(TG)-Sau chuyến thăm rất thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ
hồi tháng 7 năm 2015 hôm nay , chuyến thăm của Tổng thống Obama sang
Việt Nam (từ 23 - 25/5/2016) sẽ càng làm sâu sắc thêm mối quan hệ ngoại
giao đầy triển vọng tích cực và thiện chí của Việt Nam - Mỹ.
1. Hôm nay 23/5, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Barack Obama bắt đầu thăm chính thức Việt Nam, theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và là chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ thứ ba tới Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995 (sau Tổng thống Bill Clinton - năm 2000 và Tổng thống George W.Bush - năm 2006).
Cùng đi với Tổng thống Barack Hussein Obama có: Ngoại trưởng John Kerry; Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice; Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius; Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman; Trợ lý Tổng thống, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia phụ trách diễn văn và thông tin chiến lược Ben Rhodes; Phó Trợ lý Tổng thống, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia phụ trách kinh tế quốc tế Adewale Adeyemo; Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel; Giám đốc Cao cấp phụ trách châu Á, Hội đồng An ninh Quốc gia Dan Kritenbrink; Trợ lý đặc biệt của Tổng thống phụ trách kinh tế quốc tế Him Das.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Hussein Obama II, sinh ngày 4/8/1961 tại Hawaii. Năm 1967 - 1971, ông sống tại Jakarta, Indonesia khi mẹ tái hôn với một người Indonesia. Từ năm 1971, ông sống với ông bà ngoại tại Hawaii.
Năm 1983, ông Barack Obama tốt nghiệp Cử nhân quan hệ quốc tế, Đại học Columbia; Năm 1991, tốt nghiệp Tiến sỹ luật, Trường luật Harvard.
Năm 1992, ông Barack Obama kết hôn với bà Michelle Obama, có hai con gái Malia Ann (sinh năm 1988) và Natasha (sinh năm 2001).
Năm 1996, ông Barack Obama trúng cử vào Thượng viện bang Illinois. Trong thời gian này, ông cộng tác với cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa trong các chương trình cắt giảm thuế, mở rộng giáo dục... nhằm giúp đỡ các gia đình nghèo. Năm 2000, ông tranh cử vào Hạ viện Hoa Kỳ không thành công.
Ngày 2/11/2004, ông Barack Obama trúng cử vào Thượng viện Hoa Kỳ, đại diện bang Illinois, tham gia các Ủy ban: Y tế, Giáo dục, Lao động và Hưu trí, Quan hệ Quốc tế, Các vấn đề Cựu chiến binh, Môi trường và Công trình Công cộng.
Ngày 20/1/2009, ông Barack Obama trở thành Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ và tái cử nhiệm kỳ II ngày 21/1/2013, là Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ.
Năm 2009, ông Barack Obama nhận giải Nobel Hòa bình cho những nỗ lực xuất sắc nhằm “củng cố ngoại giao quốc tế và hợp tác giữa các dân tộc”. Ông đã viết và xuất bản 4 cuốn sách: "Những giấc mơ từ Cha tôi: Câu chuyện về chủng tộc và di sản" (năm 1995); "Hy vọng táo bạo: Những suy nghĩ khôi phục giấc mơ Hoa Kỳ" ( năm 2006); "Sự thay đổi chúng ta có thể tin: Kế hoạch của Barack Obama để nhắc lại lời hứa của Hoa Kỳ" (năm 2008); "Vì bạn tôi hát" ( năm 2010).
2. . Ngày 11 - 7 - 1995 là dấu mốc cực kỳ quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ, đánh dấu một hiện tượng đặc biệt trong chính sách ngoại giao của Mỹ từ sau khi kết thúc chiến tranh lạnh. Khi đó Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Võ Văn Kiệt tuyên bố bình thường hóa quan hệ. Từ đó quan hệ Việt - Mỹ lật sang những trang mới với những biến chuyển tích cực, toàn diện, mạnh mẽ, và thân thiện hơn. Nếu vào thời điểm năm 1995, quan hệ hợp tác giữa hai nước mới chủ yếu trong lĩnh vực tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh (MIA) thì đến nay (sau 20 năm xích lại gần nhau) việc hợp tác giữa hai nước đã được mở rộng trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, ngoại giao, kinh tế - thương mại, văn hóa - giáo dục, khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh, quan hệ giao lưu nhân dân… Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á có số lượng sinh viên, học sinh đang theo học tại Mỹ đông nhất. Kim ngạch thương mại hai chiều trong 20 năm qua tăng gấp 130 lần. Hai nước hiện cùng các đối tác khác tham gia đàm phán và sẽ đi đến kí kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định có ý nghĩa rất quan trọng đối với hợp tác kinh tế khu vực và có tầm ảnh hưởng rất lớn trên phạm vi toàn cầu. Bên cạnh các lĩnh vực hợp tác song phương, hai bên tăng cường hợp tác trong các vấn đề khu vực cũng như trong các vấn đề toàn cầu như chống phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.
Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thăm lẫn nhau và tiếp xúc bên lề các diễn đàn quốc tế và khu vực, qua đó góp phần xây dựng lòng tin giữa hai nước và tạo cơ hội để thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ song phương.
Có thể nói, chưa bao giờ quan hệ đối ngoại của Việt Nam lại rộng mở và phát triển như hiện nay. Đây là một trong những nhân tố quan trọng làm nên thắng lợi của công cuộc đổi mới của nước ta trong 30 năm qua; một mặt góp phần giữ vững môi trường hòa bình, tranh thủ tốt nguồn lực bên ngoài cho mục tiêu phát triển đất nước; mặt khác vững tin vươn lên trưởng thành vượt bậc, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức góp phần nâng tầm vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Những thành tựu đó là biểu hiện sinh động nhất về tính sáng tạo, đúng đắn trong đường lối đối ngoại đổi mới của Đảng ta.
Sau chuyến thăm rất thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ hồi tháng 7 năm 2015, chuyến thăm của Tổng thống Obama sang Việt Nam (từ 23 - 25/5/2016) sẽ càng làm sâu sắc thêm mối quan hệ ngoại giao đầy triển vọng tích cực và thiện chí mà hai nước đã rất cố gắng và quyết tâm xích lại gần nhau vì xu thế thời cuộc và vì lợi ích chính đáng của nhân dân hai nước.
Tin tưởng rằng, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama lần này sẽ góp phần củng cố, tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ; triển khai những thỏa thuận cấp cao đã đạt được; trao đổi các biện pháp, phương hướng thúc đẩy quan hệ hai nước cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm./.
Trần Viết Lưu