Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, những năm gần đây
việc ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành kinh tế-xã hội gia
tăng một cách đáng kể.
Theo đó, các thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ đã và đang được sử dụng
ngày càng tăng trong các ứng dụng công nghiệp, xây dựng, hải quan... như
các thiết bị đo mức, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa, kiểm soát
hàng hóa xuất nhập khẩu, thăm dò khai thác dầu khí, sản xuất ximăng...
Theo thống kê về thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ của Cục An toàn bức xạ
và hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ, qua hệ thống RAISVN (phần mềm
quản lý khai báo, cấp phép cơ sở bức xạ, thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ
của Việt Nam), hiện tại có khoảng gần 1.000 cơ sở bức xạ đang tiến hành
công việc bức xạ sử dụng thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ với khoảng gần
6.000 nguồn phóng xạ theo các nhóm nguồn với các mức độ tiềm tàng nguy
hiểm khác nhau.
Các nguồn phóng xạ sử dụng trong các thiết bị chụp ảnh phóng xạ, kiểm
tra đánh giá không phá hủy tại các công trình xây dựng, kiểm tra chất
lượng các mối hàn… là nguồn phóng xạ có hoạt độ cao, được dùng trong các
thiết bị di động và được các cơ sở mang đi chiếu chụp tại hiện trường.
Đây chính là nhóm nguồn có tiềm ẩn nguy cơ cao mất an ninh, an toàn và
có thể gây ảnh hưởng đến xã hội. Hiện tại, cả nước có khoản 60 cơ sở
được cấp giấy phép chụp ảnh phóng xạ với khoảng gần 1.000 nguồn phóng xạ
(bảo gồm cả nguồn đang sử dụng di động hoặc lưu giữ tại các kho nguồn
tại cơ sở).
Việc bảo đảm an ninh, an toàn đối với nhóm nguồn này cần phải được quan tâm đúng mức.
Cục An toàn bức xạ và hạt nhân là cơ quan pháp quy hạt nhân của Việt
Nam, giúp Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện thống nhất và tập trung
quản lý nhà nước về an toàn bức xạ hạt nhân trên phạm vi cả nước và là
cơ quan thường trực cho Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia.
Vì vậy, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã xây dựng và ban hành các văn
bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, an ninh và
thanh sát; cấp, sửa đổi, đình chỉ và thu hồi các giấy phép liên quan
công việc bức xạ, ứng dụng năng lượng nguyên tử...
Trước thực tế nguồn phóng xạ Co-60 tại Nhà máy luyện phôi thép-Chi nhánh
công ty Cổ phần thép Pomina, tại Khu công nghiệp Phú Mỹ, huyện Tân
Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bị thất lạc, Bộ Khoa học và Công nghệ và Cục
An toàn bức xạ và hạt nhân đã có công văn gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà
Rịa-Vũng Tàu triển khai ngay các biện pháp tìm kiếm, thu hồi nguồn phóng
xạ.
Đồng thời, đoàn chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng mang theo
nhiều thiết bị hỗ trợ truy tìm nguồn phóng xạ nhưng đến nay vẫn chưa tìm
thấy.
Liên quan đến vấn đề này, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cũng vừa có
công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo về thực trạng nguồn phóng xạ bị
mất. Đánh giá sơ bộ nguồn phóng xạ cho thấy ở khoảng cách 10cm, nguồn
phóng xạ có thể gây ra suất liều chiếu ngoài là 2,5mSv/h, trong khi mức
cho phép với người bình thường trong một năm chỉ là 1mSv, điều này cho
thấy việc tìm kiếm và thu hồi nguồn phóng xạ rất quan trọng.
Ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ Khoa
học và Công nghệ cho rằng, là cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ
hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có trách nhiệm phối hợp với địa
phương và các cơ quan liên quan trong việc cảnh báo mức độ nguy hiểm
cũng như truy tìm nguồn phóng xạ thất lạc, hạn chế tối đa mức độ nguy
hiểm do nguồn phóng xạ gây ra.
Tuy nhiên, phải khẳng định việc mất hay để thất lạc nguồn phóng xạ thuộc
về trách nhiệm chủ đơn vị quản lý nguồn phóng xạ, bởi việc quản lý
nguồn phóng xạ từ lúc nhập khẩu, vận chuyển, đưa lắp đặt hay lưu giữ
trong kho đều được cấp phép và quy định rõ ràng.
Do đó, đơn vị quản lý không chặt chẽ, không nhận thấy tầm quan trọng của
nguồn phóng xạ cũng như không hướng dẫn, tuyên truyền, bồi dưỡng chuyên
môn nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp thì việc mất nguồn phóng xạ là không
tránh khỏi.
Ông Vương Hữu Tấn cho rằng, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước
trong lĩnh vực an toàn bức xạ và hạt nhân, cơ quan quản lý có làm chặt
chẽ đến đâu cũng không thể quản lý hết hay lúc nào cũng đủ nhân lực để
trực tiếp theo dõi quản lý các cơ sở được cấp phép sử dụng nguồn phóng
xạ mà đơn vị sử dụng nguồn phóng xạ phải thực hiện và chịu trách nhiệm
theo quy định.
Tuy nhiên, thực tế việc mất nguồn phóng xạ hay không tìm thấy nguồn
phóng xạ bị thất lạc là việc không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà đã xảy ra
tại nhiều nước trên thế giới. Theo đó, việc không thu hồi hay tìm thấy
nguồn phóng xạ bị thất lạc thì đơn vị quản lý sẽ bị xử phạt vi phạm hành
chính theo quy định tại Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh
vực năng lượng nguyên tử.
Đặc biệt, Việt Nam chưa có luật bồi thường nếu cá nhân bị nhiễm xạ do
mất hay thất lạc nguồn phóng xạ gây ra, điều này đang được Cục đề xuất,
xây dựng và hoàn thiện trong thời gian tới.
Cũng theo ông Vương Hữu Tấn, việc mất nguồn phóng xạ xảy ra tại Nhà máy
luyện phôi thép-Chi nhánh Công ty Cổ phần thép Pomina, tỉnh Bà Rịa-Vũng
Tàu hay vụ việc nguồn phóng xạ Iradium ở quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí
Minh thất lạc vào tháng 9/2014 vừa qua cho thấy cần thúc đẩy triển khai
dự án thí điểm thiết lập Hệ thống định vị nguồn phóng xạ (RADLOT), ứng
dụng công nghệ trong kiểm soát an ninh nguồn phóng xạ.
Dự án này đang được các cấp có thẩm quyền của các bên xem xét để cho
phép thực hiện trong năm 2015. Nếu được thực hiện, dự án sẽ tăng cường
được cơ chế kiểm soát an ninh, an toàn đối với công tác quản lý các
nguồn phóng xạ dùng trong chụp ảnh phóng xạ công nghiệp tại Việt Nam ./.
(TTXVN)