Thứ Sáu, 11/10/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 9/4/2010 9:26'(GMT+7)

Tăng lương tối thiểu: Mừng ít, lo nhiều

Mừng ít, lo nhiều
 
Trước tin lương cơ bản tăng từ ngày 1/5 tới thì nhiều cán bộ, công nhân viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước phấn khởi. Chị Nguyễn Thanh Huyền, cán bộ ngân hàng Nhà nước tâm sự: “Hiện lương của tôi là 4,5 triệu đồng/tháng. Nếu áp dụng lương mới, tôi sẽ được khoảng 5 triệu đồng/tháng. Như vậy, số tiền lương tăng thêm cũng giúp cho tôi trong việc chi tiêu, nhất là khi cái gì cũng tăng giá” .
 
“Đối với giáo viên chúng tôi, việc tăng lương là rất quý. Hiện, lương giáo viên không đủ chi tiêu, chúng tôi thường phải dạy thêm ở các trường ngoài để trang trải cuộc sống”, Chị Hương, giáo viên trường THCS Yên Hòa chia sẻ.
 
Nhưng, việc tăng lương cơ bản không phải ai cũng vui mừng như chị Huyền và chị Hương. Anh Trần Thành Nam, làm việc tại Công ty Vận tải Hà Nội phàn nàn, lương cơ bản tăng nhưng vẫn thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống. “Mỗi khi có thông tin tăng lương cơ bản, giá cả các mặt hàng tiêu dùng đã tăng vù vù, ngay cả tiền học mẫu giáo cho con tôi cũng tăng”, anh Thành nói.
 
Thiệt thòi nhất là những người làm việc cho các doanh nghiệp tư nhân, liên doanh hoặc có vốn đầu tư của nước ngoài. Như chị Nguyễn Thị Hồng, nhân viên kế toán Công ty Cổ phần Thương mại Hà Nội, cho biết: Do là công ty tư nhân nên lương của chị được trả theo thỏa thuận, nhưng vẫn ký hợp đồng lao động trả lương theo hệ số. Lương hàng tháng của chị hiện là ba triệu đồng và giữ nguyên từ khi chị bắt đầu đi làm (tháng cuối năm 2008) cho đến nay. Cũng như mọi lần, lần tăng lương tối thiểu này, lương thỏa thuận của chị đương nhiên giữ nguyên, nhưng chắc chắc cuối tháng sẽ bị trừ thêm vào lương tiền các loại (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, công đoàn...) theo hệ số quy định trong hợp đồng lao động.  “Mỗi lần nghe thông tin tăng lương cơ bản, tôi lại thấy buồn vì cứ như mình làm "chui” vậy”, chị Hồng chia sẻ.
 
Lương tối thiểu còn thấp
 
Theo quy định của Bộ luật Lao động, mức lương tối thiểu chung là mức lương tối thiểu để trả công cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường. Mức lương tối thiểu chung được điều chỉnh tùy thuộc vào mức tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá sinh hoạt và cung cầu lao động theo từng thời kỳ.
 
Thực tế, bà Phạm Thị Lan Hương, Trưởng ban Hội nhập kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, hiện chính sách tiền lương chưa hoàn thiện, mức lương tối thiểu hiện nay mới chỉ đáp ứng khoảng 60-65% nhu cầu cuộc sống và thấp hơn mức lương trả trên thị trường. Do đó, mức lương này không bảo đảm cho người lao động bù đắp sức lao động giản đơn.
 
Theo bà Hương, tiền lương tối thiểu của Việt Nam thấp, nhiều doanh nghiệp dựa vào đó để trả lương cho người lao động, chưa dựa trên năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc, đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nghịch lý: Trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam còn khá cao thì nhiều doanh nghiệp vẫn không thể tuyển đủ lao động phổ thông, mất lao động. 
 
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, ông Phạm Minh Huân cho biết, việc tăng lương tối thiểu cho công chức, viên chức là cần thiết nhưng quy định về lương tối thiểu của nhà nước hiện đang ở mức thấp. Lương công chức thấp đã kéo theo nhiều hệ lụy: Người tài bỏ cơ quan nhà nước ra làm việc cho tư nhân, trình độ đội ngũ công chức ở nhiều địa phương vênh nhau. Bên cạnh đó, lương thấp sinh ra tệ nạn công chức nhằm vào “bổng” nhiều hơn vào lương, (Theo báo cáo phát triển Việt Nam năm 2010 của Ngân hàng Thế giới cho biết lương ở khu vực nhà nước chỉ chiếm 30% trong tổng số lương, tiền thưởng và trợ cấp, 70% còn lại là “bổng”, tức lương thấp hơn “bổng” tới 40%) 
 
Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề cần lưu ý là không để xảy ra việc té nước theo mưa, không để tăng giá dịch vụ, nếu không sẽ không bù lại được việc tăng lương cơ bản. Các cơ quan chức năng cần quản lý yếu tố tăng giá, tăng tỷ lệ lạm phát, bảo vệ đời sống cho người lao động./.

Minh Hải - VnMedia

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất