Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều hoạt động đưa hàng Việt Nam đến người tiêu dùng, nhiều hội thảo đã được tổ chức nhằm tìm ra con đường hiệu quả nhất để hàng hóa Việt Nam là sự ưu tiên lựa chọn của người Việt Nam.
Với gần 87 triệu dân, thị trường bán lẻ nước ta có tiềm năng rất lớn trong việc tiêu thụ hàng hóa nhưng làm thế nào để người dân chọn dùng hàng Việt Nam là thách thức lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp và cả xã hội. Những vấn đề này được nêu tại nhiều hội thảo, hội nghị và các hoạt động hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Trách nhiệm tiên phong của doanh nghiệp
Rất nhiều ý kiến khẳng định vai trò tiên phong của DN vì đơn giản là, hàng hóa do DN sản xuất và đưa đến người tiêu dùng (NTD). Muốn NTD ủng hộ thì DN phải đóng vai trò trung tâm, phải hướng đến thị trường nội địa, tăng cường đổi mới công nghệ, đầu tư chủng loại, mẫu mã, chất lượng, giá cả phải hợp lý để giữ vững uy tín và thương hiệu, thuyết phục khách hàng bằng chính ưu thế sản phẩm của mình. Do đó, việc nâng cao năng lực cạnh tranh là vấn đề cốt tử của DN. Bên cạnh đó, DN cần mở rộng hệ thống phân phối, điều tra thị hiếu NTD, cải tiến sản phẩm phù hợp tâm lý của người Việt Nam.
Ông Hà Hữu Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Truyền thông và Đầu tư (CIC) đã nêu một ý kiến rất xác đáng: DN vừa là người làm ra hàng hóa, làm cầu nối đến NTD vừa là người chịu thiệt thòi khi khách hàng quay lưng lại với mình; nhưng DN cũng là người hưởng thụ kết quả khi cuộc vận động thắng lợi. Do vậy hơn ai hết, DN cần phải quyết tâm nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh, coi trọng việc xây dựng thương hiệu, chăm sóc khách hàng… Mặt khác, DN phải xem đây là cơ hội tốt mà Đảng và Nhà nước tạo ra để có điều kiện giành lại vị thế của mình trên thị trường.
Như vậy, không ai khác, DN chính là khâu then chốt trong việc thực hiện chiến lược đưa hàng Việt Nam đến với người Việt Nam. Vì thế, cũng đã có ý kiến cho rằng, cần có một cuộc vận động riêng cho chính các DN với mục tiêu sản xuất hàng tiêu chuẩn Việt Nam cho người Việt Nam.
Người tiêu dùng không “quay lưng” với hàng Việt Nam
Tại TP. Hồ Chí Minh, các hoạt động của Trung tâm Xúc tiến Thương mại TP, của hệ thống siêu thị Saigon Co.op, của Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA) cũng như của các DN đã góp phần mạnh mẽ quảng bá hàng Việt Nam và tạo được chỗ đứng cho hàng Việt Nam ở thị trường trong nước mà một thời gian dài DN “bỏ trống”.
Trong Hội thảo “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam - trách nhiệm tiên phong của doanh nghiệp” tổ chức tại TP. HCM gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, văn hóa mua hàng nội của người Việt Nam đã hình thành khá rõ nét. Nếu DN trong nước nắm bắt được và luôn tạo ra hàng hóa mới mẻ về mẫu mã, chất lượng đảm bảo, giá cả phù hợp thì chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của NTD. Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh trách nhiệm chính không thuộc về NTD mà chính là các DN.
Còn ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam tại buổi tọa đàm “Để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức sáng 12/10 chia sẻ, NTD Việt Nam vốn nặng tình với đất nước nên sẵn lòng mua hàng nội, Phần lớn người Việt Nam mua hàng ngoại là do “bất đắc dĩ”, vì hàng Việt Nam không có hoặc giá quá cao so với giá trị thật của nó. Tuy nhiên, ông Phan nhấn mạnh, người Việt Nam sẵn sàng ủng hộ hàng Việt Nam nhưng không phải ủng hộ bằng bất cứ giá nào.
Từ bỏ một thói quen hay định kiến thường rất khó. Ở nước ta, NTD sau một thời gian dài “chuộng hàng ngoại một cách bất đắc dĩ” vì hàng nội đã đánh mất lòng tin nơi họ, thì việc lập lại, củng cố và lấy lại lòng tin để NTD sử dụng hàng Việt Nam không phải là việc làm đơn giản trong một sớm một chiều.
Để cuộc vận động không chỉ là hình thức
Đồng chí Trương Tấn Sang - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã khẳng định: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là một cuộc vận động, một phong trào của nhân dân chứ không phải một quyết định của cơ quan hành chính nhà nước”. Do đó, để người dân hiểu được ý nghĩa của cuộc vận động và từ đó thay đổi thói quen tiêu dùng, các cơ quan truyền thông đóng vai trò cơ bản và có ý nghĩa quyết định trong việc vừa quảng bá hàng hóa Việt Nam vừa định hướng cho NTD.
Nội dung truyền thông cần thực hiện một cách bài bản, sâu rộng; ngoài việc làm cho người dân hiểu thực chất về chất lượng hàng hoá Việt Nam, cách phân biệt hàng thật, hàng giả, còn phải làm cho người dân hiểu được họ đã đóng góp gì cho đất nước mỗi khi mua sắm, tiêu dùng hàng hóa Việt Nam.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước (thuế, quản lý thị trường, hải quan, công an…) tăng cường kiểm tra, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm nhãn hiệu để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Mặt khác, các cơ quan nhà nước cần hỗ trợ về chính sách và ngân sách để DN Việt Nam có điều kiện và thêm nguồn lực cải tiến, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cũng có ý kiến đề xuất trước mắt, nên làm điểm, chẳng hạn tập trung vào mặt hàng thực phẩm, một mặt hàng đang có nhiều vấn đề bức xúc về ATVSTP để làm thí điểm từ khâu sản xuất đến quản lý thị trường. Trên cơ sở đó, sẽ tổng kết để nhân rộng mô hình.
Với dân số gần 87 triệu người và đặc thù dân số trẻ, trong đó trên 50% dưới 30 tuổi; tỷ lệ những người trong độ tuổi tạo thu nhập có mức chi tiêu nhiều nhất (22 - 25 tuổi) chiếm 70%, Việt Nam được biết tới là một trong những quốc gia hấp dẫn nhất thế giới xét về chỉ số phát triển bán lẻ, là thị trường hấp dẫn trong con mắt của các nhà đầu tư và bán lẻ nước ngoài. Doanh số bán lẻ đã tăng trung bình ở mức 20%/năm trong thời gian gần đây và năm 2008 con số này đạt 54 tỷ USD (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam). |
(Theo: Báo điện tử CP)