(TG) - Học sinh bên cạnh tiếp thu các kiến thức về lịch sử, tìm hiểu những giá trị nhân văn thông qua các nhân vật huyền sử, thần thoại trong văn học... thì cũng cần bổ sung thêm những kiến thức về cuộc sống thực tại, nhất là những điều hay, lẽ phải đang diễn ra hàng ngày, xung quanh các em.
Thời gian qua, nhiều trường học đã vận dụng, đưa các câu chuyện tử tế, gương “người tốt, việc tốt” có thật trong đời sống xã hội được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng vào các đề thi, bài học của học sinh phổ thông, tiểu học. Việc làm này tuy đơn giản nhưng có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển nhân cách, đạo đức, lối sống của các em học sinh, nhất là lứa tuổi Tiểu học và THCS.
Có thể khẳng định rằng, việc dạy và học bộ môn khoa học xã hội trong các trường phổ thông hiện nay còn có những điểm chưa thật sự hợp lý, trong đó có những bài học dành cho học sinh vẫn chủ yếu là gắn với các câu chuyện hư cấu, nhân vật được nhân cách hóa hoặc mang tính chất huyền sử, thần thoại. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, học sinh rất khó có thể nhận thức đầy đủ, liên tưởng sâu sắc về nhân vật. Đặc biệt, các bài học giáo dục về nhân cách, đạo đức hiện nay còn xa rời thực tế, khá đơn điệu, thiếu sinh động, thậm chí chỉ là lý thuyết suông... tạo nên sự nhàm chán, “xơ cứng”, thiếu hứng thú cho các em. Điều đó khiến cho khả năng tiếp thu kiến thức, liên tưởng thực tế của học sinh bị hạn chế, dẫn đến chất lượng dạy và học chưa đạt như mong muốn.
Vấn đề đặt ra là phải đổi mới, cải tiến phương pháp dạy và học theo hướng đưa học sinh - người học có điều kiện tiếp cận với thực tiễn phong phú của cuộc sống đa dạng, muôn màu. Học sinh bên cạnh tiếp thu các kiến thức về lịch sử, tìm hiểu những giá trị nhân văn thông qua các nhân vật huyền sử, thần thoại trong văn học... thì cũng cần bổ sung thêm những kiến thức về cuộc sống thực tại, nhất là những điều hay, lẽ phải đang diễn ra hàng ngày, xung quanh các em. Như vậy các bài học, đề thi mới tránh được tình trạng khô khan, rập khuôn, máy móc gây nhàm chán, đồng thời tạo ra hứng thú cho các em trong học tập.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần tiếp tục khuyến khích các nhà trường nghiên cứu, căn cứ vào tình hình điều kiện cụ thể, đặc thù để lồng ghép, đưa thêm nhiều câu chuyện tử tế, gương “người tốt, việc tốt” có thực trong cuộc sống vào các đề thi, bài học liên quan đến các môn khoa học xã hôi, giáo dục công dân dành cho học sinh. Điều này không những góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, khả năng tiếp cận thực tế cuộc sống của học sinh mà còn là một trong những biện pháp hữu hiệu để hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống cho các em./.
Phạm Văn Chung