Thứ Hai, 23/9/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 26/3/2015 10:51'(GMT+7)

Tạo sức sống bền vững cho di sản từ trường học

Nhiều hình thức đưa di sản vào trường học

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), kết quả khảo sát tại một số trường THCS cho thấy: có khoảng 21% học sinh biết được trên 10 bài dân ca Việt Nam, 73,4% học sinh biết chưa đến 10 bài dân ca Việt Nam và khoảng 5% học sinh không biết một bài dân ca nào.

Các cơ quan quản lý giáo dục và văn hóa xác định việc gìn giữ văn hóa phi vật thể là bảo vệ con người và vì vậy công tác Giáo dục di sản – đưa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể vào giới thiệu, giảng dạy trong nhà trường – là một trong những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thường được các nhà quản lý đề cập.

Bằng nhiều hình thức, di sản vẫn đang được đưa vào trường học để tiếp cận với học sinh.

Trong số các loại hình văn hóa phi vật thể, dân ca (Quan họ Bắc Ninh, Ví, Giặm xứ Nghệ, ca Huế…) đã sớm được đưa vào giới thiệu trong nhà trường. Từ năm 2004, GS. Trần Văn Khê và các cộng sự của mình lần đầu tiên thử 12 mô hình giảng dạy âm nhạc truyền thống tại Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP. Hồ Chí Minh. GS. Trần Văn Khê trực tiếp đứng lớp. Những ưu điểm của phương pháp này là luyện tai nghe cho chính xác, vận dụng trí nhớ ghi lại trong đầu những gì thầy dạy trước khi luyện con mắt đọc đúng, đọc mau những tín hiệu của bản ký âm theo cổ truyền hay theo phương Tây. Bên cạnh đó, GS. Trần Văn Khê cũng dạy nhiều bài hát ru, hát đồng dao, bài vè, câu đố, bài thơ cho học sinh, sau tiết tấu đi dần đến các chữ nhạc hò, xự, xang, xê, cống, phát âm và hát bằng tên chữ nhạc.

Nhiều địa phương thời gian qua đã chủ động đưa di sản vào trường học. Mỗi tỉnh một cách thức đưa di sản đến gần hơn với cộng đồng. Tỉnh Bắc Ninh, Nghệ An có phong trào đưa dân ca vào trường học, ở Phú Thọ có phong trào đưa hát Xoan vào trường học, Lạng Sơn đưa đàn Tính, hát Then dạy học sinh phổ thông… Nhiều trường phổ thông tại Hà Nội đưa học sinh tới tham gia CLB Em yêu lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia để học lịch sử qua hệ thống bảo tàng…Phương thức tổ chức dạy học giáo dục di sản văn hóa được thực hiện lồng ghép vào các môn học (ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, âm nhạc, mĩ thuật...), hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông (nội khóa hoặc ngoại khóa)... đã có một số thành công và mang lại hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, cho đến nay, hiệu quả của việc đưa dân ca nói riêng và di sản nói chung đến với thế hệ trẻ, phát huy sức sống lâu bền của di sản trong đời sống đương đại chưa thực sự đạt hiệu quả như mong đợi.

Nguyên nhân do trong nhà trường, việc dạy và học dân ca hay về di sản chỉ mới dừng ở mức như một môn học ngoại khóa, mang tính chất giới thiệu, chứ chưa được đánh giá đúng vai trò, giá trị và từ đó chưa được đầu tư, chú trọng trong hệ thống các môn học của nhà trường phổ thông.

Không ít thách thức

Giảng dạy về di sản mặc dù đã được xác định là yêu cầu với các trường phổ thông, và thực tế các dự án đưa di sản vào trường học đã tạo được những kết quả tích cực nhưng vẫn còn không ít thách thức đối với các nhà quản lý giáo dục, văn hóa.

Trong hai ngày 24 và 25-3, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và UNESCO phối hợp tổ chức Hội thảo về Dạy học với di sản phi vật thể vì một tương lai bền vững tại Hà Nội với sự tham gia của các chuyên gia từ 13 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.

Hơn 60 chuyên gia Việt Nam và quốc tế từ 13 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ những kinh nghiệm thực tế khi triển khai thí điểm công tác giảng dạy về di sản trong môi trường giáo dục được thực hiện trong hai năm qua (2013-2014) tại bốn quốc gia (Pakistan, Palau, Uzbekistan và Việt Nam), khám phá cách để tích hợp các di sản văn hóa phi vật thể và phát triển bền vững trong giáo trình hiện tại.

Để hiện thực hóa chính sách nói trên về việc dạy và học về di sản văn hóa trong trường học cũng như nhằm đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học ở giáo dục phổ thông và giữu gìn, phát huy giá trị của di sản văn hóa, Bộ GD-ĐT và Bộ VHTTDL đã ban hành văn bản liên bộ hướng dẫn sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX). Việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông nhằm mục đích giúp học sinh có những hiểu biết về những giá trị của các di sản, qua đó giáo dục HS ý thức gìn giữ, bảo vệ các di sản văn hóa. Đầu năm 2013, liên Bộ GD-ĐT và VHTTDL đã có văn bản hướng dẫn về việc sử dụng di sản văn hóa vào dạy học, được thực hiện thí điểm tại 7 địa phương: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam với ba môn Sử, Địa và Âm nhạc. Cụ thể, Bộ GD-ĐT đã áp dụng thí điểm mỗi Sở GD-ĐT chọn hai trường THCS, hai trường THPT đưa vào giảng dạy lồng ghép ở các môn học đã được thống nhất trong học kỳ 2.Trong thời gian này, Bộ đã phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội kiểm tra, khảo sát và dự một số tiết học môn Sử, Địa, Âm nhạc.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: Nhà trường phổ thông vừa có trách nhiệm giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh về di sản văn hoá, vừa có trách nhiệm sử dụng di sản văn hoá để dạy học. Ông cũng nhấn mạnh: “Chương trình được xây dựng cần có sự linh hoạt và phải phù hợp với văn hóa địa phương và dân tộc, phù hợp với mọi điều kiện của nhà trường ở: nông thôn, đô thị, miền núi, ven biển, hải đảo... và mọi đối tượng học sinh”.

Từ góc độ thực tiễn và quản lý, xây dựng chính sách, để di sản vào trường học và thực sự có sức sống bền vững thì không thể có một cách áp dụng máy móc mà cần thiết phải được đặt trong bối cảnh nhà trường, chú ý đến các yếu tố như mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng tham gia và hiệu quả đào tạo trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đặc biệt, theo chia sẻ của các chuyên gia, công tác giảng dạy di sản trong nhà trường phải gây dựng được tình cảm của học sinh đối với di sản để các em thực sự hiểu, yêu di sản. Đây mới chính là nguyên tắc bảo tồn bền vững nhất.

Cho đến nay VN đã có tổng cộng chín di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Quan họ, Hội Gióng đền Sóc và đền Phù Đổng, Hát xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Đờn ca tài tử và mới đây là Ví, Giặm Nghệ Tĩnh...

LÊ HÀ/Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất