Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 1/7/2024 15:40'(GMT+7)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp xúc cử tri tại Hậu Giang

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. (Ảnh: TTXVN)

Tại Hội nghị, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam đã báo cáo với cử tri kết quả Kỳ họp thứ 7 và kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 7. Theo đó, sau 27,5 ngày làm việc, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, khẩn trương và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 7 đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.

Cử tri chúc mừng đồng chí Trần Thanh Mẫn trên cương vị mới là Chủ tịch Quốc hội; đồng thời tin tưởng rằng, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Cử tri bày tỏ vui mừng trước kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã đạt được; phấn khởi trước sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Quốc hội, đặc biệt là giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của xã hội thời gian qua, cũng như đưa ra các giải pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát hiệu quả.

NGHIÊN CỨU ĐIỀU CHỈNH KỊP THỜI GIÁ BÁN LẺ ĐIỆN

Chú thích ảnh
Cử tri Nguyễn Thanh Điền phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

Cử tri Nguyễn Thanh Điền, huyện Vị Thủy nêu câu hỏi, điện là hàng hóa Nhà nước độc quyền sản xuất, quản lý, phân phối và giá điện ảnh hưởng đến chi phí của tất cả các mặt hàng khác. Quốc hội có kế hoạch gì để ổn định giá điện và bỏ cách tính tiền điện như hiện nay?

Trả lời cử tri, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, vấn đề cử tri nêu đã được các cơ quan của Quốc hội quan tâm, theo dõi, giám sát trong thời gian qua. Trong năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021". Theo đó, Đoàn giám sát đã nhận định: "Giá điện chậm được thay đổi, chưa phù hợp cơ chế thị trường; các tín hiệu thị trường trong khâu phát điện và truyền tải điện chưa được phản ánh một cách đầy đủ ở giá điện áp dụng cho hộ tiêu dùng cuối cùng. Cơ cấu biểu giá bán lẻ thực hiện theo Luật Điện lực chưa phù hợp với thực tế tiêu thụ điện của các nhóm khách hàng, còn duy trì bù chéo, giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn mức giá cho nhóm khách hàng là hộ sản xuất, kinh doanh, chưa phù hợp với mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các ngành, lĩnh vực sản xuất thâm dụng điện".

Tại Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 về nội dung giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, nghiên cứu "điều chỉnh kịp thời giá bán lẻ điện theo biến động thực tế của thông số đầu vào như giá nguyên nhiên liệu, tỷ giá"; sớm luật hóa việc điều hành giá bán lẻ điện theo tinh thần "xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định".

QUY ĐỊNH RÕ VIỆC CHẬM ĐÓNG, TRỐN ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI

Cử tri Trần Thị Mỹ Xuyên, thành phố Vị Thanh cho rằng, hiện nay, đời sống của đội ngũ nhân viên trường học rất khó khăn, vì họ không có các khoản phụ cấp, trong khi phải kiêm nhiệm nhiều công việc như: y tế kiêm thủ quỹ, kế toán kiêm văn thư. Nhiều người đã không bám trụ được với nghề, phải bỏ việc vì lương quá thấp, không đủ lo cho bản thân. Cử tri đề nghị các cơ quan nghiên cứu, xem xét để nhân viên các cơ sở giáo dục được hưởng mức phụ cấp giống như công chức (25%), giúp tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống và yên tâm công tác.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Chia sẻ với cử tri, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, với mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng, viên chức làm nhiệm vụ gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ trong trường học có mức lương dao động từ 4 triệu đến 7 triệu đồng, trong khi khối lượng công việc rất lớn, đồng thời phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Tại Kỳ họp thứ 7, căn cứ Kết luận số 83-KL/TW của Bộ Chính trị và Báo cáo số 329/BC-CP của Chính phủ, Quốc hội thống nhất thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024. Theo đó, thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%); điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội tăng 15%, trợ cấp ưu đãi người có công tăng 35,7% và trợ cấp xã hội tăng 38,9% (mức tăng lương cơ sở cao nhất trong 20 năm, từ khi cải cách tiền lương năm 2004 đến nay với tổng nhu cầu cải cách tiền lương là 913 nghìn tỷ đồng giai đoạn 2024 - 2026).

Về một số ý kiến cử tri liên quan đến việc chưa có văn bản hướng dẫn xử lý số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); trong đó đã quy định việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, chiếm dụng tiền hưởng bảo hiểm xã hội là các hành vi bị nghiêm cấm cùng các chế tài xử lý các hành vi này.

Đồng thời, tại Nghị quyết chung Kỳ họp thứ 7, Quốc hội giao Chính phủ quy định đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trước ngày 1/7/2024. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phát hiện người sử dụng lao động vẫn còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thì thực hiện truy thu, truy đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Quốc hội giao Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của chủ hộ kinh doanh đã tham gia trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành để làm căn cứ giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 100/2023/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

QUYẾT TÂM, QUYẾT LIỆT TRONG CÔNG VIỆC

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các cử tri tại buổi tiếp xúc. (Ảnh: TTXVN)

Tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Kỳ họp thứ 7 là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại một kỳ họp, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, được cử tri, nhân dân cả nước rất quan tâm, theo dõi. Công tác nhân sự đã được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Kỳ họp này tiếp tục cho thấy sự làm việc tích cực của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sự chuẩn bị của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, đã khắc phục được tình trạng chậm gửi tài liệu. Kỳ họp này cũng có nhiều đổi mới trong khâu tổ chức, triển khai thực hiện, cải tiến công tác chất vấn và trả lời chất vấn, quan tâm đến điều kiện, công tác bảo đảm, thông tin tuyên truyền, góp phần vào thành công chung của kỳ họp.

Về tình hình kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, là mức khá trong khu vực. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng. Với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, 6 tháng cuối năm, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, tăng trưởng cao hơn.

Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đạt 1.020,6 nghìn tỷ đồng, bằng 60% dự toán năm và tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng khá, trong đó vốn đăng ký mới cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua.

"Sáu tháng đầu năm, chúng ta đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; đảm bảo an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; quốc phòng và an ninh được đảm bảo. Công tác đối ngoại được tăng cường; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được quan tâm chỉ đạo, không có vùng cấm. Làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã tạo được niềm tin trong nội bộ và nhân dân, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Nhấn mạnh nhiệm vụ 6 tháng cuối năm còn lại rất nặng nề, trước bối cảnh tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục quán triệt thực hiện các nghị quyết của Đảng, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giữ vững đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ; thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn phải gắn liền với từng cá nhân và tập thể.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cá nhân góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải quyết tâm, quyết liệt trong công việc và phải có kết quả cụ thể, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trên các lĩnh vực.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư/doanh nghiệp; kiên quyết không để xảy ra tình trạng nắm bắt thông tin không kịp thời, không báo cáo, đùn đẩy công việc, không giải quyết công việc thuộc trách nhiệm; tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tính nghiêm minh của pháp luật../.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất