Thứ Bảy, 23/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Hai, 12/6/2023 17:45'(GMT+7)

Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ giữa hai nước Việt Nam - Nam Phi

Đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chụp ảnh lưu niệm cùng ông Buti Manamela, Thứ trưởng Bộ giáo dục, khoa học và đổi mới Nam Phi cùng Đoàn công tác hiện đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. (Ảnh: TA)

Đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chụp ảnh lưu niệm cùng ông Buti Manamela, Thứ trưởng Bộ giáo dục, khoa học và đổi mới Nam Phi cùng Đoàn công tác hiện đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. (Ảnh: TA)

Tham gia Đoàn công tác có Đại diện Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam; ông Cecil Masoka, Vụ trưởng phụ trách hợp tác song phương (khu vực Châu Mỹ và Châu Á), Vụ Khoa học và Đổi mới; ông Mabuza Ngubane, Vụ trưởng, phụ trách Hợp tác quản lý Giáo dục và Đào tạo theo ngành, Vụ Giáo dục và Đào tạo bậc cao; ông Samuel Zungu, Phó Vụ trưởng phụ trách Giáo dục và Đào tạo hướng nghiệp kỹ thuật, Vụ Giáo dục và Đào tạo bậc cao; ông Geodfrey Tshioma, Phó Vụ trưởng phụ trách quan hệ quốc tế, Vụ Giáo dục và Đào tạo bậc cao; bà Karabo Mohale, Phó Giám đốc điều hành Cơ quan phát triển thanh niên quốc gia, Vụ Giáo dục và Đào tạo bậc cao; bà Florence Masebe, cố vấn kỹ thuật cho Thứ trưởng; ông Motshedisi Letuka, trợ lý Thứ trưởng.

Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Nam Phi. Đồng chí Vũ Thanh Mai bày tỏ vui mừng khi biết trong suốt 3 thập kỷ qua, quan hệ hợp tác giữa hai nước không ngừng phát triển và đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực quan trọng như chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, thương mại, đầu tư, nông nghiệp,.. Nam Phi hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Châu Phi. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương mong rằng, năm 2023, các hoạt động kỷ niệm sôi nổi, thiết thực của hai nước sẽ diễn ra thành công, tạo bước đà quan trọng để giúp hai bên tăng cường hiểu biết lẫn nhau và đưa quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực lên tầm cao mới.

Tại buổi đón tiếp, đồng chí Vũ Thanh Mai đã giới thiệu một số nhiệm vụ mà Ban Tuyên giáo Trung ương đang triển khai, thực hiện trong thời gian qua về công tác giáo dục, đào tạo, cũng như nhiệm vụ chính trị của Ban Tuyên giáo Trung ương.  

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương thông tin cho ông Buti Manamela biết thêm, năm 2018 và 2019,  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và Luật Giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo đã được Quốc hội thông qua và từng bước đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động đổi mới giáo dục đại học.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: TA)

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: TA)

Các cơ sở giáo dục đại học được trải rộng khắp các miền đất nước, tạo điều kiện nâng cao tính công bằng trong việc tiếp cận loại hình giáo dục đại học của người dân. Tự chủ đại học đã trở thành một chủ trương lớn, đang được triển khai thực hiện từng bước, góp phần quan trọng đổi mới căn bản hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng lên và tiếp cận các chuẩn mực quốc tế. Công tác kiểm định và bảo đảm chất lượng ngày càng đi vào nền nếp.

Ở Việt Nam hiện có khoảng 700 trường đại học, học viện và trường cao đẳng. Hiện nay, có 7 trường đại học Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng 1000 trường đại học tốt nhất thế giới. Tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư trong toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam là 6%, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ là 22,7%. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các trường đại học từng bước được triển khai phục vụ cho công tác dạy và học.

Năm 2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết 27 về đội ngũ trí thức, là cơ  sở để các ban, bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Sau 15 năm thực hiện Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã giao nhiệm vụ cho các ban Đảng thực hiện Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 27 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời đề xuất các quan điểm mới, các giải pháp có tính đột phá xây dựng đội ngũ trí thức trong tình hình mới.

Nhiều nội dung của Nghị quyết về đội ngũ trí thức đã được triển khai thực hiện mang lại kết quả trong thực tiễn: đội ngũ trí thức tăng nhanh về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng cao. Những đóng góp của đội ngũ trí thức thể hiện rõ nét thông qua các thành quá tích cực trong phát triển của các ngành lĩnh vực, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu không ngừng được cải thiện. Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã bước đầu được hình thành và phát triển.

Nhiều chính sách về trọng dụng, đãi ngộ nhân tài của Đảng và Nhà nước đã được ban hành; các hoạt động khen thưởng, động viên, tôn vinh trí thức đã được tiến hành thường xuyên, liên tục với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước…

Đồng chí Vũ Thanh Mai mong rằng, chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này của Đoàn công tác sẽ gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa hai nước. Đặc biệt, cơ quan phụ trách về giáo dục, khoa học, công nghệ của hai nước học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm là thế mạnh, ưu điểm của nhau, góp phần đưa lĩnh vực này trở thành lĩnh vực hợp tác quan trọng.

 

Đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tặng bình gốm kỷ niệm cho ông Buti Manamela, Thứ trưởng Bộ giáo dục, khoa học và đổi mới Nam Phi. (Ảnh: TA)

Đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tặng bình gốm kỷ niệm cho ông Buti Manamela, Thứ trưởng Bộ giáo dục, khoa học và đổi mới Nam Phi. (Ảnh: TA)

Tại buổi làm việc, ông Buti Manamela, Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Khoa học và Đổi mới Nam Phi cảm ơn sự tiếp đón nồng hậu của lãnh đạo ban Tuyên giáo Trung ương đối với Đoàn công tác. Trong năm 2023, nhiều hoạt động kỷ niệm thiết thực, sôi nổi của hai nước Nam Phi và Việt Nam sẽ được diễn ra trên nhiều lĩnh vực hợp tác, tạo bước đà quan trọng để giúp hai nước tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và đưa quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực lên tầm cao mới. Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Khoa học và Đổi mới Nam Phi cũng chia sẻ một số những kinh nghiệm về giáo dục đại học, công nghệ và đổi mới ở Nam Phi.

Nhận thấy vai trò của nền giáo dục trong các trường Đại học nhất là việc ứng phó với Đại dịch COVID-19 là vô cùng quan trọng, trong đó lĩnh vực nghiên cứu khoa học, nghiên cứu hóa sinh để tìm ra vaccine mới kịp thời ứng phó, ông Buti Manamela mong muốn trong thời gian tới giữa hai nước sẽ tăng cường trao đổi sinh viên để cùng học tập, nghiên cứu. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Khoa học và Đổi mới Nam Phi hy vọng rằng, trong thời gian tới, Nam Phi và Việt Nam có thể tăng cường hợp tác nhiều hơn về lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ./.

Tin, ảnh: Nhật Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất