chinhphu.vn)

BỔ SUNG 65.980 BIÊN CHẾ GIÁO VIÊN CHO CÁC ĐỊA PHƯƠNG GIAI ĐOẠN 2022-2026

Tin vui trước thềm năm học mới được dư luận quan tâm, phấn khởi những ngày qua là Bộ Chính trị vừa ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 về biên chế các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026. Theo đó, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Quyết định bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên của Bộ Chính trị được ban hành trên cơ sở thực trạng thiếu giáo viên biên chế ở các địa phương – “điểm nghẽn” của ngành giáo dục nhiều năm nay. Phát triển đội ngũ nhà giáo luôn được xem là khâu trọng tâm, giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên, có trò mà thiếu thầy tạo ra nhiều cản trở trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo, việc quy hoạch, rà soát, sắp xếp hệ thống các cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông còn nhiều lúng túng; việc thực hiện chế độ chính sách với nhà giáo, liên quan đến thi đua khen thưởng và bồi dưỡng chất lượng còn chưa thỏa đáng… Đặc biệt, tình trạng thừa thiếu giáo viên không đồng bộ trong bối cảnh tinh giản biên chế khiến nhiều năm qua các địa phương gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2021-2022, cả nước thiếu trên 94.000 giáo viên các cấp, trong đó riêng bậc mầm non thiếu trên 48.700 giáo viên, tiểu học thiếu trên 20.000 giáo viên, thiếu hơn 14.000 giáo viên trung học cơ sở và hơn 11.000 giáo viên trung học phổ thông… Trong khi đó, số giáo viên thừa ở các cấp, thừa cục bộ ở một số địa phương là 10.178 người. Trong đó, thừa hơn 5.000 giáo viên tiểu học, hơn 4.000 giáo viên trung học cơ sở và hơn 300 giáo viên trung học phổ thông.

Thời gian qua, các địa phương đã tìm nhiều cách khắc phục nhưng vẫn chưa giải quyết được rốt ráo vấn đề. Nhiều địa phương đã áp dụng các biện pháp như hợp đồng với giáo viên thỉnh giảng theo tiết, tăng tiết, tăng sỹ số học sinh trong lớp học, tích hợp một giáo viên dạy nhiều trường, nhiều môn, di chuyển điểm trường về các điểm chính… Những giải pháp tình thế này cũng tạo ra hai mặt của vấn đề, giải quyết tạm thời nhưng không triệt để, kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp về tư tưởng, tâm lý và cản trở việc nâng cao chất lượng giáo dục như hiện tượng tuyển giáo viên hợp đồng không chặt chẽ, dẫn đến tuyển dụng sai quy định, dừng hợp đồng hàng loạt, gây bức xúc xã hội…

Trong bối cảnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, vấn đề “nóng” diễn ra ở hầu hết các địa phương là nhiều môn học mới chưa có giáo viên, tình trạng thừa, thiếu cục bộ diễn ra ở các môn học, cấp học. Có nơi thừa giáo viên Ngữ Văn, Toán nhưng lại thiếu các giáo viên dạy các môn đặc thù như Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật. Theo dự kiến, đến năm 2025, khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai ở tất cả các khối lớp phải bổ sung hơn 24.000 giáo viên cho 3 môn học mới gồm Ngoại ngữ, Tin học và công nghệ cấp tiểu học; môn Nghệ thuật cấp THPT. Theo lộ trình áp dụng Chương trình phổ thông 2018, tình trạng thiếu giáo viên ở những môn học mới sẽ dàn trải theo từng giai đoạn nếu không có kế hoạch bổ sung phù hợp.

Chính vì vậy, Quyết định 72 của Bộ Chính trị đã nhận được sự hưởng ứng, đồng tình và phấn khởi của ngành giáo dục và dư luận bởi sự phù hợp, đúng đắn để giải quyết tình trạng có học sinh nhưng không có thầy cô đứng lớp tồn tại lâu nay. Việc bổ sung biên chế giáo viên được kỳ vọng sẽ bù đắp sự thiếu hụt theo từng năm. Với gần 66.000 giáo viên được bổ sung giai đoạn 2022-2026 và trước mắt là năm học 2022-2023 là hơn 27.800 giáo viên mầm non, phổ thông, cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực cho ngành Giáo dục, trong đó có việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

CẦN ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

Câu hỏi dư luận quan tâm là, với số lượng bổ sung này, ngành Giáo dục và các địa phương triển khai như thế nào để tiếp nhận, điều phối, bảo đảm cân đối, hài hòa nguồn lực giáo viên. 

Thực hiện quyết định 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị, ngày 2/8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông công lập bổ sung cho các tỉnh, thành phố năm học 2022-2023.

Bộ Giáo dục và đào tạo đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai, bổ sung số lượng biên chế giáo viên theo từng cấp học. Trong đó ưu tiên tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và ưu tiên tuyển giáo viên mầm non cho các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Bộ yêu cầu tập trung các giải pháp để bảo đảm nguồn tuyển dụng biên chế giáo viên như: Thông tin rộng rãi về biên chế tuyển dụng, làm việc với các cơ sở đào tạo để có nguồn tuyển dụng, trao đổi với các địa phương khác để phối hợp tuyển dụng theo các môn học đáp ứng yêu cầu... Về lâu dài, các địa phương cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành Giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026.

Các địa phương tiếp tục chỉ đạo rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu của địa phương theo từng cấp học, môn học đến năm 2026 báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ để bổ sung biên chế giáo viên trong tổng số biên chế giáo viên bổ sung đến năm 2026 theo Quyết định số 72-QĐ/TW nhằm bảo đảm lộ trình và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026, Quyết định số 71-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị quy định về quản lý biên chế của hệ thống chính trị.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Theo đó, chỉ đạo sắp xếp, dồn dịch các điểm trường một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, đảm bảo tính hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường; xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tham gia xã hội hóa giáo dục để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và đồng bộ các giải pháp khác.

Cao Nguyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất