Thứ Sáu, 22/11/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 4/5/2021 17:8'(GMT+7)

Tạo chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và thể thao trường học, đảm bảo phát triển toàn diện

Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Lai Châu lần thứ VII năm 2020

Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Lai Châu lần thứ VII năm 2020

Công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học là một phần quan trọng trong mục tiêu giáo dục toàn diện của ngành Giáo dục và Đào tạo, nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản và hình thành thói quen tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên cho trẻ em, học sinh, sinh viên; gắn giáo dục thể chất, thể thao trong trường học với giáo dục ý chí, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh cho trẻ em, học sinh, sinh viên, đồng thời, góp phần phát hiện, đào tạo năng khiếu và tài năng thể thao cho đất nước.

Ngày 17/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và ban hành Quyết định số 1076/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025 (sau đây gọi là Quyết định 1076). Xác định rõ đây là nhiệm vụ quan trọng đối với ngành Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 1611/QĐ-BGDĐT ngày 10/5/2017 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1076/QĐ-TTg. Đồng thời, chỉ đạo xuyên suốt việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong giai đoạn 2016-2020 thông qua các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ về công tác giáo dục thể chất, thể thao và y tế trường học hàng năm đối với các sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục trên toàn quốc. 

NHỮNG KẾT QUẢ QUAN TRỌNG

Trong 5 năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và toàn xã hội, với những nỗ lực của toàn ngành giáo dục, công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, xã hội đối với phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học được chú trọng. Toàn ngành Giáo dục đã triển khai có hiệu quả việc tăng cường truyền thông về giáo dục thể chất, thể thao trường học bằng nhiều thức như: Triển khai đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất, thể thao trường học;  truyền thông về những hoạt động, những mô hình hoạt động hiệu quả của các đơn vị thông qua báo đài, truyền hình; tổ chức các sự kiện thể thao học sinh, sinh viên với mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tác dụng của luyện tập thể dục thể thao, vận động mọi người, bảo vệ, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Cụ thể hóa bằng hành động thông qua các hoạt động giáo dục thể chất và phong trào tập luyện, thi đấu thể thao trong và ngoài nhà trường, cuốn hút đông đảo nhiều lượt học sinh, sinh viên tham gia hàng năm. Nhiều địa phương triển khai thông tin, truyền thông có hiệu quả cao như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nam Định, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Trị, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang…

Ngành Giáo dục đã phát động phong trào thi đua rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, đẩy mạnh phong trào tập luyện thể thao tới từng cơ sở giáo dục, thu hút, khích lệ mỗi học sinh, sinh viên tự chọn một đến hai môn thể thao để rèn luyện trong và ngoài trường học nhằm nâng cao sức khoẻ và thể lực cho bản thân. Những học sinh, sinh viên giỏi thể thao được tuyên dương và tuyển chọn tham gia các giải thể thao dành cho học sinh, sinh viên quy mô tỉnh, thành, toàn quốc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các quy định về chế độ ưu đãi đối với các học sinh giỏi thể thao, đạt thành tích cao như tuyển thẳng, cộng điểm và nhiều ưu đãi thiết thực.

Các sự kiện thể thao dành cho học sinh, sinh viên với quy mô toàn quốc, quy mô tỉnh, thành và nhà trường đã huy động được sự tham gia có hiệu quả của các phương tiện thông tin, truyền thông, các báo đài ở Trung ương và địa phương trong công tác tuyên truyền, đưa tin góp phần vào sự thành công của công tác thể thao học đường.

Thông qua các hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trường học trong nước và quốc tế, trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp đã triển khai tuyên dương, khen thưởng kịp thời cho các cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học. Đây là sự ghi nhận kịp thời của các cấp để động viên, khuyến khích các địa phương, các đơn vị, các cơ sở giáo dục trong công tác phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học nói riêng và trong sự nghiệp giáo dục toàn diện nói chung.

Cơ sở vật chất là điều kiện quan trọng để phát huy năng lực học sinh.

Cơ sở vật chất là điều kiện quan trọng để phát huy năng lực học sinh.

Với việc chỉ đạo đổi mới Chương trình dạy học giáo dục thể chất, mục tiêu, nội dung, phương pháp, kiểm tra đánh giá chất lượng của bộ môn tại Quyết định 1076, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực chủ trì và phối hợp với các bộ ngành, các tổ chức, chuyên gia ban hành khung chương trình môn Thể dục đối với các cấp học. Từ năm 2018 đến nay, đã xây dựng chương trình môn học Giáo dục thể chất năm trong chương trình giáo dục phổ thông mới và được triển khai thực hiện trong năm học 2020-2021. Bên cạnh đó giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp trong việc xây dựng chương trình môn học giáo dục thể chất với định hướng phù hợp với đặc điểm địa phương, cơ sở vật chất, trang thiết bị sẵn có và có sự tham gia thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi chương trình đi vào thực tiễn giảng dạy và học tập.

Chương trình môn học giáo dục thể chất mới 2018 bảo đảm tính cân đối, thống nhất, linh hoạt, có tính kế thừa và phát triển giữa các cấp học; đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ năng cho học sinh; duy trì thói quen tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên và phù hợp với đặc điểm thể chất, tâm sinh lý lứa tuổi và điều kiện cụ thể của học sinh.  Chương trình môn học đã huy động tối đa học sinh có năng khiếu và yêu thích từng môn thể thao tham gia; tăng cường tổ chức hoạt động thể thao ngoại khóa và tổ chức thi đấu giữa các khối, lớp, các cụm trường với nhau và các cơ quan đóng trên địa bàn vào các ngày Lễ, chủ điểm của năm học, hoạt động Đoàn, cũng như lựa chọn được những nhân tố xuất sắc tham gia các giải thể thao cấp tỉnh, thành và Hội khỏe Phù đổng các cấp.

Cho đến thời điểm hiện nay, 100% các cơ sở giáo dục mầm non đã triển khai thực hiện nội dung, mục tiêu phát triển thể chất cho trẻ em theo hướng tích hợp với các hoạt động giáo dục khác trong chương trình giáo dục mầm non.

100% các trường tiểu học, THCS, THPT tiến hành giảng dạy môn Thể dục với thời lượng 2 tiết/tuần theo khung chương trình; 100% các nhà trường thành lập các câu lạc bộ thể thao tùy theo đặc điểm, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất, hướng dẫn viên thể thao của từng cơ sở giáo dục như: võ, bóng đá, bóng rổ, cầu lông, đá cầu, cờ vua...

Nhiều cơ sở giáo dục đã quy định giờ học giáo dục thể chất học sinh cần thiết có trang phục thể dục thể thao trong rèn luyện, tạo điều kiện thuận lợi trong dạy học, gây hứng thú cho học sinh và hiệu quả giáo dục thể chất được nâng cao rõ rệt trong từng giờ học. Qua công tác kiểm tra, theo dõi, số lượng ước tính khoảng 80% cơ sở giáo dục quy định giờ học giáo dục thể chất học sinh phải mặc trang phục thể thao và duy trì nề nếp này trong những năm qua, chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, nhưng vùng có điều kiện kinh tế, xã hội phát triển. Những tỉnh miền núi, vùng sâu xa khó khăn chưa đảm bảo được điều kiện này.

Tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm, 100% các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã triển khai chỉ đạo bộ phận chuyên môn xây dựng kế hoạch, chương trình giảng dạy môn học và triển khai thực hiện hàng năm. 100% cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức rà soát, bổ sung nội dung chương trình môn học giáo dục thể chất phù hợp với từng đối tượng (sinh viên chuyên ngành giáo dục thể chất và sinh viên không chuyên ngành giáo dục thể chất); thực hiện đổi mới phương pháp dạy học môn học giáo dục thể chất, trên cơ sở phát huy tính tích cực của người học. 100% giảng viên Giáo dục thể chất thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, sinh hoạt chuyên môn, dự giờ thao giảng; công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục thể chất, thể thao của trường đảm bảo tính khoa học, khách quan, công bằng.

Chương trình môn giáo dục thể chất được thiết kế theo cấu trúc vừa đồng tâm vừa tuyến tính phù hợp với tâm - sinh lý lứa tuổi và quy luật phát triển thể lực của học sinh.

Chương trình môn giáo dục thể chất được thiết kế theo cấu trúc vừa đồng tâm vừa tuyến tính phù hợp với tâm - sinh lý lứa tuổi và quy luật phát triển thể lực của học sinh.

Công tác phát triển các hoạt động thể thao trường học giai đoạn này đã được ngành Giáo dục quan tâm, chú trọng. Tháng 12/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thống nhất ký kết Chương trình phối hợp số 917/ CTr-BGDĐT- VHTTDL ngày 10/12/2016 về việc chỉ đạo, quản lý, tổ chức công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học giai đoạn 2016-2020. Căn cứ vào Chương trình phối hợp, hai Bộ đã xây dựng kế hoạch triển khai từng bước, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên, giáo viên giáo dục thể chất; các lớp tập huấn về võ cổ truyền, các bài tập thể dục giữa giờ, các lớp tập huấn về phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước; các giải thể thao dành cho học sinh, sinh viên quy mô toàn quốc như: giải taekwwondo học sinh 3 miền; giải điền kinh học sinh phổ thông; giải bóng rổ học sinh phổ thông; giải bơi học sinh phổ thông, giải bóng bàn, cầu lông người giáo viên nhân dân và sinh viên toàn quốc... Đặc biệt, phối hợp xây dựng Điều lệ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ IX năm 2020 cũng như phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai tại từng khu vực và vòng chung kết toàn quốc.

Căn cứ vào Chương trình phối hợp số 917, các Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch hàng năm tại địa phương, tham gia các lớp tập huấn và các giải thể thao học sinh sinh viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối tổ chức. Phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên; bồi dưỡng trong công tác trọng tài, công tác tổ chức thi đấu các môn thể thao trong trường học như Điền kinh, Karatedo, Bóng đá, Bóng rổ, Cầu lông, Bơi, Taekwondo ... Từ đó, góp phần nâng cao năng lực, tổ chức thi đấu các môn thể thao tại các nhà trường; đặc biệt, chú trọng phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về bơi và phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước.

Các sở Giáo dục và Đào tạo quan tâm và chỉ đạo xuyên suốt về việc duy trì hình thức câu lạc bộ các môn thể thao trong nhà trường tại hướng dẫn nhiệm vụ từng năm học. Qua theo dõi và công tác kiểm tra thực tế, 100% các cơ sở giáo dục phổ thông (tiểu học, THCS, THPT) đã có câu lạc bộ thể thao học sinh, có giáo viên, hướng dẫn viên và duy trì hoạt động thường xuyên. Các câu lạc bộ thể thao hoạt động ngoài giờ lên lớp tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất, nhu cầu của học sinh, năng lực của giáo viên, hướng dẫn viên của từng nhà trường. Ngoài ra, hàng năm, các nhà trường tổ chức các giải thể thao cấp trường, phối hợp với các trường trong cụm tổ chức giải thể thao cụm trường nhằm đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể, tập luyện thường xuyên thể thao nâng cao sức khỏe trong học sinh các cấp.

Đội ngũ giáo viên, giảng viên là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học. Việc nâng cao chất lượng tổ chức dạy học và thực hiện đổi mới phương pháp dạy học trong toàn ngành đã được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo. Hàng năm, các giảng viên, giáo viên giáo dục thể chất được lãnh đạo các nhà trường quan tâm tạo điều kiện tham gia các khóa đào tạo dài hạn về chuyên ngành; được tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn do Bộ, các Sở, phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức để hoàn thiện và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong giai đoạn mới.

Hằng năm, nhiều địa phương có hình thức tổ chức thi giáo viên dạy giỏi môn Giáo dục thể chất nhằm khuyến khích việc tự học; tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và phương pháp tổ chức dạy học của giáo viên. Điển hình như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Quảng Trị, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Long An, Tiền Giang… Đây là dịp để đội ngũ giáo viên được giao lưu, dự giờ, hội giảng, học tập trao đổi kinh nghiệm giảng dạy giữa các trường về môn học và phương pháp tổ chức hoạt động ngoại khóa thể thao trong nhà trường cũng như tăng cường chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy cho đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất trên địa bàn.

CHÚ TRỌNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC THỂ CHẤT, ĐẢM BẢO PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Bên cạnh những kết quả đạt được, so với yêu cầu phát triển của sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay thì công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học còn nhiều hạn chế và tồn tại.

Đó là, nhận thức về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học của một bộ phận lãnh đạo, cán bộ, nhà giáo và học sinh chưa đầy đủ. Chương trình môn học giáo dục thể chất, phương pháp dạy học và cách kiểm tra, đánh giá còn nhiều bất cập. Việc tổ chức đánh giá, xếp loại thể lực học sinh sinh viên tại các cơ sở giáo dục chưa được triển khai đều đặn hằng năm.

Hoạt động thể thao trường học hiệu quả chưa cao; chất lượng chuyên môn tại một số hoạt động thể thao (Hội khỏe Phù Đổng, các Giải thể thao) tại một số địa phương còn thấp. Cơ sở vật chất trang thiết bị tập luyện thể dục và quỹ đất dành cho giáo dục thể chất và hoạt động thể dục trong nhà trường còn thiếu và nhiều hạn chế. Các trang thiết bị, dụng cụ tập luyện cũ kĩ, lạc hậu, chưa phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.

Đội ngũ giáo viên giảng viên giáo dục thể chất còn thiếu về số lượng và trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học còn rất thiếu và hạn chế. 100% giáo viên mầm non giảng dạy kiêm nhiệm. Rất nhiều trường tiểu học còn thiếu giáo viên giáo dục thể chất cơ hữu. 

Cơ chế chính sách nhằm khuyến khích công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học chưa hợp lý, hiệu quả của công tác xã hội hóa giáo dục thể chất và thể thao trường học còn thấp, chưa tranh thủ được sự quan tâm, giúp đỡ của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước đối với các hoạt động thể thao dành cho học sinh, sinh viên.

Trong giai đoạn 2021-2025, ngành Giáo dục và đào tạo đề ra mục tiêu: Tạo chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và thể thao trường học, nhằm nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực, tầm vóc, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện về Đức, Trí, Thể, Mỹ cho trẻ em, học sinh, sinh viên và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục thể chất chính khóa đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học và yêu cầu phát triển toàn diện cho trẻ em, học sinh phổ thông; đảm bảo các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện có chất lượng, hiệu quả nội dung giáo dục phát triển thể chất trong giờ học giáo dục thể chất chính khóa quy định tại chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Để thực hiện được các mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025, ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh về vị trí, vai trò của giáo dục thể chất và thể thao trường học.

Thứ hai, đổi mới mục tiêu, chương trình, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá giáo dục thể chất (thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 và tiếp tục đề xuất sửa đổi, bổ sung, đổi mới nếu trong giai đoạn thực hiện có những bất cập).

Thứ ba, phát triển hoạt động thể thao trong trường học.

Thứ tư, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ phục vụ giáo dục thể chất và thể thao trường học.

Thứ năm, xây dựng đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất đảm bảo đủ về số lượng và tiêu chuẩn theo quy định hiện hành (Lồng ghép:Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu phổ thông giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn 2030).

Thứ sáu, thực hiện công tác xã hội hóa cho giáo dục thể chất và thể thao trường học. Theo đó, hoàn thiện cơ chế quản lý và chính sách huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội đối với công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học.

TS. Phạm Thanh Cẩm

ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Mai

Ban Tuyên giáo Trung ương

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất