Chủ Nhật, 24/11/2024
Pháp luật
Thứ Hai, 17/6/2013 10:48'(GMT+7)

Tăng mức phạt, đưa “mắt thần” giám sát giảm tai nạn

Ngoài nâng mức phạt bổ sung, cần giám sát vi phạm của tài xế qua hộp đen. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ngoài nâng mức phạt bổ sung, cần giám sát vi phạm của tài xế qua hộp đen. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Nhằm đối phó với thực trạng đáng báo động về các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian qua, đại diện các cơ quan chức năng và nhiều địa phương đều nêu quan điểm cần tăng nặng thêm các hình phạt bổ sung. Đặc biệt, đối với những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng sẽ có hình phạt tước và thu hồi giấy phép lái xe vĩnh viễn để răn đe tài xế.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, việc tước giấy phép lái xe không hề đơn giản và nhanh nhất cũng phải vài năm tới mới thực hiện được, bởi cần phải sửa rất nhiều luật.

“Trong thời gian chưa sửa được luật thì cơ quan chức năng đã có phương án giải quyết câu chuyện quản lý lái xe, xử phạt vi phạm thông qua thiết bị giám sát hành trình (hộp đen),” ông Hiệp cho biết.

Tăng mức phạt, lái xe vẫn “liều mình”

Ông Hiệp cho biết, hiện nay, các Nghị định 34 và 71 của Chính phủ đều đã điều chỉnh và nâng mức phạt cao. Tuy nhiên, do lợi nhuận và việc khoán doanh thu, nhiều lái xe vẫn “liều mình” vi phạm đi sai làn đường, chạy quá tốc độ… trên mỗi hành trình.

Tại Hội nghị trực tuyến về công tác đảm bảo trật tự An toàn giao thông 5 tháng đầu năm 2013, Trung tướng Phạm Quý Ngọ kiến nghị Chính phủ cần sớm sửa đổi Nghị định 34 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

“Ngoài xử phạt tiền cần tăng hình phạt bổ sung so với hiện tại như: cần áp dụng hình phạt tước giấy phép lái xe có thời hạn, trong một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng có thể tước bằng lái vĩnh viễn,” Trung tướng Phạm Quý Ngọ kiên quyết.

Thừa nhận chế tài Luật giao thông phải được tiếp tục nghiên cứu xem xét, điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn để quản lý chặt chẽ đồng thời nâng cao ý thức người thực thi công vụ, ý thức đạo đức của người lái xe, ông Hiệp cho rằng, xử phạt vi phạm bằng tiền có thể tăng nhưng cũng không đủ sức răn đe lái xe mà cần phải có thêm các hình phạt bổ sung.

Theo ông Hiệp, Luật giao thông chỉ có thời gian thu giữ giấy phép lái xe lâu nhất là 2 năm. Đối với những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, cơ quan chức năng cần phải thu hồi bằng lái vĩnh viễn, bởi lái xe gây tai nạn sẽ bị ám ảnh và khi cầm lái tâm lý luôn lo sợ, hoang mang khi đi đường.



Cảnh sát giao thông kiểm tra xe khách vi phạm. (Ảnh: TTXVN)

Ông Hiệp cũng đưa ra sự so sánh, ở nước ta, lái xe uống rượu bia gây tai nạn bị phạt mức cao nhất là 15 triệu đồng. Cũng hành vi đó, tại Trung Quốc, người điều khiển phải chịu thêm hình thức phạt bổ sung đi tù 6 tháng.

“Khi góp ý dự thảo sửa đổi Luật xử lý vi phạm hành chính đường bộ đường sắt của Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã kiến nghị đề xuất cấm hành nghề vĩnh viễn lái xe gây tai nạn nghiêm trọng, nhưng Tổ soạn thảo của Bộ Giao thông lại không đồng tình vì điều đó là vi phạm Luật Lao động,” ông Hiệp cho hay.

Tuy nhiên, ông Hiệp cũng lo ngại việc tước giấy phép lái xe, không cho hành nghề sẽ vướng đến việc sửa đổi Luật giao thông vốn không hề đơn giản và cần có sự góp ý, đồng tình của các Bộ, ban ngành và người dân.

“Việc nâng mức phạt vi phạm chủ yếu dựa nhiều vào quá trình tuần tra, kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông xử phạt qua các biên bản vi phạm. Lực lượng này mỏng nên vi phạm nhiều mà xử lý ít, thậm chí có tác động từ chính người thực thi công vụ can thiệp nên vẫn để ‘lọt’,” ông Hiệp bày tỏ chính kiến.

Ngoài ra, ông Hiệp cũng chỉ rõ, xu thế trên thế giới là không thể tăng mãi lực lượng Cảnh sát giao thông hay nhân viên tuần đươờng. Việc áp dụng các công nghệ hiện đại vào tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm đóng vai trò rất quan trọng. Ủy ban An toàn giao thông đã có văn bản đề xuất một số đơn vị tính toán nghiên cứu thí điểm ở một số đoạn quốc lộ, đường ngang đường sắt để phát hiện vật cản, hỏng hóc bất thường, xử lý vi phạm thì chắc chắn hành vi vi phạm và tai nạn giao thông sẽ giảm.

Doanh nghiệp vận tải “sợ” hộp đen

Để hạn chế tai nạn xe khách, một trong những biện pháp hữu hiệu mà đại diện Hiệp hội Vận tải, các cơ quan chức năng đều kiến nghị, là phải dùng hệ thống camera quan sát và thiết bị giám sát hành trình nhằm “quản” lái xe và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc này muốn thật sự hiệu quả, Nhà nước phải đứng ra phải quản lý hệ thống camera và thiết bị giám sát giúp cho việc xử lý các vi phạm một cách khách quan.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, để ngăn chặn nguy cơ gây tai nạn từ xe khách, cũng như xe tải trong quá trình tham gia giao thông, từ ngày 1/7 tới đây, 48.000 xe nằm trong diện bắt buộc lắp hộp đen sẽ được kiểm soát chặt bằng cách xử phạt.

“Đơn vị vận tải nào có lái xe vi phạm quá 30% lỗi thông qua việc trích xuất dữ liệu từ hộp đen thì doanh nghiệp đó cũng sẽ bị tước giấy phép kinh doanh,” ông Hiệp khẳng định.

Hơn nữa, ông Hiệp cũng nhìn nhận, qua hộp đen, người lái xe sẽ bị giám sát 24/24 giờ, kiểm soát được toàn bộ tốc độ chạy xe, số lần dừng đỗ, số lần mở cửa, thời gian mở cửa… để tuân thủ quy định pháp luật giao thông. Như vậy, lực lượng chức năng có thể kiểm soát được điều kiện an toàn giao thông tốt hơn qua việc trích xuất dữ liệu.

“Trong tương lai, chúng ta phải lắp thiết bị giám sát hành trình trên tất cả các ôtô. Nếu làm và quản lý được thì chắc chắc vấn đề tai nạn giao thông thảm khốc sẽ giảm đến mức tối thiểu,” ông Hiệp khẳng định.

Đặt câu hỏi đến việc, hiện chưa có quy định công nhận dữ liệu hộp đen là căn cứ để xử phạt vi phạm, ông Hiệp quả quyết, về mặt quản lý phương tiện kinh doanh vận tải thì các Sở Giao thông Vận tải có thể sử dụng thông tin từ hộp đen để xử lý vi phạm, cấp hay không cấp phù hiệu và nặng nhất là tước giấy phép kinh doanh vận tải.

“Doanh nghiệp hoạt động dựa trên lợi ích. Một khi không có giấy phép chạy tuyến sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và sẽ kéo theo cả lái xe nghỉ việc. Do đó, giải pháp lắp hộp đen và trích xuất dữ liệu từ thiết bị này sẽ giúp doanh nghiệp, lái xe điều khiển lại hành vi và chấp hành pháp luật tốt hơn,” ông Hiệp bộc bạch.

Tuy nhiên, nhiều cơ quan chức năng cho rằng, điểm mấu chốt để có một giải pháp bền vững lại phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người lái xe, về phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe tốt.

“Xét tất cả biện pháp đồng bộ, chúng ta vẫn cần tập trung vào vấn đề con người. Vấn đề con người phải là hàng đầu, trong đó, sức khỏe và ý thức là quan trọng nhất. Còn kiểm soát và xử phạt chỉ là một trong những giải pháp để chúng ta nâng cao ý thức của người lái và loại bỏ những người có đạo đức nghề nghiệp quá kém ra khỏi đội ngũ những người lái xe. Việc làm này cũng chính là nâng cao chất lượng, phẩm chất đạo đức của cánh tài xế,” ông Hiệp chia sẻ.

Trong khi cơ quan chức năng đang vào cuộc một cách “quyết liệt” thì những vụ tai nạn thảm khốc vẫn xảy ra liên tục, gây tâm lý bất an cho xã hội. Thực tế này đã  gióng lên hồi chuông báo động trong cộng đồng. Và, với mỗi hành khách ngồi trên xe, hành trình vượt qua các tuyến đường “tử thần” vẫn thường trực là nỗi lo muôn thuở./.

Việt Hùng (Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất