Thời gian qua, bên cạnh sự phát triển tích cực của nền kinh tế, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra trong hoạt động thương mại truyền thống, thương mại điện tử, trên thị trường vẫn còn phổ biến.
Các mặt hàng đa dạng, phong phú chủng loại không khó khăn để tìm mua, trong đó có sự trà trộn các mặt hàng bị làm giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng trong nước và nước ngoài như: Mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các mặt hàng gia dụng, hàng hóa chuyên ngành (như: phụ kiện ô tô, xe máy, linh kiện điện tử…); đặc biệt, một số mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ như; thuốc lá, pháo nổ, đường cát, phân bón, bia rượu, nước uống….
Hàng hóa được đưa vào tiêu thụ trong nội địa bằng nhiều hình thức, thông qua các tuyến đường, phương thức thủ đoạn tinh vi, hiện đại, liều lĩnh. Cùng với đó, việc dán nhãn hàng hóa không đúng quy định vẫn còn diễn ra phổ biến; một số nhãn hàng của doanh nghiệp trong nước cũng bị làm giả ngay trong nội địa hoặc làm giả từ nước ngoài, sau đó đưa vào thị trường nội địa để tiêu thụ.
Chỉ tính riêng trong quý III năm 2023, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 40.000 vụ việc vi phạm, trong xử lý: 833 vụ việc mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, 37.776 vụ việc gia lận thương mại, gian lận về thuế, 1.433 vụ việc vi phạm hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Thu nộp ngân sách 3.053 tỷ đồng. Khởi tố hình sự 175 vụ/197 đối tượng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 106.091 vụ, trong đó xử lý: 3.052 vụ việc mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, 98.833 vụ việc gian lận thương mại, gian lận về thuế, 4.206 vụ việc vi phạm hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Thu nộp ngân sách nhà nước 10.062,9 tỷ đồng. Khởi tố hình sự 1.341 vụ/1.807 đối tượng.
Hoạt động thương mại bất hợp pháp, trái với quy định pháp luật Việt Nam làm ảnh hưởng không ít tới sự phát triển của nền kinh tế, môi trường làm ăn chân chính của các doanh nghiệp trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng tới sức khoẻ, kinh tế của người tiêu dùng.
Để làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Công thương và các ban, ngành, địa phương cũng như Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các ngành, địa phương (Ban Chỉ đạo 389) yêu cầu người đứng đầu các lực lượng, đơn vị giáo dục cán bộ, công chức, sỹ quan nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không tham gia tiếp tay, bảo kê cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời triển khai có chất lương, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:
Một là, phối hợp tốt hơn trong công tác trao đổi thông tin, tiếp cận dần với các loại vi phạm mà chưa đủ sức kiểm soát tình hình như thương mại điện tử; tăng cường công tác thông tin, truyền thông về đấu tranh chống buôn lậu, khích lệ người dân trở thành người tiêu dùng thông minh, không mua hàng rẻ, biết chọn lựa hàng hóa tốt có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm.
Hai là, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp diễn biến tình hình địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ. Áp dụng, mở rộng phạm vi ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ba là, lực lượng cửa khẩu, hải quan sân bay cần tập trung phân tích đánh giá tình hình, thu thập thông tin, chủ động trong nắm bắt các đối tượng, chuyến bay, chặng bay, phương thức thủ đoạn hoạt động, xây dựng các phương án, kế hoạch điều tra, xác minh, đấu tranh, ngăn chặn các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Bốn là, tăng cường phối hợp trao đổi, chia sẻ thông tin về các thủ đoạn, mặt hàng mới nổi để nâng cao kỹ năng phát hiện và đấu tranh phòng ngừa đối với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Kịp thời phát hiện những bất cập, chồng chéo để kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; đặc biệt đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng tăng hình phạt nhằm nâng cao tính răn đe.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân và trách nhiệm của các chủ sở hữu website thương mại điện tử đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử; tuyên truyền việc ứng dụng triệt để hóa đơn điện tử có kết nối với cơ quan thuế để có thể tiến hành thẩm tra, xác minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa.
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình kiểm tra hàng hóa vi phạm.
Để tăng cường hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, các Hiệp hội doanh nghiệp - ngành hàng Việt Nam cũng đề xuất và kiến nghị một số giải pháp như đối với lực lượng tuyến biên giới (Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an) cần nâng cao hơn nữa vai trò, tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu; Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các địa phương bên cạnh các đợt cao điểm kiểm tra cũng đưa việc kiểm tra các mặt hàng tại điểm bán vào công việc thường xuyên, đột xuất và đồng loạt ở nhiều địa phương kết hợp thông tin về chế tài xử lý nếu buôn bán hàng lậu nhằm tác động và hình thành dần tâm lý tuân thủ...
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo 389 và các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành, đặc biệt tổ chức nhiều hơn nữa các đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm giữa các đơn vị, tạo sự răn đe đối các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh có ý thức chưa cao.
Phát huy vai trò của đơn vị được giao làm đầu mối trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh thành; đặc biệt quan tâm tăng cường tuyên truyền thông tin liên quan đến thuốc giả, thuốc kém chất lượng không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Chủ động nắm tình hình, nhận diện hiện tượng, vấn đề nổi cộm, phức tạp, dự báo diễn biến tình hình về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đồng thời, cung cấp thông tin về tình hình, kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vụ việc vi phạm nghiêm trọng đối với lĩnh vực ngành hàng cụ thể.
Chú trọng công tác đào tạo tập huấn; thông tin tuyên truyền; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trực tiếp thực thi trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, biên giới đất liền, đường biển, đường hàng không và trong nội địa. Thực hiện công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, báo đài Trung ương, tạp chí, trang điện tử ngành quản lý về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là các vụ việc vi phạm có tính chất nổi cộm, phức tạp.../.
THÚY LAN - HUYỀN MY