Năm 2022, công tác phổ biến và tập huấn về các Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) tiếp tục được triển khai.
Ở các địa phương, đã có 175 hội nghị, hội thảo và tập huấn được tổ chức, giảm khoảng 103 so với năm 2021. Trong đó, số lượng đối với Hiệp định CPTPP là 82 hội nghị, EVFTA là 56 hội nghị và UKVFTA là 37 hội nghị. Khi tổ chức, các địa phương khi tổ chức thường kết hợp tuyên truyền chung cho các FTA, đặc biệt là Hiệp định CPTPP và EVFTA, chứ ít tổ chức riêng cho một FTA cụ thể. Ngoài ra, có khoảng 21/63 tỉnh, thành không tổ chức hoạt động phổ biến và tập huấn về các FTA.
Ở cấp Trung ương, đã có 189 hội nghị, hội thảo và tập huấn được tổ chức, tăng khoảng 64 hội nghị so với năm 2021. Trong đó, số lượng đối với Hiệp định CPTPP là 165 hội nghị, EVFTA là 20 hội nghị và UKVFTA là 10 hội nghị. Số lượng tăng nhiều như vậy chủ yếu đến từ Ngân hàng Nhà nước với 146 khóa tập huấn chung cho các FTA. Ngoài ra, chỉ có 8/22 Bộ, ngành có hoạt động phổ biến và tập huấn về các FTA.
Năm 2023, thay vì tổ chức các hội nghị, hội thảo hỗ trợ doanh nghiệp, tận dụng ưu đãi từ các FTA, Bộ Công Thương đã tập trung tổ chức Hội thảo trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các doanh nghiệp trong một số ngành hàng trọng điểm của từng tỉnh, thành phố như Cần Thơ (thủy sản), Hải Phòng (Da giầy), Tiền Giang (Dệt may, Thủy sản), Nghệ An (Dệt may), Đắk Lắk (Cà phê), Lai Châu (Chè), Lào Cai (Quế), Yên Bái (Gỗ và các sản phẩm từ gỗ), …, Từ đó, tìm hiểu rõ khó khăn, thách thức của các chủ thể để xây dựng và thực hiện Kế hoạch vận hành Hệ sinh thái tận dụng FTA cho từng ngành hàng tại từng tỉnh, thành phố, giúp nâng cao khả năng tham gia của các chủ thể trong quy trình xuất khẩu hàng hóa, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận thị trường các nước FTA.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị thường niên đánh giá tình hình thực thi FTA thế hệ mới cho Sở Công Thương 63 tỉnh, thành phố vào tháng 10/2023 tại Hồ Chí Minh nhằm trao đổi các vấn đề vướng mắc, thống nhất định hướng phối hợp đồng bộ với các tỉnh, thành phố về cách thức nâng cao hiệu quả thực thi FTA trong năm tiếp theo. Theo đó, có việc cần thống nhất phương pháp thống kê số liệu về đầu tư, xuất nhập khẩu cũng như cơ chế chia sẻ, cung cấp thông tin về các số liệu này cho các địa phương với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, cần chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp dành riêng cho các doanh nghiệp tận dụng FTA, cần kế hoạch tuyên truyền tổng thể, ...
Trong khuôn khổ ASEAN, Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công thương) cũng tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, hướng dẫn các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức liên quan tận dụng các ưu đãi, cam kết để khai thác cơ hội xuất khẩu theo các FTA mà Việt Nam đang tham gia.
Cụ thể, Vụ đã tổ chức Hội thảo “Giới thiệu Cộng đồng Kinh tế ASEAN và các hiệp định thương mại tự do trong khuôn khổ ASEAN mà Việt Nam tham gia” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 13, 14 tháng 10 năm 2023. Tại Hội thảo, các doanh nghiệp tham dự đã được tìm hiểu về tổng quan Cộng đồng Kinh tế ASEAN và các cam kết về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư trong các FTA của ASEAN. Đồng thời, các doanh nghiệp đã được hướng dẫn cách để sử dụng các nền tảng số (ví dụ như: Cổng thông tin dữ liệu thương mại Việt Nam – VNTR, Cổng thông tin dữ liệu thương mại ASEAN – ATR; Cổng tra cứu thuế quan ASEAN – ASEAN Tariff finder...) để tra cứu các thông tin cần thiết, phục vụ cho việc hoạch định chiến lược kinh doanh, xuất khẩu để tận dụng tốt hơn các FTA trong khuôn khổ ASEAN.
Bên cạnh đó, Vụ chính sách thương mại Đa biên cũng cập nhật thường xuyên các thông tin báo chí về các hoạt động của Lãnh đạo Bộ trong khuôn khổ các Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Hội nghị Cấp cao ASEAN trên Cổng thông tin của Bộ Công Thương và Cổng thông tin dữ liệu thương mại Việt Nam – VNTR. Trong thời gian tới, Vụ sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền thường niên với mục tiêu phổ biến rộng rãi các ưu đãi, cam kết để khai thác cơ hội xuất khẩu theo các FTA mà Việt Nam đang tham gia trong khuôn khổ ASEAN tới các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức liên quan.
Trong năm 2022, Bộ Công Thương đã xây dựng và đăng tải 58 video ngắn được thiết kế trực quan và sinh động dựa trên thông tin cung cấp từ các chuyên gia đã từng trực tiếp tham gia đàm phán Hiệp định, cụ thể 20 video về Hiệp định CPTPP, 25 video về EVFTA và 13 video về UKVFTA.
Về nội dung, các clip này được xây dựng không chỉ diễn giải các cam kết về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư mà còn đi sâu vào từng ngành hàng, dịch vụ cụ thể, các cam kết về lao động, môi trường, và cả các nội dung khác đang rất được quan tâm hiện nay. Bên cạnh đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng và đăng tải trên website một số video ngắn về các cam kết lao động trong EVFTA và những nội dung liên quan Bộ luật lao động 2019, cam kết về lao động và cơ chế thực thi trong EVFTA.
Bộ Công Thương cũng biên soạn và xuất bản hàng loạt các ấn phẩm trực tuyến về Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEP trong các lĩnh vực, ngành hàng, thị trường cụ thể, bao gồm Yếu tố lao động và môi trường trong Hiệp định CPTPP: Những vấn đề cần lưu ý; Hướng dẫn nhập khẩu từ thị trường CPTPP vào Việt Nam, Yếu tố Phát triển bền vững trong Hiệp định EVFTA và UKVFTA: Những vấn đề cần lưu ý; Hướng dẫn nhập khẩu từ thị trường EU vào Việt Nam, Hướng dẫn xuất khẩu vào thị trường UK từ Việt Nam, v.v..
Tính từ ngày 1/1/2022 đến ngày 24/10/2022 đã có 42.680 tin, bài trên báo chí điện tử thông tin liên quan đến các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực. Trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, báo chí đã thông tin về ưu đãi của các FTA và lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam từ các ưu đãi trong FTA, qua đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh và thực thi cam kết. |
Bộ Công thương triển khai và vận hành Cổng thông tin điện tử quốc gia về Hiệp định Thương mại Tự do (FTAP) tại địa chỉ https://fta.gov.vn/: Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang tiếp tục nâng cấp Cổng thông tin điện tử này, trong đó tập trung xây dựng và phát triển để FTAP trở thành một cổng giao diện trực tuyến duy nhất. Trên Cổng thông tin, có các nội dung mà doanh nghiệp, người dân cần đến như: hệ thống tra cứu cam kết trực tuyến về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư; quy định về yêu cầu mặt hàng; quy tắc xuất xứ; thông tin thị trường; các cam kết phi truyền thống như lao động, môi trường; cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; dữ liệu thống kê; các khóa đào tạo trực tuyến; câu chuyện thực tế của doanh nghiệp; các ấn phẩm và các bài phân tích chuyên sâu để phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước cộng đồng doanh nghiệp và người dân, nhằm nâng cao hiệu quả tận dụng các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia.
Bộ Công Thương cũng phối hợp với các thành viên Tổ công tác liên Bộ triển khai thực hiện Đề án FTA Index xây dựng Bộ tiêu chí và điều kiện đối với đơn vị được lựa chọn để triển khai Đề án FTA Index và đang triển khai các công việc liên quan để thực hiện Đề án này.
Về việc thiết lập đầu mối thông tin về các FTA, Bộ Công Thương tiếp tục chủ trì đảm nhiệm, thúc đẩy và làm tốt vai trò là đơn vị tiếp nhận và trả lời các câu hỏi từ các cơ quan quản lý cấp địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân liên quan đến Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEP. Tính cho đến nay, Bộ Công Thương đã nhận được 9 câu hỏi (thông qua đường thư điện tử) và hàng loạt yêu cầu giải thích chính thức (thông qua đường công văn) trong năm 2022 và 2023. Các vướng mắc chủ yếu của các doanh nghiệp và người dân liên quan tới việc hiểu và thực thi các cam kết của các Hiệp định này có nhiều nội dung phức tạp, đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên trách có chuyên môn sâu thường trực hỗ trợ cho các cơ quan quản lý cấp địa phương cũng như doanh nghiệp hiểu và thực thi đúng các cam kết này.
Về việc củng cố mạng lưới, tăng cường năng lực và đẩy mạnh công tác thông tin, dự báo thị trường xuất nhập khẩu, thị trường trong nước, Bộ Công Thương tiếp tục duy trì việc yêu cầu hệ thống Thương vụ tăng cường nghiên cứu thị trường nước sở tại thông qua các báo cáo định kỳ, đột xuất để cập nhật thị trường CPTPP, EVFTA và UKVFTA, từ đó đưa ra những nhận định và phân tích chuyên sâu phục vụ cho việc dự báo. Nội dung thông tin mà hệ thống Thương vụ cung cấp bao gồm chính sách xuất nhập khẩu của các nước CPTPP, EU và UK, các yêu cầu kỹ thuật, vấn đề pháp lý, các biện pháp phòng vệ thương mại, xác minh nguồn hàng, đối tác v.v. .
Bên cạnh đó, các Thương vụ Việt Nam tại các địa bàn trong khuôn khổ các Hiệp định đã chủ động phổ biến, giới thiệu về các hiệp định, cũng như các ưu đãi, lợi thế so sánh của hàng hóa Việt Nam trong các FTA này tới các cơ quan hữu quan, cộng đồng doanh nghiệp, người dân tại sở tại thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, hội nghị, hội thảo chuyên ngành.
Nguyễn Thanh Nga - Vũ Hồng Ngọc