Thứ Tư, 27/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 4/6/2014 22:36'(GMT+7)

Tăng quản lý nhà nước về hoạt động hàng không dân dụng

Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Nguyễn Thái Học phát biểu ý kiến. (Ảnh Doãn Tấn/TTXVN)

Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Nguyễn Thái Học phát biểu ý kiến. (Ảnh Doãn Tấn/TTXVN)


Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch

Luật Đầu tư được Quốc hội thông qua năm 2005 trên cơ sở hợp nhất Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước. Việc ban hành luật này là một bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, một số quy định của Luật đầu tư còn tồn tại những hạn chế về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng; chính sách bảo đảm đầu tư; lĩnh vực cấm đầu tư, các quy định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài...

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế; bảo đảm tính đồng bộ với các luật liên quan, phù hợp với yêu cầu hội nhập, thông lệ quốc tế và các cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường và tự do hóa đầu tư.

Tán thành với những mục tiêu và quan điểm xây dựng Luật đầu tư (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng để Luật Đầu tư (sửa đổi) thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tạo sức hấp dẫn, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, dự án Luật cần có các quy định mới không thấp hơn quy định về đầu tư so với các nước trong khu vực đồng thời, bảo đảm nâng cao quản lý nhà nước về đầu tư; làm rõ những lĩnh vực Nhà nước ưu tiên, khuyến khích phát triển để thu hút đầu tư...

Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng bố cục và kết cấu của dự án Luật phù hợp, tuy nhiên, dự án Luật cần giảm bớt tối đa các điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết, đồng thời, luật hóa tối đa các quy định của văn bản dưới Luật đang áp dụng có tính ổn định, phát huy hiệu quả trong thực tiễn và tiếp tục nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý từ ngữ, câu chữ và kỹ thuật văn bản để hoàn thiện dự án Luật. Hồ sơ của dự án Luật được chuẩn bị công phu và đã đáp ứng yêu cầu. 

Tuy nhiên, để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung bảng so sánh những điều khoản sửa đổi của dự thảo Luật so với luật hiện hành.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước hoạt động hàng không dân dụng

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, các đại biểu cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Hàng không dân dụng nhằm đạt mục tiêu tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả kinh doanh hàng không dân dụng, bảo đảm quyền lợi của khách hàng.

Dự án Luật bổ sung quy định "Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải là nhà chức trách hàng không, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật."

Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng), Lê Văn Học (Lâm Đồng) cho rằng việc xác định chủ thể là nhà chức trách hàng không của Việt Nam trong dự án Luật chưa rõ ràng. 

Các đại biểu đề nghị cần làm rõ khái niệm “nhà chức trách hàng không,” từ đó xác định rõ hơn mối quan hệ giữa nhà chức trách hàng không, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam đồng thời cần Việt hóa khái niệm "nhà chức trách hàng không" để thống nhất với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Góp ý về thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng, khoản 6 điều 49 dự án Luật quy định "Bộ Giao thông Vận tải quyết định mở, đóng sân bay chuyên dùng sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Quốc phòng."

Các đại biểu nhận thấy trong xu thế phát triển của đất nước và quá trình hội nhập, sân bay chuyên dùng đang ngày càng có đóng góp quan trọng trong hoạt động vận tải, phục vụ nhiều mục đích, đối tượng khác nhau. Nhiều đại biểu nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về việc giao thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng cho Bộ Giao thông Vận tải nhằm đáp ứng các yêu cầu hoạt động của hàng không dân dụng và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Bá Tỵ (Điện Biên) cho rằng vì các sân bay chuyên dùng hiện nay chủ yếu phục vụ các hoạt động bay quốc phòng, an ninh, cứu hộ, cứu nạn... nên việc quản lý đối với các sân bay chuyên dùng có liên quan tới nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, cần phải quản lý chặt chẽ.

Đại biểu đề nghị dự án Luật nên giao thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng cho Bộ Quốc phòng, khi các đơn vị quản lý khai khác hàng không có nhu cầu khai thác sân bay dân dụng và hoạt động hàng không ở địa điểm nào cần phải trao đổi với Bộ Quốc phòng và có ý kiến thống nhất bằng văn bản.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Trọng Sang (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu hiện nay ở Việt Nam, các sân bay chuyên dùng là các sân bay ngắn, hẹp. Các sân bay này được Bộ Quốc phòng bố trí nằm trong hệ thống các sân bay quân sự, trong các thành phố trọng điểm về quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới, hải đảo, ven biển, nhà giàn... nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động bay.

Đại biểu đề nghị dự án Luật giao Bộ Quốc phòng thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng. Các hãng hàng không muốn khai thác sân bay chuyên dùng phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản gửi Bộ Quốc phòng.

Cho ý kiến về an ninh hàng không, các đại biểu cơ bản tán thành việc cần thiết sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến bảo đảm an ninh hàng không trong dự án Luật nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay và an ninh, trật tự trong suốt chuyến bay. 

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định ngay trong Luật những trường hợp được miễn kiểm tra, soi chiếu an ninh hàng không để bảo đảm chặt chẽ và công khai, minh bạch; phân định rõ chức năng đảo bảo an ninh, an toàn cảng hàng không, sân bay cảng vụ các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực cảng hàng không.

Theo đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), an ninh hàng không là bộ phận của an ninh quốc gia, do vậy lực lượng kiểm soát an ninh hàng không cũng là một bộ phận hợp thành trong lực lượng đảm bảo an ninh quốc gia. 

Đại biểu cho rằng nếu quy định an ninh hàng không thuộc quản lý của Bộ Giao thông Vận tải sẽ có nhiều bất cập, dự án Luật nên quy định bộ phận nào, công đoạn nào trong kiểm soát an ninh hàng không phải trực thuộc Bộ Công an. Quy định như vậy mới đảm bảo an ninh quốc gia trong đó có an ninh hàng không...

Tại buổi làm việc, các đại biểu còn cho ý kiến về việc quản lý đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; cảng vụ hàng không; thẩm quyền quản lý chướng ngại vật, quản lý độ cao công trình; về đảm bảo hoạt động bay; vận chuyển vũ khí, dụng cụ chiến tranh.../.

(TTXVN)
 



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất