Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết trong năm 2008, ngành khảo cổ đã đẩy mạnh nghiên cứu, tiến hành nhiều cuộc khai quật lớn tại các đô thị cổ trong cả nước như cố đô Huế, Hội An, Thành nhà Hồ và lớn nhất là Hoàng thành Thăng Long.
Tại hội nghị thông báo khảo cổ học năm 2008, ngày 30/9 ở Hà Nội, Viện Khảo cổ cho biết thông qua các cuộc khai quật, các nhà nghiên cứu đã nhận biết được quy mô và đặc điểm của từng kiến trúc qua các thời kỳ lịch sử, quy hoạch mặt bằng kiến trúc Lý, và nổi bật là phát hiện kết cấu kiến trúc độc đáo trong lịch sử - kiểu bát giác có cột ở chính giữa.
Các chuyên gia còn đi sâu nghiên cứu và xác định các giai đoạn phát triển của các loại hình gạch ngói, đồ sành tại các đô thị cổ.
Tuy nhiên, việc khai quật khảo cổ học đô thị vẫn đang gặp nhiều khó khăn vì diện tích rộng, tầng văn hoá dày, di tích và di vật nhiều, chồng xếp, đan xen và cắt phá nhau hết sức phức tạp, địa hình đô thị hiện đại chồng lên trên và thiếu các quy chế, quy hoạch khảo cổ học.
Bên cạnh khảo cổ học đô thị, các nhà khảo cổ cũng đã thực hiện nhiều cuộc khai quật phục vụ công tác nghiên cứu, lập quy hoạch bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, xếp hạng khai thác di tích, di sản, di dời các di tích ra khỏi vùng có các dự án kinh tế lớn.
Tại hội nghị thông báo khảo cổ học năm nay, lượng bài thông báo tăng hơn so với năm trước, với hơn 400 thông báo thuộc nhiều lĩnh vực, liên quan tới các di tích trong cả nước./.
(TTXVN)