Thứ Ba, 1/10/2024
Cuộc sống số
Thứ Sáu, 11/9/2009 10:55'(GMT+7)

Tăng lượng và chất kỹ sư phần mềm nhúng

Ông Yukiya Higashi, Tổng giám ðốc Panasonic R&D Center Việt Nam

Ông Yukiya Higashi, Tổng giám ðốc Panasonic R&D Center Việt Nam

Từ tháng 9/2006, Panasonic R&D Center Việt Nam (PRDCV) đã cùng với trường ĐH Bách Khoa Hà Nội (BKHN) triển khai một số chương trình hợp tác nghiên cứu và phát triển phần mềm nhúng (PMN). Tháng 7/2007, hai bên đã cùng nhau đưa ra khóa đào tạo Kỹ sư PMN đầu tiên tại trường này. Khóa học do Panasonic tài trợ, gọi tắt là P-Class. Mục đích của P-Class là đào tạo các kỹ sư tài năng trong lĩnh vực PMN. Trong 3 năm 2007 - 2008 - 2009, ĐHBKHN và PRDCV đã tổ chức 3 khóa học và đào tạo được hơn 100 sinh viên.

Tiến sĩ Nguyễn Cảnh Lương, Phó Hiệu trưởng trường ĐHBKHN cho biết: “Khóa đào tạo P-Class có ý nghĩa rất quan trọng trong việc gắn công tác đào tạo của trường với thực tế nghiên cứu và sản xuất của một trong những tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới. Được tuyển chọn vào lớp P-class thực sự là một cơ hội tốt cho các kỹ sư tương lai của ĐHBKHN”.

Để hiểu sâu hơn về tiềm năng của thị trường PMN cũng như công việc đào tạo các kỹ sư PMN tại trường ĐHBKHN, Tạp chí TGVT đã có cuộc trao đổi với ông Yukiya Higashi, Tổng giám đốc PRDCV bên lề lễ bế giảng khóa đào tạo P-Class năm 2009:

Xin ông cho biết các ứng dụng của PMN?

PMN là tập hợp chỉ dẫn vi mã số của bộ vi xử lý (mức đơn giản) hoặc là PM an ninh nằm trong bộ modem thu tín hiệu cáp (mức phức tạp). PMN thực hiện một chức năng cụ thể không theo điều khiển của người dùng và thường được sử dụng trong liên kết với một máy xử lý tín hiệu kỹ thuật số và các thiết bị tín hiệu hỗn hợp để tạo thành một giải pháp DSP (Digital Signal Processing - xử lý tín hiệu số). PMN thường được ứng dụng trong các thiết bị điều khiển, định hướng cho ô tô, ĐTDĐ, đồ điện tử gia dụng, thiết bị y tế, điện tử hàng không…

Một hệ thống nhúng là một hệ thống máy tính chuyên dụng được thiết kế để thực hiện một hoặc một vài chức năng chuyên biệt, thường kèm theo những đòi hỏi về tính toán thời gian thực. Những hệ thống này thường được nhúng vào như một phần của một thiết bị hoàn thiện bao gồm cả phần cứng và các bộ phận cơ học.

Ông đánh giá thế nào về việc phát triển PMN tại Việt Nam?

Phát triển PMN vẫn còn là một lĩnh vực mới mẻ ở Việt Nam. Hiện có rất ít kỹ sư PMN có kinh nghiệm. Tuy nhiên lại có nhiều kỹ sư trẻ đầy tiềm năng đang khát khao hoàn thiện bản thân. Chúng tôi mong muốn họ sẽ nhanh chóng cải thiện các khả năng của mình sau khi tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Hiện nay ngày càng có nhiều đòi hỏi của thị trường về phát triển PMN và những thay đổi về tính năng kỹ thuật của sản phẩm cần rất nhiều lao động. Nếu bắt kịp và đáp ứng được những yêu cầu thị trường đó, cung cấp sản phẩm đầu ra không chỉ đạt khối lượng mà cả chất lượng, thì Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển hàng điện tử tiêu dùng kỹ thuật số.

Các khóa học P-Class mang lại những kiến thức gì về PMN cho các kỹ sư trẻ Việt Nam?

Khóa học này không chỉ giảng dạy về một công đoạn nào đó như lập trình hay thiết kế mà còn hướng dẫn toàn bộ quá trình phát triển PM như: kiểm chứng đặc tả, vẽ thiết kế, thực thi, kiểm định, bảo trì, viết và trình bày báo cáo. Tất cả các công đoạn đó được thực hiện bởi các nhóm nhỏ gồm 4 - 5 thành viên. Hình thức này cũng góp phần khuyến khích các sinh viên tăng cường tính hợp tác, cách làm việc theo nhóm và kỹ năng giải quyết vấn đề. Cuối cùng, họ có thể trải nghiệm được một dự án thực hành trong môi trường tương tự như trong một trung tâm phát triển PM thực.

PRDCV đã mời các chuyên gia của tập đoàn trực tiếp sang Việt Nam làm giảng viên chính với sự hỗ trợ của các giảng viên của ĐHBKHN. Khóa học sử dụng giáo trình, giáo cụ và các thiết bị do Panasonic cung cấp. Trong năm 2009, Panasonic tiếp tục hỗ trợ chương trình này, với giáo cụ mới là bộ vi xử lý 32 bit để chuyển giao công nghệ tiên tiến hơn cho sinh viên Việt Nam.

Theo chúng tôi, đây là những nội dung vô cùng cần thiết nhưng chưa được giới thiệu nhiều trong chương trình của trường ĐH. Chúng tôi mong rằng lớp học sẽ là một trong những hành động thiết thực trong quá trình chuyển giao công nghệ và nội địa hóa nguồn nhân lực cho Việt Nam.

Panasonic có kế hoạch tiếp nhận các học viên tốt nghiệp P-Class?

Lễ bế giảng lớp đào tạo P-Class nãm 2009 với 30 sinh viên tốt nghiệp.

PRDCV có kế hoạch tiếp nhận các sinh viên tốt nghiệp P-Class với thành tích xuất sắc đến thực tập tại Công ty. Việc tuyển dụng còn tùy thuộc vào kế hoạch kinh doanh hàng năm cũng như vị trí mà chúng tôi sẽ cần. Vì PM là ngành công nghiệp của nhân sự, của con người, nên việc phát triển chất lượng nhân sự luôn là mối quan tâm hàng đầu của công ty chúng tôi. Trong công tác tuyển dụng nhân sự, PRDCV quan tâm đến nhân sự có tiềm năng,năng động, sáng tạo trong suy nghĩ và có tinh thần ham học hỏi, có tầm nhìn xa, trông rộng hơn là công nghệ mà họ đã học được. Sự kiên trì và tận tâm trong công việc là những phẩm chất quan trọng quyết định sự thành công của các kỹ sư làm trong ngành PMN. Để trở thành một kỹ sư lành nghề trong lĩnh vực này, các kỹ sư phải thực sự tôi luyện trong khoảng thời gian tối thiểu là 5 năm. Kỹ sư PM của Việt Nam cần đầu tư nhiều thời gian, công sức hơn nữa để nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng trong công việc. Lúc đó, họ mới có thể chứng tỏ rằng họ có đủ khả năng hiểu và nắm bắt những vấn đề công nghệ phức tạp và khách hàng có thể tin tưởng giao cho họ những phần việc có hàm lượng chất xám với giá trị kinh tế cao.

Ông đánh giá thế nào về nguồn nhân lực của Việt Nam nói chung và dự báo về nguồn nhân lực trong lĩnh vực PMN?

Chúng tôi không thể đưa ra con số chính xác về nhu cầu thị trường về kỹ sư PMN trong thời gian tới nhưng chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng nhu cầu này đã, đang và sẽ tăng cao trong tương lai không xa. Tuy nhiên, có một hiện tượng tại Việt Nam hiện nay là nhân sự trong ngành công nghiệp PM thường nhảy việc với tỷ lệ cao cùng với tình trạng kỹ sư PM thiếu sự tận tâm với công việc. Điều này có thể sẽ làm mất đi niềm tin và sự mong đợi của khách hàng, ảnh hưởng rất lớn đến các quyết định đầu tư, thậm chí có thể là một trở ngại cho sự mở rộng và phát triển của ngành công nghiệp này./.

Theo cucosongso

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất