Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 18/2/2009 23:4'(GMT+7)

"Tăng giá điện không phải để chống lỗ cho EVN"

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào

PV: Việc tăng giá điện hiện nay có vô hiệu hoá gói kích cầu của Chính phủ không, thưa ông ?

Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào: Thực ra tác động của tăng giá điện với toàn bộ nền kinh tế tương đối nhỏ, chỉ bằng 0,36% GDP năm 2009 với tổng số tiền thu được từ tăng giá điện năm 2009 là 6.400 tỉ đồng. Vì tác động không lớn như vậy nên các gói kích cầu của Chính phủ vẫn phát huy tác dụng. Việc tăng giá điện yêu cầu các doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động hơn nữa; giảm chi phí đầu vào, trong đó có chi phí về điện. Hiện nay các doanh nghiệp của chúng ta chưa thực sự tiết kiệm điện. Ở các nước khi GDP tăng 1 thì tiêu thụ điện tăng 1 đơn vị hoặc cùng lắm là 1,5 đơn vị nhưng ở Việt Nam khi tăng 1 đơn vị GDP thì tiêu thụ điện tăng gấp 2 đơn vị. Theo khảo sát của Bộ Công Thương chúng tôi, nếu chỉ dừng ở mức hợp lý hoá sản xuất chứ chưa nói tới thay đổi công nghệ mới thì doanh nghiệp của chúng ta đã có thể tiết kiệm từ 8-30% chi phí về điện. Vì thế, các doanh nghiệp cũng không nên lợi dụng tăng giá điện mà tăng giá thành sản phẩm quá mức thực tế.

Có thông tin cho rằng việc tăng giá điện nhằm chống lỗ cho Tập đoàn điện lực EVN, vậy thực hư vấn đề này như thế nào ?

Mục tiêu chính của điều chỉnh giá điện không nhằm chống lỗ cho EVN mà nhằm đảm bảo cho các đơn vị điện lực trong ngành điện (gồm cả EVN, các đơn vị phát điện độc lập, các đơn vị kinh doanh phân phối điện khác) có được mức lợi nhuận hợp lý, tạo tích luỹ cho phát triển ổn định ngành. Khi tăng giá, các chỉ tiêu tài chính của các đơn vị điện lực cùng được cải thiện, trong đó có EVN. Việc tăng giá là cần thiết không chỉ cho EVN nói riêng mà cho cả ngành điện nói chung bởi giá điện sẽ trở thành tín hiệu thu hút đầu tư vào các công trình điện, đảm bảo cho hệ thống điện có đủ nguồn dự phòng hợp lý, không gây sự cố mất điện, góp phần đảm bảo ổn định cung cấp điện lâu dài với chất lượng ngày càng tăng. Ở các nước tiên tiến, mức dự phòng điện lên tới 20-30% nhưng ở nước ta từ trước tới nay vẫn trong tình trạng "ăn đong", có bao nhiêu dùng bấy nhiêu, nên mới xảy ra tình trạng năm ngoái phải cắt điện nhiều vì thuỷ điện thiếu nước do nước phải sử dụng vào sản xuất nông nghiệp...

Đây có phải là thời điểm hợp lý để tăng giá điện ?

Tôi tin Chính phủ đã lựa chọn rất kỹ. Song song với việc chúng ta đang ở tình trạng giảm phát cần kích thích sản xuất, việc tăng giá điện sẽ buộc các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm năng lượng và chính điều đó làm cho sản xuất phát triển. Còn nhớ năm ngoái khi lạm phát đang tăng rất cao nhưng chúng ta điều chỉnh tăng giá xăng dầu thì lo ngại CPI tăng thêm nữa không thành hiện thực, mà lượng tiêu thụ xăng dầu giảm tới 20% so với năm trước. Điều đó chứng tỏ chúng ta còn một thế mạnh rất lớn là phát huy nội lực của doanh nghiệp, sự đồng thuận của xã hội...

Theo ông, các cơ quan chức năng cần làm gì để tránh tình trạng "té nước theo mưa", tăng giá hàng hoá bất hợp lý ?

Tôi nghe nói ngành hoá chất sẽ tăng giá 10% do giá điện tăng, nhưng điều này là phi lý. Trong khi giá điện cho sản xuất công nghiệp chỉ tăng 6-7% thì tại sao giá thành sản phẩm lại có thể tăng 10% ? Phần điện trong giá thành của các ngành nói chung chỉ trung bình 9-10%, trừ một số ngành như bơm nước, mạ điện thì điện chiếm tới 40-50% giá thành. Vì thế 6-7% của 9-10% thì chỉ ở mức dưới 1% giá thành, làm sao có thể tăng giá tới 10% được ? Vì thế các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, thuế, hải quan, đo lường chất lượng...cần tham gia kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, tránh tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý.

Chúng ta sẽ kiểm tra những mặt hàng nhạy cảm nào vì chúng ta không thể kiểm soát tất cả các mặt hàng ?

Tất cả những mặt hàng chính như sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng, mặt hàng phục vụ nông nghiệp như phân bón, hoá chất... sẽ phải kiểm tra kỹ để tránh lợi dụng. Chẳng hạn như giá taxi vừa qua khi giá xăng dầu lên thì giá cước tăng theo, nhưng nay giá xăng dầu xuống thì giá cước taxi vẫn không xuống hoặc xuống không đáng kể... Mảng dịch vụ cũng phải kiểm tra chặt bởi rất nhiều dịch vụ thường tăng giá một cách vô lối. Thời kỳ giá xăng dầu lên, viên gạch, bát phở tăng gấp đôi...

Việc bán điện ở nông thôn hiện nay được thực hiện thông qua các nhà thầu. Vậy theo quyết định mới hướng quản lý bán điện nông thôn sẽ được thực hiện như thế nào ?

Hiện nay điện nông thôn đã chuyển dần sang điện lực rồi, chỉ còn những vùng nào đang hoạt động tốt có hiệu quả thì tuỳ quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương vẫn để các hợp tác xã làm thì hợp tác xã vẫn làm. Tuy nhiên đến tháng 9 năm nay nếu các "anh" không đảm bảo bán điện theo giá bậc thang như quy định mới của Thủ tướng Chính phủ thì buộc phải bàn giao cho điện lực; còn nếu "anh" vẫn hoạt động tốt, đảm bảo được giá bán điện bậc thang thì chúng tôi vẫn bán buôn, giảm cho các "anh" tổn thất, chi phí quản lý tới 35-40%. "Anh" không có lý do gì bán cho người dùng tới 1.000 đồng/kWh trong 50 kWh đầu.

Xin cảm ơn Thứ trưởng !

(Theo VnMedia)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất