Việt Nam và Cộng hòa Nam Phi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22/12/1993. Việt Nam mở Đại sứ quán tại Nam Phi năm 2000. Nam Phi mở Đại sứ quán tại Việt Nam năm 2002. Năm 2004, Việt Nam và Nam Phi thiết lập quan hệ “Đối tác vì hợp tác và phát triển”, tạo cơ sở đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực: thương mại, nông nghiệp, môi trường, văn hóa, du lịch.
Công tác tuyên giáo cần có sự quan tâm thỏa đáng hơn nhằm cung cấp thông tin, làm cơ sở cho việc đẩy mạnh và mở rộng các nội dung quan hệ hợp tác với Nam Phi. Đồng thời, cần có tầm nhìn xa hơn với những mục tiêu chiến lược lâu dài, bền vững, với những lĩnh vực, nội dung có tiềm năng phát triển của mối quan hệ hợp tác, thúc đẩy hợp tác ngày càng đa dạng, toàn diện, thiết thực và hiệu quả hơn.
|
Những năm gần đây, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Nam Phi không ngừng tăng lên qua các năm. Nam Phi vươn lên trở thành quốc gia phát triển nhất ở châu Phi, là cửa ngõ giao lưu quốc tế của các nước miền Nam châu Phi nói riêng và các quốc gia châu Phi nói chung. Việc tăng cường hợp tác về mọi mặt với Nam Phi cũng là cơ hội thuận lợi để Việt Nam có thể mở rộng hợp tác với các nước trong châu lục này trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các nước ở khu vực miền Nam châu Phi.
Trong giai đoạn đầu thiết lập quan hệ ngoại giao, mặc dù giữa hai quốc gia có rất nhiều thuận lợi, tiềm năng cho mối quan hệ hợp tác như có quan hệ truyền thống tốt đẹp, giàu tài nguyên thiên nhiên, có những mặt hàng xuất khẩu có ưu thế tuyệt đối thuận cho hoạt động thương mại hai chiều, là thị trường tiềm năng lớn về sức mua, tiêu thụ hàng hóa của nhau, đồng thời còn là cửa ngõ để xâm nhập vào thị trường khu vực, cả hai cùng có điều kiện cải cách, mở cửa, đổi mới tương đối giống nhau, nhưng những thông tin đó không đến được với người dân và doanh nghiệp Việt Nam, cũng như Nam Phi.
Những năm sau đó, cùng với quá trình đổi mới hoạt động đối ngoại của Việt Nam theo xu hướng rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, việc cung cấp thông tin, tuyên truyền về đường lối, chính sách của Việt Nam, những thành tựu về mọi mặt trong công cuộc đổi mới, phát triển ở Việt Nam cũng được chú trọng hơn. Hoạt động thông tin đối ngoại chú trọng hơn đến việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với bạn bè quốc tế, các kênh thông tin ngày càng phong phú, đa dạng, nhiều chiều. Bên cạnh đó, những thông tin về các quốc gia trên thế giới, kể cả những khu vực xa về khoảng cách địa lý cũng được chúng ta tìm hiểu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn. Để phát huy những thuận lợi, thế mạnh và khắc phục những hạn chế, vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy các tiềm năng lợi thế sẵn có để nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại giữa Việt Nam và các nước, các khu vực trên thế giới nói chung, các nước tầm trung, trong những năm tiếp theo, công tác tuyên giáo nói chung, công tác thông tin đối ngoại nói riêng cần phải góp phần cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, đúng đối tượng để các doanh nghiệp, người dân, các chuyên gia hoạch định chính sách có nhận thức đầy đủ hơn về vai trò và tầm quan trọng của Nam Phi đối với thế giới, khu vực và đối với Việt Nam.
Một số biện pháp cụ thể là:
Thứ nhất, tăng cường thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách cải cách, đổi mới của hai nước,tạo niềm tin cho nhau thông qua các hoạt động ngoại giao với các hình thức đa dạng hơn.
Chú trọng cung cấp thông tin về đất nước, con người, văn hóa, thị trường, đặc biệt là đường lối, chính sách và môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý, thông tin về doanh nghiệp.
Về hình thức, cần kết hợp ngoại giao cấp nhà nước với ngoại giao đa phương, ngoại giao nhân dân, ngoại giao văn hóa,... thông qua các tổ chức hữu nghị, văn phòng thúc đẩy thương mại,… Kết hợp giao lưu văn hóa, thể thao với hợp tác du lịch, coi đây là một lĩnh vực quan trọng cần khai thác, tăng cường các hoạt động cụ thể, thiết thực như trao đổi ấn phẩm, phim ảnh, trao đổi các đoàn nghệ thuật, thể thao, du lịch,… nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Nam Phi. Tăng cường đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngoại giao, thương vụ, văn hóa, báo chí.
Thứ hai, tăng cường hoạt động của các hội hữu nghị, thông qua đó để cung cấp thông tin của Việt Nam cho đối tác, thúc đẩy sự hiểu biết, chia sẻ thông tin lẫn nhau. Thực tế, trong quan hệ Nam Phi - Việt Nam, thông qua Hội hữu nghị Việt Nam - châu Phi được thành lập ngày 17/11/2004, mà các hoạt động hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước châu Phi được tăng cường. Các hoạt động đoàn kết, hữu nghị đã góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác về chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa giữa Việt Nam và các nước châu Phi, trở thành một kênh mới để cung cấp thông tin giúp cho các tổ chức, các tầng lớp nhân dân của Việt Nam và các nước châu Phi hiểu biết về nhau. Đây là một hướng đầy triển vọng trong việc gia tăng và củng cố quan hệ ngoại giao, chính trị, kinh tế, văn hóa, giữa Việt Nam - châu Phi về lâu dài.
Thứ ba, công tác thông tin tuyên truyền, cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và người dân luôn phải đi trước một bước với vai trò dẫn đường, định hướng.
Thứ tư, công tác thông tin tuyên truyền cần được thực hiện ở cấp chính phủ nhằm trao đổi kinh nghiệm và thông tin về các vấn đề cải cách kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài,… tăng cường các đề xuất, sáng kiến cấp chính phủ trong phạm vi và mức độ phù hợp với khả năng của mỗi bên. Bởi đây là kênh thông tin chính thống, có độ tin cậy cao. Đồng thời, tăng cường hợp tác giữa các địa phương và hợp tác giữa các doanh nghiệp trên cơ sở có sự giúp đỡ, tạo điều kiện và hỗ trợ của nhà nước. Cần tạo điều kiện hoạt động tốt nhất và phát huy vai trò của các cơ quan, tổ chức như: Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Đối ngoại Trung ương; Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, Lãnh sự danh dự Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam, Tiểu ban thương mại hỗn hợp Việt Nam - Nam Phi,... trong việc cung cấp thông tin về tình hình và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của Nam Phi, tăng cường các bài viết nghiên cứu, bài viết cung cấp thông tin trên các báo, tạp chí, bản tin, các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thay đổi cách thức phổ biến thông tin./.
ThS. Bùi Thị Ánh Hồng
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật