Thứ Bảy, 5/10/2024
Đời sống
Thứ Hai, 7/3/2011 21:49'(GMT+7)

Giúp chị em thoát nghèo là “ưng” cái bụng

 Xã Đắk Liêng có 8 thôn, 12 buôn, chủ yếu là đồng bào dân tộc M’nông. Trước đây, đời sống đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm gần 35%, chị em là người chủ gia đình nhưng lại không biết vạch ra kế hoạch sản xuất để cải thiện đời sống, khi cần đến vốn chỉ biết vay tư thương với lãi suất cao nên đã nghèo lại càng khốn khó hơn. Sau khi được bầu làm Chủ tịch Hội phụ nữ xã năm 2004, chị H’Bin đã bàn với cấp ủy, chính quyền địa phương ngoài việc tuyên truyền, vận động , hướng dẫn chị em có kế hoạch đầu tư sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chi tiêu trong gia đình hợp lý, Hội phụ nữ đứng ra tín chấp với Ngân hàng chính sách - xã hội trên địa bàn huyện để tạo nguồn vốn phát triển sản xuất. Đặc biệt, chị H’Bin đã chủ động liên hệ trực tiếp với các ngành chức năng ở huyện, ở tỉnh để mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng các loại cây, con thích hợp với từng vùng đất, khí hậu trên địa bàn, sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Gia đình chị H’Min Nơm, ở buôn Ranh B, tuy có 3 sào cà phê, 8 sào lúa, nhưng vì không có vốn đầu tư, nên hàng năm sản lượng thu được chẳng đáng là bao, gia đình vẫn nằm trong danh sách hộ nghèo. Chị H’Bin đã vận động hai vợ chồng tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh cây trồng, cho đi tham quan các mô hình sản xuất kinh doanh cà phê, lúa nước giỏi, đồng thời, Hội Phụ nữ đứng ra tín chấp cho vay 15 triệu đồng để về cải tạo lại vườn cà phê, phát triển chăn nuôi, mua phân bón đầu tư thâm canh cây trồng. Có vốn lại được hướng dẫn cung cách làm ăn, sau hai năm, từ chỗ sáu người trong gia đình ăn đong từng bữa nay không những thoát nghèo trả hết nợ vay ngân hàng mà còn vươn lên làm giàu, có của ăn của để, trở thành điểm cho nhiều chị em ở buôn xa, làng gần đến học tập, làm theo.

Gia đình chị H’Yêm Long Jing cũng là hộ nghèo của buôn Buôn Ranh B, trước đây luôn ngần ngại, sợ vay vốn ngân hàng, mỗi khi nhà có việc chỉ vay tư thương dăm ba triệu, với lãi suất cao mà làm cả năm mới trả hết. Trước hoàn cảnh đó, chị H’Bin đã đến nhà nhiều lần tâm sự, phân tích, bày cung cách làm ăn, lấy ngắn nuôi dài…tạo điều kiện cho chị H’Yêm Long Jing vay vốn ngân hàng để mua 3 con bò cái nuôi sinh sản, mua phân bón cho ruộng, hướng dẫn kỹ thuật sóc cà phê….Nhờ vậy, sau hai năm, đàn bò của gia đình tăng lên 7 con, ruộng thu hoạch có thóc ăn cả năm không hết, chăn nuôi thêm lợn, cà phê thu hoạch 2,5 tấn/ ha, cuối năm trừ các khoản chi phí, trả nợ ngân hàng còn lãi được trên 50 triệu đồng.

Hiện nay, tổng nguồn vốn do Hội quản lý và cho phụ nữ nghèo vay lên gần 8 tỷ đồng. Hàng trăm gia đình hội viên trong xã đã thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng, có nhiều gia đình thu nhập mỗi năm từ 70 đến 100 triệu đồng. Nhờ vậy, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn dưới 13,5% (tiêu chí cũ). Chỉ riêng buôn Ranh B có 105 hộ đồng bào M’nông trước đây nghèo đói, nay được chị H’Bin hướng dẫn, “tư vấn” cung cách làm ăn, có nguồn vốn đầu tư đúng lúc, đúng chỗ nên phần lớn đồng bào đã xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh vườn, ruộng rẫy của gia đình mình.

Chị H’Bin còn đề xuất các chi hội phụ nữ ở các thôn, buôn thành lập các tổ đổi công (mỗi tổ 20 người) giúp đỡ lẫn nhau trong lúc hoạn nạn, cũng như đẩy nhanh tiến độ sản xuất, thu hoạch mùa màng. Vận động các hộ gia đình, các chi hội phụ nữ người Kinh kết nghĩa với các hộ gia đình, chi hội phụ nữ người dân tộc, vận động các hộ gia đình có thu nhập khá hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình còn có khó khăn. Đến nay, trên 90% gia đình hội viên Hội Phụ nữ xã đạt 4 chuẩn mực: “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, không có hộ sinh con thứ ba.

Ngoài giờ làm việc ở cơ quan, chị H’Bin cùng chồng tranh thủ thời gian rỗi đầu tư chăm sóc vườn cà phê, ruộng rẫy lúa nước, ngô lai, chăn nuôi thêm lợn gà…, mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi cả trăm triệu đồng. Chị còn lo toan chu toàn miếng cơm, miếng cháo, nâng từng giấc ngủ, trọn chữ hiếu với mẹ già bị bệnh nan y, nuôi dạy hai con gái chăm ngoan, học giỏi. Chị H’Bin nói “Mình còn nhiều cái chưa làm tới nơi tới chốn, chỉ mới giúp cho bà con no cái bụng, thoát được cái nghèo là mình ưng cái bụng một phần thôi. Mình còn phải phấn đấu để giúp chị em trong buôn, trong xã biết cái chữ để sáng cái đầu lo làm giàu chính đáng, có nếp sống đẹp, sinh đẻ ít con, buôn làng văn minh hơn thì mình ưng cái bụng hơn nữa”./.

Quang Huy

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất