Nghị định 09 có hiệu lực thi hành từ ngày 15-3-2016 và lộ trình bắt buộc áp dụng là sau 1 năm đối với muối tăng cường i-ốt (muối i-ốt) và 2 năm đối với dầu ăn tăng cường vitamin A (dầu ăn vitamin A) và bột mỳ tăng cường sắt, kẽm (bột mỳ sắt, kẽm). Tiếp theo Nghị định 09, Chính phủ ban hành Nghị định 40/2017/NĐ-CP (Nghị định 40), trong đó quy định: “Muối thực phẩm là muối được bổ sung tăng cường vi chất i-ốt dùng để ăn trực tiếp và dùng trong chế biến thực phẩm”.
Nghị định 09 được coi là một trong những giải pháp tích cực của Chính phủ nhằm khắc phục kịp thời các thiếu sót trong chính sách vĩ mô về tăng cường vi chất dinh dưỡng cho con người. Đây cũng chính là giải pháp có nhiều ưu điểm, được nhiều nước áp dụng, kể cả những nước tiên tiến và có nền khoa học tiến bộ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới - WHO, hiện có 3 giải pháp cơ bản tăng cường vi chất dinh dưỡng cải thiện sức khỏe người dân: 1) Tăng cường vi chất dinh dưỡng qua thực phẩm có giá thành chi phí thấp nhất, dễ sản xuất và dễ áp dụng cho cộng đồng. 2) Bổ sung vi chất dinh dưỡng bằng đường uống, có thể khắc phục bền vững tình trạng thiếu vi chất, nhưng giá thành cao, rất khó khăn đối với người dân, nhất là dân nghèo, nếu không được nhà nước chi trả. 3) Bổ sung vi chất bằng đường uống hoặc tiêm, tuy có giá thành thấp hơn, nhưng vẫn là mức chi phí lớn và không tiện lợi cho mọi người dân, đồng thời phải có hệ thống triển khai được đào tạo về chuyên môn đồng bộ.
|
Thực tế cho thấy, con số chi phí cho việc tăng cường vi chất dinh dưỡng qua thực phẩm là rất nhỏ so với các chi phí cho điều trị y tế và chi phí vô hình khác do thiếu vitamin A, sắt, kẽm, i-ốt.
Tác dụng, hiệu quả bảo vệ, cải thiện sức khỏe của vi chất dinh dưỡng:
* I-ốt là một thành phần quan trọng của hormone tuyến giáp, cần cho sự phát triển của cơ thể. Thiếu i-ốt sẽ bị bệnh bướu cổ, đần độn.
* Sắt rất cần thiết trong quá trình tạo huyết sắc tố. Thiếu máu dinh dưỡng là hiện tượng máu không đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để tạo huyết sắc tố, trong đó phổ biến nhất là thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt.
* Kẽm có vai trò quan trọng trong tăng trưởng chiều cao và chức phận miễn dịch.
* Thiếu vitamin A là một trong những bệnh thiếu dinh dưỡng nguy hiểm nhất ở trẻ em, vì nó gây những tổn thương ở mắt mà hậu quả có thể dẫn đến mù, đồng thời thiếu vitamin A làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng và tử vong.
|
Tuy nhiên, từ khi quy định về tăng cường i-ốt vào muối có hiệu lực (tháng 3-2017), một số doanh nghiệp (DN), hiệp hội cho rằng việc thực hiện Nghị định 09 có nhiều bất cập ảnh hưởng đến sản xuất của DN và chất lượng sản phẩm đối với người tiêu dùng. Trong đó, tập trung ở một số điểm: Một là, làm tăng chi phí sản xuất, do giá thành thực phẩm tăng cường vi chất tăng. Hai là, phải đầu tư thay đổi công nghệ, gây khó khăn và nâng giá thành sản xuất. Ba là, i-ốt được tăng cường làm thay đổi cảm quan người dùng đối với thực phẩm chế biến, bị bay hơi trong quá trình chế biến và không có tác dụng tăng cường sức khỏe, ảnh hưởng đến xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam. Bốn là, các DN sẽ “bị” kiểm tra bởi cơ quan chức năng về việc thực hiện Nghị định.
Những ý kiến như trên đã tác động không nhỏ đến việc thực thi Nghị định 09, làm cho việc tăng cường vi chất dinh dưỡng qua thực phẩm gặp nhiều trở ngại, gây ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Các bệnh do thiếu vi chất vẫn tiếp tục gia tăng do chính hành vi và ý thức của con người.
Để giải đáp những khúc mắc trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp đối thoại với các hiệp hội, DN. Bộ Y tế cũng đã nhiều lần đối thoại, giải thích và có văn bản về việc không kiểm tra đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm theo đúng quy định tại Nghị định. Tại một số cuộc làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng (tại Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), lãnh đạo Bộ Y tế cũng đã có giải thích, trả lời cụ thể.
Tuy có những ý kiến trái chiều với Bộ Y tế, nhưng đến nay, các DN, hiệp hội vẫn không đưa ra được bằng chứng khoa học hay thực tiễn về những bất cập.
Khoa học cũng đã chứng minh việc tăng cường i-ốt qua thực phẩm không làm thay đổi cảm quan người dùng. Vi chất i-ốt được tăng cường là KIO3 không màu, không mùi, không bay hơi và có tính bền vững cao ở nhiệt độ đun nấu thông thường, tồn tại tối thiểu 60% sau quá trình chế biến; sắt, kẽm trong bột mỳ cũng hao hụt với tỷ lệ rất thấp (dưới 10% và vẫn có tác dụng cho sức khỏe người dùng.) Đây cũng là kết quả của 34 nghiên cứu khoa học về tác dụng của muối i-ốt, khẳng định, việc sử dụng muối i-ốt không gây ra những thay đổi bất lợi về cảm quan của người tiêu dùng hoặc chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, theo Bộ Y tế, việc tăng cường vi chất theo Nghị định 09 chỉ áp dụng đối với một số loại thực phẩm tiêu dùng trong nước, không áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu; việc kiểm tra DN thực hiện Nghị định số 09 cũng chỉ áp dụng đối với các DN nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh thực phẩm tăng cường vi chất; các DN sản xuất, chế biến thực phẩm khác không thuộc đối tượng kiểm tra. Do vậy, một số hiệp hội, DN cho rằng việc thực hiện Nghị định 09 làm ảnh hưởng xuất khẩu và ảnh hưởng đến các DN sản xuất, chế biến thực phẩm khác là không có cơ sở.
Bên cạnh đó, không chỉ Nghị định 09 mà Nghị định số 40 cũng đã yêu cầu muối dùng để chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt. Điều đó cho thấy việc thực thi Nghi định 09 là khách quan và là đòi hỏi hết sức thiết thực của đời sống hiện nay. Vì thế, khẳng định lại sự cần thiết các DN sản xuất và chế biến thực phẩm phải bắt buộc tăng cường vi chất vào thực phẩm theo quy định của Nghị định 09 là khách quan, khoa học và vì tương lai sức khỏe, nòi giống của người Việt Nam.
VẪN CẦN NHỮNG GIẢI PHÁP TÍCH CỰC
Để Nghị định 09 tiếp tục được thực thi có hiệu quả, các nhà quản lý và các nhà khoa học đều có tiếng nói chung về các giải pháp đưa Nghị định này vào cuộc sống.
Trước hết, tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền đồng bộ, thường xuyên và có chiều sâu từ trung ương đến địa phương, đa dạng các hình thức, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mục đích để các DN và người dân hiểu biết rộng rãi, đầy đủ và có trách nhiệm thay đổi hành vi, nhận thức trong tăng cường vi chất dinh dưỡng qua thực phẩm cũng như sử dụng các loại thực phẩm có bổ sung vi chất. Cần phải trở lại với bài học kinh nghiệm rất thành công trước đây trong công tác tuyên truyền thực hiện Chương trình quốc gia về phòng chống các chứng bệnh do thiếu i-ốt từ năm 1995 đến 2005.
Thứ hai, quá trình triển khai Nghị định 09 phải đảm bảo các nguyên tắc bình đẳng, minh bạch cho các DN khi thực hiện tăng cường vi chất dinh dưỡng qua thực phẩm. Sự quản lý lỏng lẻo đang làm bất bình đẳng đối với các DN thực hiện nghiêm Nghị định 09 với những DN trốn tránh, bao biện. Việc sản xuất, cung ứng và phân phối thực phẩm có bổ sung vi chất cần được thực hiện theo cơ chế thị trường và xã hội hóa toàn dân, nhằm giúp DN vượt qua khó khăn nếu có. Nhà nước tăng cường quản lý chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên và có chế tài xử lý nghiêm khắc theo pháp luật những DN vi phạm hoặc trốn tránh thực thi các quy định của Nghị định 09. Theo đó, cơ quan quản lý thị trường cần thường xuyên kiểm tra quá trình lưu thông, tiêu thụ thực phẩm, nếu phát hiện các nhà phân phối, các đại lý bán lẻ, tiêu thụ thực phẩm không có bổ sung vi chất dinh dưỡng cũng phải xử lý nghiêm.
Ba là, tiếp tục rà soát, đánh giá và không loại trừ việc rút ra những điểm có thể còn bất cập trong Nghị định 09, những điểm chưa phù hợp với thực tiễn sản xuất của DN và người tiêu dùng, tham mưu với Chính phủ để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phù hợp hơn.
Thúc đẩy thực thi Nghị định 09 cũng là góp phần thực hiện một chủ trương lớn của Đảng về “Tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” được Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đề ra; cũng là giải pháp thiết thực nhằm “triển khai các chương trình bổ sung vi chất cần thiết cho người dân, nhất là phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em, và người cao tuổi”, làm cho “mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe... Dân cường thì quốc thịnh”(1) như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dạy./.
____________________
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.4, tr.241.
Phương Vinh