Thứ Bảy, 5/10/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 6/3/2011 12:52'(GMT+7)

TP. Hồ Chí Minh chung tay cùng công nhân vượt khó

Công nhân mua sắm tại phiên chợ bán hàng bình ổn giá.

Công nhân mua sắm tại phiên chợ bán hàng bình ổn giá.

Trong cuộc họp diễn ra mới đây, Thường trực Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TPHCM đã chỉ rõ cần phối hợp đồng bộ giữa tổ chức công đoàn (CĐ) và các ngành chức năng trong việc tìm ra các giải pháp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực, giúp công nhân (CN) ổn định việc làm, đời sống.

Về phần mình, CĐ TP sẽ thực hiện ngay các nhóm giải pháp hỗ trợ thiết thực nhất cho CN như chỉ đạo rà soát lại việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu, giám sát bữa ăn giữa ca, động viên CN làm việc với năng suất, chất lượng, hiệu quả, góp phần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp (DN)…

Song song đó, LĐLĐ TP sẽ kiến nghị Thành ủy, UBND TP chỉ đạo Thanh tra Lao động tăng cường kiểm tra các DN về nội dung điều chỉnh lương tối thiểu, trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Công nhân được mua điện đúng giá

Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM đã chỉ đạo các cấp CĐ tích cực phối hợp cùng các ngành chức năng đẩy mạnh thực hiện việc bán điện đúng giá cho CN ở nhà trọ.

Thời gian qua, các LĐLĐ quận, huyện đã phối hợp với các ngành chức năng vận động chủ nhà trọ triển khai chủ trương thực hiện bán điện đúng giá cho CN nhập cư. Đến nay, đã có 767.593 CN được hưởng quyền lợi.

LĐLĐ TP cũng cho biết đã được sự nhất trí cao của Tổng Công ty Điện lực TPHCM về việc sẽ kiểm tra, xử phạt nghiêm những chủ nhà trọ tăng giá bán điện cho CN không đúng quy định.

Trong đó, tại các quận Gò Vấp, Tân Phú, Tân Bình và Thủ Đức, ngành điện đã gắn 144 điện kế, bán điện trực tiếp cho 1.243 người và cấp định mức điện cho 766.350 CN dùng chung với chủ nhà trọ.

Một biện pháp khác giúp hỗ trợ CN là những phiên chợ bình ổn giá. Mới đây nhất, chiều 3/3, phiên chợ bán hàng bình ổn giá cho CN theo chỉ đạo của UBND TPHCM đã diễn ra tại KCX Linh Trung 2 (quận Thủ Đức).

Lãnh đạo hệ thống siêu thị Saigon Co.op cũng cho biết đã tăng cường đưa hàng bình ổn giá đến phục vụ CN các KCX-KCN của TPHCM.

Hỗ trợ nhà ở, xây trường mầm non

Theo BQL các khu công nghiệp - khu chế xuất TPHCM (HEPZA), hiện có 6 dự án nhà lưu trú cho CN đang xây dựng tại các khu này, trong năm 2011, sẽ có thêm 2.130 chỗ ở mới cho CN.

Ông Nguyễn Tấn Định, Phó trưởng Ban HEPZA cho biết  trước đây, có nhiều CN không thích sống trong khu lưu trú bởi nhiều quy định gò bó. Tuy nhiên, việc xây nhà lưu trú hiện đã có những điều chỉnh đáng kể, đáp ứng nhu cầu chính đáng của CN.

LĐLĐ TP cũng sẽ đề nghị miễn giảm hoặc chậm thực hiện việc tăng thuế nhà trọ để các chủ nhà trọ có điều kiện hỗ trợ CN, đồng thời vận động các chủ nhà trọ không tăng giá thuê phòng.

Khu lưu trú miễn phí dành cho CN của Công ty Nissei (Nhật Bản) đóng tại Khu chế xuất Linh Trung.

Hiện đã có 49 chủ nhà trọ tại phường Linh Trung và phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức cam kết không tăng giá thuê phòng, chia sẻ khó khăn với hàng nghìn CN. Bà Đoàn Thị Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ quận, cho biết sẽ tiếp tục vận động các chủ nhà trọ có đông CN nhập cư thuê hưởng ứng chương trình này.

Ngoài ra, để CN yên tâm làm việc, Sở Giáo dục và Đào tạo TP và HEPZA cũng vừa nhất trí với chủ trương trước mắt sẽ xây dựng 13 trường mầm non tại 13 KCX, KCN để giải quyết chỗ học cho con em CN.

Theo số liệu của BQL HEPZA, hiện nay trên địa bàn TP có 265 ngàn CN, trong đó 65% là lao động nhập cư, cần khoảng 30 trường mầm non.

Theo ông Nguyễn Tấn Định - Phó GĐ BQL, BQL còn vận động các công ty xây dựng nhà lưu trú cho CN thiết kế một phần cho nhà trẻ, vận động các DN, nhà hảo tâm cùng tham gia xây dựng các trường mầm non, sau đó bàn giao lại cho BQL.

UBND TP sẽ sớm có cuộc họp chỉ đạo với Sở GDĐT và BQL HEPZA về việc tháo gỡ khó khăn cho vấn đề trường, lớp cho trẻ con CN.    

Bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân

Trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán Tân Mão, hơn 170 CN Công ty TNHH Vĩ Châu (quận 7) hết sức phấn chấn khi ban giám đốc và CĐ cơ sở thông báo các khoản phụ cấp đồng loạt được điều chỉnh như phụ cấp chuyên cần từ 50.000 đồng lên 100.000 đồng/tháng, bữa ăn giữa ca được nâng từ 8.000 đồng lên 15.000 đồng/suất…

Ông Ngô Tao Huyền, giám đốc công ty, nhìn nhận các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho CN do CĐ cơ sở khởi xướng rất hợp tình, hợp lý, giúp công ty giữ được CN giỏi trong hoàn cảnh khan hiếm lao động.

Tại Công ty TNHH Danu Vina (KCX Linh Trung 1), việc nâng phụ cấp nhà trọ từ 100.000 đồng lên 150.000 đồng; chuyên cần từ 90.000 đồng lên 180.000 đồng khiến 1.700 CN rất mừng.

CĐ các cấp cũng đã thể hiện rõ vai trò bảo vệ quyền lợi của CN trong các vụ tranh chấp lao động tập thể. Điển hình như giữa tháng 2 vừa qua, lãnh đạo Công ty TNHH Vĩ Thái (KCX Tân Thuận) đã ra thông báo chấp thuận giải quyết kiến nghị của tập thể CN, điều chỉnh lương tối thiểu đúng quy định; nâng tiền cơm từ 9.000 đồng lên 12.000 đồng, tính đủ phụ cấp độc hại (5% lương cơ bản).

Cùng thời điểm, sau khi nhận được thông báo về việc nâng lương cơ bản, nâng phụ cấp tiền cơm tăng ca cho toàn bộ CN của Ban giám đốc Công ty TNHH Theodore Alexander (KCX Linh Trung II), 3.700 CN đã trở lại làm việc.

Ông Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM khẳng định, trong bối cảnh nhiều DN gặp khó khăn trong tuyển dụng và giữ lao động, đời sống một bộ phận người lao động còn thiếu thốn, các hoạt động hỗ trợ DN hoàn thiện chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ của CĐ mang ý nghĩa hết sức đặc biệt. Nó không chỉ hỗ trợ DN ổn định sản xuất mà còn giúp DN ổn định quan hệ lao động./.
 
(Cổng TTĐTCP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất