“Dân vận khéo” được xem là một giải pháp quan trọng trong việc thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong xây dựng giao thông nông thôn, nhiều mô hình đang được nhân rộng để góp phần thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Xã Long Phước, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) - quê hương của Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng là một xã thuần nông, đất chật, người đông. Để xây dựng xã NTM, xã đã công khai quy hoạch, tổ chức tuyên truyền và lấy ý kiến đóng góp của dân, điều chỉnh quy hoạch phù hợp để xây dựng 5 tuyến đường giao thông nông thôn trong xã theo các tiêu chuẩn đường NTM đã quy định, trong đó có 2.300 hộ gia đình bị ảnh hưởng khi công trình đi qua. Quá trình vận động, xã Long Phước chú trọng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, công khai minh bạch từ chủ trương đầu tư, kế hoạch, dự án xây dựng, tổng chi phí, những vấn đề người dân được hưởng lợi khi công trình hoàn thành…
Thông qua các cuộc tuyên truyền, vận động, nhận thức của dân đã có chuyển biến rõ rệt và đồng thuận với xã. Ở các tuyến đường Long Thuận- Long Thuận A dài 2 km, Phước Trinh- Phước Trinh A dài 2,4 km, khi công bố quy hoạch, mỗi nơi cũng có 2-3 hộ không đồng tình hiến đất, yêu cầu phải bồi hoàn giá trị đất, vật kiến trúc, hoa màu.v.v. Nhưng qua quá trình vận động của xã theo đúng quy trình của quy chế dân chủ ở cơ sở, tranh thủ sự vận động của những người dân trong cùng tuyến bị ảnh hưởng đất nhiều khi công trình đi qua, cuối cùng tất cả đều đồng thuận.
Vì vậy, chỉ sau 2 năm thực hiện “dân vận khéo”, Long Phước đã vận động được 475 hộ dân tự nguyện hiến gần 45.000m2 đất, đóng góp nhiều ngày công lao động, máy móc để chung sức cùng chính quyền xây dựng giao thông nông thôn, ước trị giá hơn 8 tỷ đồng để mở mới 9 km đường nông thôn đạt tiêu chuẩn mặt đường 3,5 m, nền đường 6,5 m; nâng cấp 3 km đường liên xóm đạt tiêu chuẩn mặt đường 2m, nền đường 4 m. Như vậy, đến nay Long Phước đã có 20,5 km đường giao thông đạt chuẩn đường NTM, đạt hơn 35% so với kế hoạch.
Nếu xã Long Phước, huyện Long Hồ là điển hình về việc vận động nhân dân trong xã hiến đất làm đường giao thông nông thôn thì ấp Phú Hữu Đông, xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình là mô hình làm tốt việc vận động nhân dân đóng góp tiền xây dựng đường giao thông nông thôn. Đây là một việc làm khó vì trong nhận thức của đa số người dân đều cho rằng việc làm đường giao thông là ngân sách của Nhà nước chứ không phải của dân. Nên ấp đã thành lập tổ vận động 11 với các thành viên của các ngành, đoàn thể và các tổ tự quản. Tổ đã tổ chức tuyên truyền vận động về ý nghĩa của việc mở mang giao thông, trong đó, nhà nước, tỉnh, huyện đã đầu tư ngân sách cho các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã. Do đó, người dân địa phương cũng phải có trách nhiệm trong việc cùng nhà nước tu bổ, nâng cấp hoặc mở mới các tuyến đường liên ấp, liên xóm của địa phương mình. Tổ kết hợp triển khai vận động ra dân, vận động đến đâu gửi phiếu cho người dân đăng ký đến đó để tạo sự đồng thuận về chủ trương. Sau đó tổ công khai kế hoạch làm đường từng tuyến, từng đoạn để người dân tham khảo, đóng góp, bổ sung phương án xây dựng, phương án đóng góp.
Qua tập hợp ý kiến, đa số người dân thống nhất đóng góp theo diện tích đất canh tác vì đây là xã nông nghiệp, mỗi công (1000m2) đóng góp 25.000đồng. Kết quả, qua 2 năm vận động theo phương thức này, ấp Phú Hữu Đông đã vận động được hơn 97,5% số hộ dân đóng góp gần 830 triệu đồng cùng với địa phương trải đá 4 tuyến đường nông thôn đi qua ấp là kinh Ông Kế, kinh Mười Sáu, kinh Cây Tô, kinh Biện Chính với tổng chiều dài 9,3 km đường, mặt đường rộng 1,6 m. Như vậy, đến nay, ấp Phú Hữu Đông của xã vùng sâu Phú Thịnh, huyện Tam Bình đã có 100% hệ thống đường thông xe 2 bánh cả 2 mùa mưa, nắng, giúp người dân thuận tiện trong việc đi lại, làm ăn, đưa máy gặt đập liên hợp vào đồng ruộng, chuyên chở nông sản, không còn cảnh người dân phải đi lại khó khăn trên những đoạn đường đất bụi bặm trong mùa nắng, bùn, lầy lội trong mùa mưa.
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp - nông thôn, Vĩnh Long đang tập trung xây dựng hạ tầng để phát triển NTM, đặc biệt là phát triển giao thông nông thôn, việc nhân rộng các mô hình như xã Long Phước, ấp Phú Hữu Đông ra diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2012 và những năm tiếp theo là hết sức cần thiết. Vĩnh Long đã chỉ đạo các địa phương tùy theo đặc điểm, tình hình cụ thể của từng địa phương để chọn lựa mô hình dân vận khéo phù hợp, bám sát quy chế dân chủ ở cơ sở để tranh thủ tối đa sự đồng thuận của người dân khi thực hiện các công trình theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm./.
Theo TTXVN