Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo điều
kiện cho các doanh nghiệp trong ngành xuất bản, in và phát hành phát
triển tốt nhất; đồng thời giao các sở, ban, ngành liên quan cụ thể hóa
các chương trình hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành một cách
thiết thực nhất.
Đây là khẳng định của Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp xuất bản, in, phát hành trên địa bàn thành phố, ngày 25/10.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao những nỗ lực của các doanh nghiệp trong ngành xuất bản, in, phát hành đã không ngừng phát huy những thế mạnh, hoạt động của một số doanh nghiệp in phát triển tốt. Các đơn vị phát hành sách trên địa bàn như Fahasa, Phương Nam, Thời Đại, Hương Trang, Tiki... có nhiều phát triển, tiếp tục giữ vai trò trụ cột trong hoạt động phát hành sách của thành phố.
Về phát triển văn hóa đọc, từ khi ra đời, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh cùng với nhiều hoạt động về sách tiêu biểu của thành phố đã tạo những chuyển biến, thu hút sự quan tâm của những người yêu sách và khách tham quan.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng, phát triển kinh tế cần song hành với phát triển văn hóa, vì vậy cần có chương trình phát triển văn hóa đọc với những giải pháp theo từng đối tượng. Thành phố sẽ tiếp tục phát triển, cải thiện hệ thống thư viện trong trường học, giúp học sinh, sinh viên ngày càng có nhiều thời gian đọc sách hơn.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp xuất bản, in, phát hành của thành phố đã bày tỏ những trăn trở trong quá trình hoạt động. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Anh Tuấn, Chủ tịch Hội In thành phố cho biết, ngành in thành phố có mức tăng trưởng từ 7% - 10% so với cùng kỳ 2015. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự phục hồi trở lại sau một thời gian tụt giảm. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp đang gặp một số vướng mắc, cần được tháo gỡ trong thời gian tới...
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam chia sẻ, hoạt động xuất bản thời gian gần đây phát triển ngày càng tốt hơn, doanh số tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước. Song do thói quen đọc sách của người dân còn thấp, mỗi đầu sách mới ra các đơn vị chỉ "dám" in khoảng 2.000 bản, so với đất nước có 90 triệu dân là quá ít.
Các doanh nghiệp in bày tỏ mong muốn lãnh đạo thành phố xem ngành in là một ngành công nghiệp phụ trợ có tiềm năng và ưu tiên cho ngành được hưởng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phụ trợ của thành phố. Đồng thời, thành phố quy hoạch khu đất để hình thành Khu công nghiệp In hiện đại, nhằm thu hút đầu tư, nghiên cứu triển khai công nghệ in, in xuất khẩu và bảo vệ môi trường…
Riêng về phát triển văn hóa đọc, Hội Xuất bản thành phố đề xuất thành phố xem xét tổ chức Giải thưởng đại sứ văn hóa đọc trong học sinh; những cá nhân, tổ chức có đóng góp nhiều sáng kiến và tổ chức nhiều hoạt động cho phát triển văn hóa đọc của ngành, thành phố. Thành phố nên tổ chức Trao giải thưởng Văn học dành cho thiếu nhi thành phố nhằm khuyến khích các tác giả sáng tác văn học dành cho thiếu nhi. Hội Xuất bản thành phố cũng kiến nghị hình thành Trung tâm sách có quy mô lớn tại thành phố.../.
Gia Thuận/TTXVN