Thứ Hai, 23/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 25/12/2012 13:46'(GMT+7)

Tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế hợp tác xã ở Lào Cai

Sản xuất rau an toàn ở HTX Dì Thàng (Lào Cai)

Sản xuất rau an toàn ở HTX Dì Thàng (Lào Cai)

Thành công và thách thức

Những năm qua, tỉnh Lào Cai có nhiều chủ trương, chính sách thu hút nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển. Các HTX luôn được coi là một trong những thành phần kinh tế nòng cốt trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Lào Cai.

Kể từ khi thực hiện Luật HTX (2003), về cơ bản phương thức hoạt động của các HTX trên địa bàn đều được đổi mới, phù hợp với cơ chế thị trường. Hoạt động sản xuất kinh doanh đa dạng trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề ở tất cả 9/9 huyện thành phố. Một số HTX hoạt động hiệu quả, tạo lòng tinh, mang lại lợi ích cho xã viên, góp phần giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động. Điển hình là HTX Tương ớt Mường Khương hoạt động kinh doanh hiệu quả; biết khai thác lợi thế, đầu tư mở rộng sản xuất hàng hoá có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường và tạo thu nhập ổn định cho xã viên. Mỗi năm HTX sản xuất trên 350 tấn tương ớt, doanh thu đạt 7 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 34 xã viên, với thu nhập bình quân đạt trên 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Theo con số thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh: Hiện nay, toàn tỉnh có 246 HTX, với tổng số vốn điều lệ gần 200 tỷ đồng, trong đó có 15 HTX thành lập mới trong năm. Tổng số xã viên HTX trên 9.400 người, thu nhập bình quân đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng. Tổng số cán bộ quản lý HTX có 985 người, trình độ sơ cấp chiếm 27%; trình độ cao đẳng, đại học chiếm 7%.

Điều đáng quan tâm là đóng góp vào GDP của kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX giảm sút do tốc độ tăng trưởng của kinh tế HTX thấp, năm 2010 mới chỉ đạt 0,78%, thấp hơn 4,44% so với cả nước. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: phần lớn các HTX chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi bởi các HTX ở Lào Cai hiện nay chưa đủ điều kiện để vay vốn, các dự án sản xuất kinh doanh có tính khả thi chưa cao, hồ sơ vay vốn không đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, trình độ công nghệ khu vực này lạc hậu; năng lực đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế, thiếu năng động, nhạy bén trong nền kinh tế thị trường…

Bên cạnh đó, cơ chế chính sách hỗ trợ cho HTX được quy định tại ở rất nhiều văn bản do các cơ quan ban hành tại nhiều thời điểm khác nhau, khiến cho các HTX rất lúng túng trong việc nắm bắt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX trong lĩnh vực hoạt động của mình. Một số HTX mới chỉ được hưởng số ít chính sách như thuê quyền sử dụng đất, vay vốn từ nguồn quỹ quốc giá giải quyết việc làm hoặc được hỗ trợ dạy nghề. Chẳng hạn giai đoạn 2002-2011, có 137 HTX xây dựng đề án kinh doanh, dịch vụ và được vay tổng số vốn trên 26 tỷ đồng.

Qua đánh giá, phân loại, HTX sản xuất, kinh doanh khá, giỏi chiếm 35%; trung bình chiếm 40%; yếu, kém chiếm 25%. Điều đó cho thấy kinh tế HTX ở Lào Cai còn phát triển chậm; một số HTX hoạt động với quy mô nhỏ, thiếu ổn định, chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương; chưa khẳng định được vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tập thể trong nền kinh thế nhiều thành phần hiện nay.

Tạo chuyển biến

Cũng giống như các địa phương khác trong cả nước, đến nay mô hình HTX ở Lào Cai vẫn được nhiều người hiểu như một tổ chức kinh tế của những người yếu thế có cùng nhu cầu và lợi ích, liên kết lại để chống lại sức ép của tư thương, cũng như tự bảo vệ mình khỏi biến động của thị trường. Trên thực tế, tâm lý xã hội vẫn còn bị ấn tượng về những mô hình HTX kiểu cũ nên còn hoài nghi về hiệu quả và vai trò của tổ chức HTX, khiến nông dân chưa sẵn sàng gia nhập. Bởi vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng người nông dân cần cơ hội được "sống thử” với HTX, quá trình này sẽ giúp người nông dân tự đánh giá là nên hay không nên gia nhập vào HTX.

Nhìn lại chặng được vừa qua, những mô hình HTX trên địa bàn tỉnh Lào Cai còn tồn tại đến hôm nay đều nhờ quản lý tỉnh táo hơn và có hướng đổi mới khỏi mô hình cũ, họ đã sớm nhận ra nhu cầu cần đổi mới để tồn tại và mở rộng phát triển. Những HTX này đã phát huy vai trò là đảm bảo quyền, lợi ích của hộ nông dân và người tiêu dùng, hộ kinh doanh cá thể, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ thành viên, đặc biệt là kinh tế hộ nông dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Để khu vực kinh tế tập thể nói chung, các HTX trên địa bàn tỉnh nói riêng phát huy vai trò của mình trong nền kinh tế thị trường, các ngành và địa phương cần quan tâm, xây dựng chiến lược và chương trình hoạt động HTX, gắn chặt với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, triển khai đồng loạt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích về đất đai, tín dụng, đào tạo nghề, khuyến nông, khuyến ngư và khuyến công… để tạo điều kiện cho HTX không ngừng đổi mới hoạt động tổ chức và xây dựng theo đúng Luật HTX, khẳng định vai trò, uy tín và hiệu quả hoạt động, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, để người dân nhận thức đầy đủ và thống nhất về bản chất và tính ưu việt của tổ chức HTX kiểu mới, Liên minh các HTX Lào Cai cũng như các cơ quan quản lý chuyên môn cần tổng kết, nhân rộng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, khẳng định sự thành công và hướng đi đúng của HTX trong thời kỳ mới. Hơn nữa, các tổ chức này cần tăng cường nguồn lực và công cụ hỗ trợ của mình, nhằm giúp các HTX tiếp cận được các nguồn vốn, chính sách, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, thông tin thị trường trong và ngoài nước.

Đặc biệt, Luật HTX 2003 cần được nhanh chóng sửa đổi, ban hành để làm rõ bản chất tổ chức HTX và lợi ích của thành viên tham gia hợp tác xã; bảo đảm hỗ trợ, thúc đẩy HTX phát triển lành mạnh, bền vững đúng với bản chất và mục đích thành lập, tránh lạm dụng sự hỗ trợ của Nhà nước; thực hiện quản lý nhà nước về hợp tác xã có hiệu quả; qua đó tạo động lực mới, góp phần cho khu vực kinh tế tập thể phát huy vai trò chủ đạo trong nền kinh tế./.

Nguyên Sa (Lào Cai)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất