Theo chương trình khống chế và loại trừ bệnh dại trên người - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, tính đến nay cả nước ghi nhận 46 người bị chết vì bệnh dại tại 24 tỉnh thành phố, thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm 2018 (50 ca).
Thời gian qua, công tác phòng chống bệnh dại tại Việt Nam đã được quan tâm đẩy mạnh và đạt một số kết quả nhất định trong những năm gần đây, cụ thể số ca tử vong do dại giảm liên tiếp trong các năm 2015, 2016, 2017.
Tuy nhiên năm 2018 tình hình bệnh dại đột ngột có diễn biến phức tạp với số người tử vong do dại là 103 tăng hơn so với năm 2017 là 29 (39%). Đặc biệt, dịch bệnh xuất hiện và tăng mạnh ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại.
Bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất và hầu hết các trường hợp tử vong là do không tiêm vắc xin phòng dại sau khi bị động vật cắn.
Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và khi đã mắc bệnh thì tỷ lệ tử vong gần như 100%. Các trường hợp tử vong do dại thường do thiếu hiểu biết về phòng chống bệnh dại, không đi tiêm phòng vắc xin và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông và không tiêm phòng vắc xin.
Tại Hội nghị, đại diện 2 Bộ và các cơ quan liên quan đã thảo luận các nội dung: Vai trò của các bên liên quan trong công tác phòng chống dại từ Trung ương đến địa phương; Kinh nghiệm về phòng chống bệnh dại tại địa phương; Các khó khăn, thách thức trong công tác phòng chống bệnh dại hiện nay; Các hoạt động ưu tiên cần triển khai trong thời gian tới.
Tham dự Hội nghị là đại diện các cơ quan liên quan của hai Bộ, đại diện Ủy ban nhân dân các tỉnh, ngành Y tế, ngành Nông nghiệp và ngành giáo dục vào đào tạo của 18 tỉnh thành phố có số ca tử vong do dại cao trên người 2018-2019 gồm: Hòa Bình, Lào Cai, Thanh Hóa, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Hải Phòng, Hải Dương và Hà Nội. Ngoài ra, còn có sự tham dự của các tổ chức quốc tế tài trợ chính cho công tác phòng, chống dại của Việt Nam như: WHO, FAO, UNDP, USAID, CDC, OHP, VOHUN, HIS.
Để phòng, chống bệnh dại cần nỗ lực và đầu tư nhiều hơn nữa nhằm cải thiện nhận thức cho cộng đồng, thực hiện các biện pháp phòng chống nhằm giảm thiểu nguy cơ bệnh dại ở người; tăng số điểm tiêm vắc xin và tăng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ chăm sóc y tế, nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin dại cho đàn chó.
Trong năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021, tiếp theo Chương trình phòng chống và loại trừ bệnh dại quốc gia giai đoạn 2011-2015.
Cũng vào năm 2017, Chính Phủ đã ra Chỉ thị số 31 ngày 6/7/2017 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại. Cả hai đều phản ánh cam kết mạnh mẽ của quốc gia trong công tác phòng chống, kiểm soát và tiến tới loại trừ bệnh dại.
Minh Giang