1. Hợp tác quốc tế đang là một xu thế của thời đại ngày nay, khi mà các nước trong khu vực và trên thế giới đang liên kết với nhau để phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội. Để phát triển KTHH Việt Nam đã sớm ý thức được điều đó khi trở thành thành viên chính thức của các tổ chức quốc tế.
Là một quốc gia có đường bờ biển dài với hơn 3.260km, Việt Nam luôn ý thức được vị thế và tiềm năng to lớn mà biển đem lại cho mình. Bằng chứng là, năm 2007, Hội nghị Trung ương lần thứ tư, khóa X lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra: Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh đến vị trí then chốt của KTHH trong Chiến lược kinh tế biển. KTHH được ưu tiên thứ hai trong thứ tự phát triển kinh tế biển, chỉ đứng sau khai thác, chế biến dầu khí (đứng trên khai thác và chế biến hải sản; du lịch biển và kinh tế hải đảo; xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển). Vận tải biển được coi là một trong những ngành dịch vụ mũi nhọn và trước mắt cùng với công nghiệp đóng tàu cần được tập trung đầu tư phát triển.
Tại Thông báo số 188-TB/TW ngày 07-10-2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngành KTHH cũng được yêu cầu tập trung đầu tư xây dựng nhanh cơ sở hạ tầng một số cảng biển hiện đại, đồng thời phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng sau cảng; xây dựng các nhà máy đóng tàu và sửa chữa tàu biển, phát triển nhanh, mạnh đội tàu biển Việt Nam theo quy hoạch đã được phê duyệt; tổ chức phát triển hiệu quả vận tải biển trong xu thế hội nhập. Trong đó, xác định nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hàng hải có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cho ngành Hàng hải nói riêng và ngành Giao thông vận tải (GTVT) nói chung có thêm nguồn lực bên ngoài để đầu tư phát triển, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng. Điều đó đã được thể hiện rõ nét trong hàng loạt các bản ký kết và hợp tác giữa Bộ GTVT Việt Nam với Bộ GTVT các nước trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể như việc ký kết các các biên bản ghi nhớ giữa Cục Hàng hải Việt Nam với Tổ chức Hàng hải thế giới IMO nhằm đem lại lợi ích cao nhất về các hoạt động hàng hải cho nước ta.
Hiện tại, nền KTHH nước ta do còn nhiều hạn chế, bất cập. Đến nay, Việt Nam vẫn đang bị đánh giá là một trong những nước có trình độ phát triển KTHH đang còn nhiều yếu kém trong khu vực. Trong số các ngành: Vận tải biển, dịch vụ hàng hải, công nghiệp đóng tàu chưa một ngành nào tận dụng được hết tiềm năng của một quốc gia ven biển có nhiều lợi thế như Việt Nam. Tổng giá trị kinh tế thu từ biển cho đến nay chỉ chiếm 12% GDP, còn rất xa mới đạt tới mức trên 50% GDP như “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đề ra, trong đó KTHH chưa được coi là ngành kinh tế mũi nhọn. Nếu so sánh với một số nước trong khu vực, giá trị hoạt động kinh tế hàng hải Việt Nam chỉ bằng 24% của Trung Quốc, 14% của Hàn Quốc và 1% của Nhật Bản
Những khó khăn chủ yếu hiện nay mà Việt Nam đang gặp phải là: Thiếu tư duy kinh tế biển trong quản lý vĩ mô; sự hạn chế về khoa học-công nghệ trong phát triển KTHH, đặc biệt là ngành Công nghiệp đóng tàu cũng như các hoạt động trong ngành Vận tải biển. Một thực tế là nhiều vùng biển trong khu vực đang bị tranh chấp, gây khó khăn cho chiến lược khai thác biển của Việt Nam hiện nay, trong đó ngành KTHH cũng gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Vì thế, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hàng hải là chìa khóa để phát triển KTHH, đồng thời góp phần hạn chế tranh chấp, tiến tới xây dựng kinh tế biển ở mức cao hơn theo hướng hiện đại. Trên thực tế, KTHH có hai nhân tố cơ bản đó là hợp tác quốc tế cùng khai thác biển và hạn chế tranh chấp bằng con đường hợp tác quốc tế thì hiện nay cả hai nhân tổ đó chưa được thể hiện rõ nét trong nền KTHH của nước ta.
Lĩnh vực KTHH (đóng tàu, vận tải biển và dịch vụ cảng biển) là những ngành kinh tế thường có tính quốc tế cao, bởi vì các con đường giao thông trên biển chủ yếu là đi ra quốc tế, vận tải nội địa chiếm tỷ trọng nhỏ; công nghiệp đóng tàu cũng đòi hỏi cao về KHCN, vốn và năng lực tài chính, năng lực quản lý; các dịch vụ cảng biển cũng cần các yếu tố hợp tác quốc tế mới có khả năng phát triển tích cực. Trong khi vùng biển Việt Nam tiếp giáp với nhiều nước và là nơi giao thương thuận tiện nhất với con đường hàng hải quốc tế. Nếu như chúng ta chậm mở rộng quan hệ quốc tế, kinh tế biển Việt Nam trong đó có KTHH sẽ ngưng trệ.
Khi quan hệ quốc tế được mở rộng, KTHH sẽ phát triển cao, giải quyết được thỏa đáng các vấn đề tranh chấp về biển ở Biển Đông, khai thác và tiêu thụ các sản phẩm đóng tàu, các dịch vụ từ cảng biển và thúc đẩy ngành vận tải biển phát triển. Hiện nay, Việt Nam đang cố gắng đổi mới các chính sách để thu hút nguồn vốn đầu tư FDI, thương mại và hải quan vào trong nước. Ngành công nghiệp quan trọng hàng đầu phải được mở cửa và thu hút vốn FDI là công nghiệp đóng tàu. Chúng ta cần khai thác tối ưu lợi thế về nhiều cảng, lao động rẻ… Chính điều đó mà một số nước phát triển muốn chuyển dịch công nghệ đóng tàu sang Việt Nam.
2. Quán triệt đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước ta, hợp tác quốc tế của ngành Hàng hải không ngừng được mở rộng, uy tín của ngành trên bình diện quốc tế từng bước được nâng cao, thường xuyên tiếp nhận những khuyến cáo và gợi ý của Tổ chức Hàng hải quốc tế.
Nằm trên một trong những tuyến đường giao thông hàng hải tấp nập nhất thế giới, Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực hàng hải. Đến nay, Việt Nam đã là thành viên của 20 điều ước quốc tế về lĩnh vực giao thông hàng hải của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) như: Công ước về Tổ chức hàng hải quốc tế 1948, Nghị định thư sửa đổi 1988 sửa đổi Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển, Công ước quốc tế về tìm kiếm và cứu nạn hàng hải 1979, Nghị định thư ngăn ngừa các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng hải đối với các giàn khoan cố định ở thềm lục địa 1988.
Nhằm hỗ trợ đội ngũ lao động của Việt Nam tham gia vào lĩnh vực dịch vụ hàng hải quốc tế, Việt Nam cũng đã ký kết thỏa thuận công nhận giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho thuyền viên theo tiêu chuẩn STCW 78/95 với 24 quốc gia và vùng lãnh thổ như Singapore, Hà Lan, Nga, Ấn Độ,... Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thúc đẩy dịch vụ vận chuyển hàng hải phát triển thông qua việc ký kết hiệp định vận tải biển với 23 quốc gia và vùng lãnh thổ như Nga, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc…Đồng thời, Việt Nam cũng chú trọng nâng cấp, phát triển các cảng biển và cung cấp các dịch vụ hàng hải quốc tế như các dịch vụ vận tải đa phương thức, dịch vụ hậu cần, dịch vụ lai dắt tàu biển và dịch vụ môi giới hàng hải. Việt Nam đã và đang tham gia 12 công ước quốc tế về hàng hải và Công ước quốc tế của Liên hợp quốc năm 1982 về Luật biển (UNCLOS 1982); đã ký kết 17 Hiệp định hàng hải và một số thoả thuận khác với các tổ chức quốc tế và các nước trên thế giới; Việt Nam đã thực hiện tốt các điều ước của quốc tế về hàng hải mà Việt Nam đã gia nhập, trong đó đáng chú ý Công ước quốc tế của Tổ chức Hàng hải Quốc tế IMO về Tiêu chuẩn đào tạo, cấp chứng chỉ và đi ca của thuyền viên (STCW-78 và sửa đổi năm 1995), Thỏa thuận Tokyo về kiểm soát nhà nước tại cảng (Tokyo MOU); các Hiệp định của ASEAN về vận tải và dịch vụ, đặc biệt là Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ. Đồng thời, đã chỉ đạo ngành Hàng hải triển khai thực hiện đúng tiến độ về thoả thuận Việt Nam - Lào trong khai thác và sử dụng cảng Vũng Áng - Hà Tĩnh; tổ chức thực hiện tốt những thỏa thuận trong Nghị định thư hàng hải mà Việt Nam đã ký với các nước và tổ chức phi chính phủ; tích cực đàm phán và thoả thuận về hoạt động hàng hải với Hoa Kỳ, Nga, Singapore, Nhật Bản, Myanma, Lào.
Ngành còn phối hợp với chuyên gia các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng Hoà Liên Bang Đức, Vương quốc Hà Lan, Bỉ, IMO tổ chức các cuộc hội thảo khoa học về quản lý an toàn cảng biển; về hiện đại hoá hệ thống khai thác và xếp dỡ hàng hoá tại các cảng biển Việt Nam; về vận tải đa phương thức và logistics; về công cụ đánh giá rủi ro an ninh cảng biển (PSRAT); về công ước về kiểm soát hệ thống chống hà độc hại cho tàu biển, 2001 (AFS2001). Chủ động tham mưu triển khai hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực với IMO, ASEAN, APEC và một số tổ chức chuyên môn khác như Tokyo MOU, IALA, APHOMSA. Đồng thời, tích cực nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm và chuẩn bị xây dựng đề án Việt Nam tranh cử vào nhóm C, Hội đồng IMO.
Trong hội nhập kinh tế quốc tế, Cục HHVN đã tham dự và triển khai nội dung, yêu cầu của các cuộc họp nhóm công tác giao thông hàng hải ASEAN (MTWG), hội nghị quan chức cấp cao ASEAN (STOM), Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN (ATM); đảm trách thành công vai trò của quốc gia điều phối đối với các dự án thuộc lộ trình hội nhập và nâng cao tính cạnh tranh hàng hải trong ASEAN; phối hợp với các quốc gia ASEAN triển khai các biện pháp trong lộ trình hội nhập và nâng cao tính cạnh tranh hàng hải ASEAN, chương trình hành động Brunei (BAP). Tham gia và triển khai các hoạt động của nhóm công tác hàng hải APEC; tiểu nhóm công tác an ninh hàng hải và Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng biển APEC (APSN).
Triển khai chương trình hợp tác APEC về hỗ trợ thực hiện Bộ luật quốc tế về an ninh tàu và bến cảng (Bộ luật ISPS). Từ năm 2006, Cục HHVN và cơ quan Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG) đã trao đổi các đoàn công tác để trao đổi kinh nghiệm, biện pháp triển khai thực hiện Bộ luật ISPS tại cảng biển theo cơ chế luân phiên hàng năm. Năm 2013, Cục HHVN đã tham mưu cho Chính phủ ký Hiệp định hàng hải song phương với Ấn Độ, ký tắt Hiệp định hàng hải với Xu Đăng.
Như vậy, Việt Nam đã ký hiệp định vận tải biển song phương với 24 quốc gia. Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước Lao động hàng hải năm 2006 (MLC) được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thông qua tại Thụy Sỹ và chính thức có hiệu lực từ ngày 20-8-2013. Công ước MLC cùng với ba công ước của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) trước đó về an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, trở thành bốn trụ cột của pháp luật hàng hải quốc tế, được 65 quốc gia thành viên ILO 9trong đó có Việt Nam) phê chuẩn, tạo nên nền tảng pháp lý cho hoạt động vận tải biển trong thế kỷ XXI.
Về thỏa thuận quốc tế, Việt Nam đã ký Ý định thư hợp tác giai đoạn 2014-2016 với Bộ Giao thông công chính Vùng Flanders (Bỉ). Triển khai nội dung, yêu cầu hợp tác và hội nhập hàng hải đối với khối ASEAN, đã được kết luận tại các cuộc họp: Nhóm công tác giao thông hàng hải ASEAN (MTWG) và các hội nghị Bộ trưởng, quan chức cấp cao GTVT ASEAN (STOM); các diễn đàn về Tìm kiếm cứu nạn; Kế hoạch chiến lược hợp tác GTVT ASEAN, ASEAN - Trung Quốc; các nhà lãnh đạo STOM ASEAN - Nhật Bản… Đối với khối APEC: Tham gia và triển khai các hoạt động của Nhóm công tác hàng hải APEC và Tiểu nhóm công tác an ninh hàng hải thuộc Hội nghị Nhóm công tác GTVT APEC (TPT-WG); Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng biển APEC (APSN)... Đối với Tổ chức IMO: Hoàn thiện Đề án Việt Nam tranh cử trở thành thành viên Hội đồng IMO, Nhóm C và tham dự cuộc họp của Ủy ban hợp tác kỹ thuật lần thứ 63 của IMO (7/2013).
Bên cạnh đó, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực hàng hải với Hoa Kỳ tiếp tục được tăng cường. Phía Việt Nam thường xuyên cử các đoàn sang Hoa Kỳ để ký kết các bản hợp tác trong phát triển KTHH.
3. Với chủ trương của Đảng và Nhà nước, Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực, Việt Nam cần nỗ lực chuẩn bị mọi mặt, tranh thủ thời cơ, đẩy mạnh hợp tác quốc, thu hút nguồn lực để phát triển một nền KTHH vốn có nhiều lợi thế từ một quốc gia biển. Trong đó chú trọng các nội dung sau:
- Tích cực mở cửa hợp tác trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển, cảng biển, nhất là về công nghiệp đóng tàu. Thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài đầu tư nhanh cho việc xây dựng 2 cảng biển lớn (giai đoạn I) của đất nước là Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hòa) và Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; đóng mới các đội tàu có trọng tải cao, làm tiền đề cho việc đầu tư xây dựng các cảng biển quốc tế, hiện đại về công nghệ khai thác cảng và quản lý cảng… Điều này cũng phù hợp với tình hình đất nước hiện nay đang cần kích cầu để ổn định tăng trưởng và chuẩn bị sẵn sàng sau vài ba năm nữa khi nền kinh tế đất nước sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng mới.
- Tiếp tục xây dựng hoàn thiện các thể chế luật pháp trong nước về KTHH sao cho phù hợp với thực tiễn và thông lệ, tập quán hàng hải quốc tế. Để có thể hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hàng hải có hiệu quả thì điều kiện thiết yếu là nhà nước phải có tư duy kinh tế và trình độ quản lý tương ứng. Một ví dụ thực tiễn mà chúng ta có thể nghiên cứu và học tập là Thụy Sĩ. Đất nước nhỏ bé này không có biển nhưng đã đứng thứ 5 thế giới về vận tải trên biển.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần khắc phục những tồn tại trong mối quan hệ hợp tác với các nước do các chính sách và luật pháp chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Trước mắt, cần áp dụng những mô hình hợp tác thành công đang có với Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Nhật bản trên các lĩnh vực cảng biển, đóng tàu, vận tải biển; xây dựng cơ sở luật pháp vững chắc để thực hiện tốt chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đôi bên cùng có lợi. Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cần tổ chức kiểm tra và đánh giá ngay tình hình hoạt động của ngành KTHH, nhất là đối với các doanh nghiệp đóng tàu trong thời gian qua, có biện pháp khắc phục những hậu quả và thiệt hại về kinh tế của các doanh nghiệp cũng như của các tổ chức tín dụng và ngân hàng nước ngoài cho vay, lấy lại niềm tin của đối tác là nước ngoài.
- Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành KTHH, chú trọng bồi dưỡng năng lực công tác quản lý, khả năng hợp tác, giao tiếp trong quá trình hội nhập; chú trọng hơn nữa việc đầu tư cơ sở vật chất cho khâu thực hành nghề đi biển; coi trọng những môn học có liên quan đến văn hóa nghề, luật pháp quốc tế, ngoại ngữ, phải được đề cao là những môn học bắt buộc trong các kỳ thi đối với sinh viên hàng hải và tuyển dụng nhân lực cho ngành hàng hải; đồng thời, là những tiêu chuẩn bắt buộc để đánh giá năng lực của người học trong các trường đào tạo cho ngành KTHH.
- Chú trọng xây dựng và đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế. Chú trọng xây dựng thương hiệu biển, thương hiệu hàng hải Việt Nam từ thế mạnh địa lý, thiên nhiên, văn hóa, xã hội, con người Việt Nam, nhằm nâng cao, quảng bá hình ảnh vùng biển, tiềm năng lợi thế của ngành hàng hải giàu tiềm năng của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KTHH có ý nghĩa ngày càng to lớn, tạo ra những điều kiện quan trọng giúp Việt Nam vừa có thể khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế của biển, vừa tạo ra những nhân tố góp phần tích cực bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia và giữ vững hoà bình, ổn định trên biển. Cho đến nay, các hoạt động hợp tác quốc tế về KTHH, đã tạo ra thế đan cài về lợi ích giữa Việt Nam với các nước bên ngoài. Điều đó, góp phần tạo điều kiện giúp Việt Nam tăng cường thế và lực xây dựng ngành KTHH phát triển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc./.
NCS. Nguyễn Thị Thơm
Khoa Lý luận chính trị - Trường Đại học Công nghệ GTVT