Thứ Tư, 30/10/2024
Xã hội
Thứ Hai, 10/8/2020 8:1'(GMT+7)

Xử lý sai phạm về tin giả và nâng cao hiệu quả quản lý mạng xã hội

(Hình minh họa)

(Hình minh họa)

NHIỀU VỤ VIỆC, NHIỀU SAI PHẠM

Ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam được phát hiện vào ngày 23/2/2020 thì ngay sau đó những thông tin thất thiệt, thêu dệt về bệnh nhân 17 và bệnh nhân 21 xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội (MXH), gây rối loạn dư luận. Trong đó, tin giả tập trung vào việc bôi xấu hình ảnh, đạo đức cá nhân có liên quan; đồng thời dựng chuyện nhằm kích động, hòng làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra, xử lý vi phạm. Cụ thể ngày 7/3, Công an tỉnh Lào Cai đã phạt hành chính 40 triệu đồng đối với 4 cô gái về hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức và danh phẩm của cá nhân. Nhóm người này đã dùng tài khoản Facebook đăng các thông tin bịa đặt có nội dung: “Sa Pa cho 9 người khách nước ngoài đi cùng chuyến bay với Nhung…” và “Hành khách cùng khoang bệnh nhân Nhung đang ở tổ 8, Mường Hoa, phường Bắc Cường, mọi người chú ý nâng cao cảnh giác”.

Công an thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đã xác minh làm rõ và phạt Cao Xuân Hạnh trú tại xã Thủy An số tiền 7,5 triệu đồng vì sử dụng tài khoản facebook cá nhân đăng tải thông tin xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó có nội dung xúc phạm công an xã và Đoàn thanh niên xã.

Ngày 14/4, Công an huyên Yên Mô (Ninh Bình) đã ra Quyết định xử phạt hành chính 10 triệu đồng đối với Phạm Bá Đông trú tại xã Yên Đồng về hành vi đăng lên facebook với nội dung và hình ảnh “Toang hẳn luôn ae hết sức cẩn thận” với mục đích câu like.

Cùng thời gian, Công an thành phố Hà Nội đã lập biên bản xử lý 23 trường hợp đưa tin sai, tin giả về COVID-19 trên MXH.

Việc đưa tin giả mạo trong thời điểm dịch COVID-19 không chỉ có những cá nhân thiếu hiểu biết pháp luật mà còn có cả những người hành nghề luật sư. Ngày 10/4, Cục Phát thanh Truyền hình - Thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông) đã ra quyết định xử phạt 8 triệu đồng với luật sư Lê Văn Thiệp vì hành vi vi phạm do đăng trên Facebook cá nhân nội dung không đúng về nữ phóng viên mắc COVID-19.

Theo báo cáo tổng hợp của Cục Phát thanh Truyền hình - Thông tin điện tử, có 15 Sở Thông tin - Truyền thông đã ra quyết định xử phạt  21 vụ, nhắc nhở 26 vụ với số tiền phạt là 203 triệu đồng đối với các đối tượng tung tin giả mạo trong thời gian chống dịch. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh có 5 vụ, các tỉnh Quảng Ninh, Bình Dương, Nam Định, Hoà Bình đều có 2 vụ…

Phân tích làm rõ các thông tin giả mạo, sai sự thật trên MXH, có thể nhận thấy hai xu hướng. Một là, có hiểu biết, có tri thức nhưng cố tình thổi phồng, đưa tin sai sự thật, sai lệch, thiếu kiểm chứng, vô căn cứ nhằm gây bất ổn tình hình trật tự xã hội, kích động… Hai là, do thiếu hiểu biết, non kém về trình độ, nghiệp vụ nên vô tình chia sẻ, phán tán thông tin sai với mục đích câu like, câu bình luận… tiếp tay cho việc lan tràn tin giả khắp nơi, gây ảnh hưởng xấu đến mọi người.

Thực tế cho thấy, việc đăng tin không đúng sự thật là tình trạng phổ biến hiện nay, điều này được thực hiện thông qua các trang MXH như Facebook, zalo và các kênh thông tin đại chúng. Mọi người có quyền tự do ngôn luận, nhưng phải có trách nhiệm đưa những thông tin chính xác, phải chịu trách nhiệm với những phát ngôn của chính mình. Nếu cá nhân dùng quyền tự do ngôn luận của mình để đăng những thông tin sai lệch, không đúng sự thật và gây thiệt hại cho người khác cả về vật chất hay tinh thần thì lỗi được xác định là lỗi cố ý. Do vậy, người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự.

Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng MXH để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc. Các hành vi lợi dụng MXH để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn cũng bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ VỀ MẠNG XÃ HỘI

Theo báo cáo của Bộ Thông tin - Truyền thông đến đầu năm 2020 đã có tổng cộng 614 MXH được cấp phép tại Việt Nam. Tuy nhiên các MXH có từ 1 triệu người sử dụng trở lên chiếm dưới 10%. Trong khi đó, số lượng người Việt Nam sử dụng Facebook là khoảng gần 64 triệu và Youtube là gần 35 triệu người.

Mặc dù số lượng MXH trong nước được cấp phép khá lớn, nhưng chưa phát huy hiệu quả: lượng người sử dụng thấp, tính năng tương tác thấp; mức độ tác động, ảnh hưởng đến dư luận xã hội hạn chế; phạm vi cung cấp nội dung hẹp, theo từng lĩnh vực chuyên môn cụ thể nên khó thu hút được người sử dụng. Trong khi đó, các MXH nước ngoài cung cấp xuyên biên giới được sử dụng nhiều với các tính năng được cập nhật liên tục, phù hợp với nhu cầu người sử dụng, có những tác động lớn đến xã hội.

Chính vì chưa xây dựng được “hệ sinh thái số” đủ mạnh, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân, còn phụ thuộc vào các MXH nước ngoài nên dẫn tới những bất cập trong công tác quản lý đấu tranh với những vi phạm của người sử dụng MXH nhằm bảo đảm môi trường lành mạnh và hạn chế những tác động tiêu cực.

Mặc dù đã chủ trương về xây dựng một số MXH trong nước đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm, trao đổi thông tin của người dân nhưng đến nay việc triển khai chậm, chưa đạt hiệu quả, chưa theo kịp với xu thế phát triển của MXH. Các doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn về vốn, hạn chế về công nghệ, trình độ quản lý nên các sản phẩm dịch vụ Internet, nhất là các dịch vụ MXH cung cấp ra thị trường còn yếu, không đủ sức hấp dẫn. Việc phải chấp hành nghiêm các quy định về quản lý nội dung thông tin, tên miền, nghĩa vụ tài chính số với các doanh nghiệp cung cấp xuyên biên giới cũng làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, thu hút ít người tham gia, nội dung trao đổi ít, không phong phú. Do đó, hầu hết người sử dụng trong nước đều chuyển sang hoặc sử dụng thêm Facebook và Youtube để thỏa mãn nhu cầu chia sẻ, bình luận, trao đổi.

Nhằm chung tay cùng cơ quan chức năng ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, việc quan trọng hiện nay đó là người sử dụng MXH cần hết sức bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, theo dõi sát thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh; không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực, tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh; kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật. Đồng thời, các cơ quan thực thi pháp luật cũng cần tăng cường rà soát, xử lý nghiêm túc, cương quyết đối với những cá nhân cố tình phát tán thông tin sai sự thật trên MXH, gây hoang mang lo sợ cho người dân.

Ảnh hưởng của những thông tin thất thiệt để lại hậu quả không nhỏ nhưng nhiều người vẫn thực hiện gây bức xúc trong cộng đồng và hiểu lầm đối với các cá nhân, chính quyền và cơ quan tổ chức… Tất cả những việc “tung tin ảo” này đều có hình thức chế tài, nhẹ thì xử phạt hành chính, nặng thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên từ thực tế đó cho thấy, cần phải thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Một là, tích cực tuyên truyền các thông tin chính thống trên báo chí để định hướng dư luận, cung cấp thông tin cho người dân. Hai là, tăng cường xử phạt, có biện pháp răn đe đối với việc phát tán thông tin giả mạo, sai sự thật. Ba là, cần hoàn thiện khung pháp lý với việc quản lý MXH hiện nay.

Đối với việc hoàn thiện khung pháp lý trong quản lý MXH hiện nay, có các nhóm giải pháp như: Hoàn thiện chính sách quản lý MXH như xây dựng Luật về MXH, các nghị định, thông tư hướng dẫn; hoàn thiện hệ thống chính sách thúc đẩy phát triển hạ tầng mạng, hạ tầng công nghệ để các doanh nghiệp trong nước đầu tư, nghiên cứu và phát triển, cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, cần đẩy mạnh thực hiện một số biện pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, cần khẩn trương triển khai thực hiện xây dựng một số cơ chế chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, sản xuất nội dung số trong nước phát triển; xây dựng một số trang MXH đủ mạnh để đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng, nâng cao khả năng cạnh tranh, giảm sự phụ thuộc của người sử dụng Việt Nam vào các trang MXH nước ngoài. Tập trung vào 4 mảng dịch vụ: Mạng xã hội tổng hợp (như Facebook); mạng xã hội giải trí chuyên về video tương tự (như Youtube); Công cụ tìm kiếm trực tuyến tương tự (như Google Search); Nền tảng thương mại điện tử (như Amazon)…

Thứ hai, yêu cầu Facebook, Google thực hiện nghiêm các quy định pháp luật Việt Nam; cam kết không lưu trữ, truyền phát những nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam; hợp tác chặt chẽ trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc…

Thứ ba, các bộ, ban, ngành cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ trong việc quản lý Internet, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ thông tin trực tuyến vào Việt Nam, bảo đảm thực hiện đúng pháp luật Việt Nam; tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam phát huy năng lực, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.

Thứ tư, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh việc xây dựng, triển khai và hoàn thiện cơ sở dữ liệu, sử dụng chứng minh thư nhân dân điện tử để quản lý thông tin và người sử dụng trên Internet.

Thứ năm, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm khắc các sai phạm trong việc thông tin trên MXH./.

Trọng Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất