Chủ Nhật, 29/9/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 12/2/2014 16:41'(GMT+7)

Tăng cường phối hợp triển khai Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng phát biểu kết luận (Ảnh: TH)

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng phát biểu kết luận (Ảnh: TH)

Ngày 12-2, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Phạm Vũ Luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng chủ trì buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề như một số điều chỉnh phương án thi – công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014; đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đổi mới công tác kiểm định chất lượng giáo dục.

Về một số điều chỉnh phương án thi – công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014, tháng 1-2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo “Một số điều chỉnh phương án thi – công nhận tốt nghiệp THPT trong những năm trước mắt”, lấy ý kiến góp ý của các nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục, các nhà sư phạm, các giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, của nhân dân… Nhiều nội dung đã có nhận được sự đồng thuận cao như: đồng ý tổ chức thi tốt nghiệp 4 môn, trong đó có 2 môn do thí sinh được lựa chọn; thời gian thực hiện phương án điều chỉnh nên bắt đầu ngay từ 2014 và coi đây là một động thái tích cực; chủ trương miễn thi với tỷ lệ miễn thi chung toàn quốc là 20%.

Tuy nhiên, các đại biểu tham gia buổi làm việc đã bày tỏ ý kiến băn khoăn như: chất lượng giáo dục phổ thông khác nhau giữa các tỉnh, thành phố, nhưng Bộ lại chủ trương miễn thi đồng đều 20% đối với tất cả các địa phương. Trong điều kiện hiện nay, bệnh thành tích chưa được giải quyết triệt để, vấn đề kỷ cương kỷ luật cần được tăng cường, nếu không khống chế tỷ lệ được miễn thi có thể sẽ xuất hiện việc các trường nới lỏng khâu kiểm tra, đánh giá để có nhiều học sinh được miễn thi không thực chất. Chủ trương giảm số môn thi và cho học sinh tự chọn môn thi có thể dẫn tới tình trạng học sinh học lệch.
 
 Đồng chí Mai Văn Trinh phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết, việc giảm số môn thi và học sinh được tự chọn môn thi là một bước đầu tiên thực hiện yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 8: “Đảm bảo cho học sinh có trình độ trung học cơ sở hết lớp 9 có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Việc lựa chọn tỷ lệ 20% học sinh được miễn thi là do tỷ lệ học sinh khá giỏi trên cả nước đạt 20%. Chủ trương miễn thi lần này thực chất là việc mở rộng diện được miễn thi. Các đề thi sẽ giảm thiểu các câu hỏi mang tính chất học thuộc; tăng cường công tác thanh tra kiểm soát, tạo ma trận đề thi.

Về đổi mới công tác kiểm định chất lượng giáo dục, đồng chí Phạm Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết thực hiện Nghị quyết số 29, các cơ sở giáo dục và đào tạo được quán triệt chú trọng chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo, tránh chạy theo bệnh thành tích. Bộ Giáo dục và đào tạo đang triển khai đổi mới kiểm tra đánh giá trên lớp, đổi mới thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, coi đây là những khâu đảm bảo chất lượng trong quá trình đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang quán triệt các cơ sở giáo dục và đào tạo khắc phục những bất cập như chưa chủ động cải tiến chất lượng, chưa tự chịu trách nhiệm trước xã hội và các cơ quan có thẩm quyền về quản lý giáo dục.

Hiện nay, đã thành lập được hai trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục và đặt tại hai đại học quốc gia. Tuy nhiên, hai trung tâm kiểm định này đặt trong hai đại học quốc gia nên khó đảm bảo được tính độc lập trong kiểm định chất lượng giáo dục. Về lâu dài, cần thành lập các tổ chức kiểm định độc lập của quốc gia.

Chương trình đào tạo kiểm định viên giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp đã được ban hành. Hai đại học quốc gia được giao nhiệm vụ đào tạo kiểm định viên đang triển thực hiện. Mảng đào tạo kiểm định viên cho giáo dục phổ thông đang trong quá trình chuẩn bị.

Về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đồng chí Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành các thủ tục trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết về Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; đã trình Chính phủ dự thảo Đề án Xây dựng, triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục tổ chức một số hội nghị xin ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị quyết và dự thảo Đề án. Đồng chí Vũ Đình Chuẩn nhấn mạnh điểm mới của việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông lần này là xây dựng chương trình tổng thể chứ không phân cấp từng cấp học, tránh trùng lặp, có sự liên thông, so sánh giữa các môn học. Tuy nhiên, cần chú trọng xây dựng nguồn lực biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới. Trong đó, coi trọng việc học kết hợp với các hoạt động sáng tạo, lồng ghép các hình thức công nghệ kỹ thuật số.

 
Đồng chí Vũ Đình Chuẩn phát biểu tại buổi làm việc

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng lưu ý các đại biểu, trong việc xây dựng chương trình và sách giáo khoa, cần xác định xem chương trình trước đây và chương trình xây dựng khác nhau như thế nào, thể hiện điều khác trong chương trình đó như thế nào; giữa chương trình và sách giáo khoa, việc nào nên làm trước; quan điểm “một chương trình - nhiều sách giáo khoa” nên làm hay  không nên làm, có lộ trình thế nào cho phù hợp. Đổi mới chương trình, sách giáo khoa cần bám vào mục tiêu chung theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW là làm sao phát triển năng lực của người học, hình thành nhân cách.

Tóm lược lại các vấn đề được thảo luận trong buổi làm việc giữa hai bên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, việc điều chỉnh phương án thi - công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học và cao đẳng và đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sẽ chú trọng vào năng lực và kỹ năng của người học. Nội dung chương trình, sách giáo khoa đến hết lớp 9 là xong phần kiến thức cơ bản phổ thông; nội dung từ lớp 10 đến lớp 12 là hướng nghiệp. Việc học 3 năm cuối cấp sẽ phân hóa cao kết hợp tự chọn theo năng khiếu, theo nhu cầu, theo yêu cầu cả người học; hướng tới các môn học là do người học sẽ tự chọn.

Các trường đại học, cao đẳng trong cả nước sẽ tự chủ tuyển sinh. Các trường có thể yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ, tổ chức các kỳ thi tuyển sinh chung và Bộ sẵn sàng làm việc đó. Cho dù tuyển sinh bằng cách nào, nhà trường cũng phải tự chủ hoàn toàn.

Về đổi mới công tác kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng đây là vấn đề cần phải vừa làm vừa học, làm đến đâu chắc đến đây, tập trung kiểm định chất lượng giáo dục khu vực đại học và cao đẳng trước. 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng khẳng định nhiều vấn đề được đưa vào Nghị quyết số 29 của Trung ương Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được thực nghiệm. Tất cả những sự thay đổi trong giáo dục sẽ không làm cho học sinh và phụ huynh khó khăn thêm.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng khẳng định Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Giáo dục & Đào tạo cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền về Nghị quyết 29, thông qua các chuyên đề, các buổi học tập nghị quyết, các phương tiện truyền thông đại chúng. Hai bên cùng nhau thúc đẩy triển khai những công việc cụ thể, đặc biệt thúc đẩy công việc nghiên cứu làm rõ đổi mới tư duy theo tinh thần của Nghị quyết 29.

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng cũng lưu ý, về đổi mới chương trình, sách giáo khoa từ việc tiếp cận  nội dung chuyển mạnh qua tiếp cận phát triển năng lực, phải có cách dạy, cách học và tổ chức các hoạt động học, thông qua đó mới hình thành năng lực cho người học.

Nguồn nhân lực biên soạn chương trình, sách giáo khoa phải cố gắng xây dựng xem kiến thức phổ thông có những điều gì, phải phân bổ hợp lý kiến thức từ lớp 1 – lớp 9. Từ lớp 10 đến lớp 12, cần giúp cho học sinh biết nghề gì là làm việc gì, để học sinh lựa chọn cách tiếp cận, cho phép chọn lựa môn học. Đây cũng chính là cách để nâng cao năng lực người học.

Về đổi mới trong thi cử, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng cũng nhấn mạnh cần phải chú ý tới vấn đề miễn thi hay không miễn thi, đề phòng chuyện tiêu cực xảy ra ở cơ sở. Vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn.

Vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng cho rằng đây là vấn đề khó. Cần xây dựng cơ chế chính sách cho các trung tâm kiểm định, công khai kết quả kiểm định để xã hội tham khảo và biết kết quả, tập trung làm tốt khu vực đại học và cao đẳng trước. Vấn đề cốt lõi để kiểm định là năng lực của người học.

Thu  Hằng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất