Chủ Nhật, 13/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 14/4/2010 16:21'(GMT+7)

Tập trung chỉ đạo công tác điều phối, phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm

TP. Đà Nẵng - Trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

TP. Đà Nẵng - Trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Năm 2009, trong điều kiện khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới và khó khăn trong nước do thiên tai, dịch bệnh,.. nhưng các Vùng kinh tế trọng điểm nước ta đã đạt được những kết quả khá toàn diện: tốc độ tăng trưởng trung bình đạt trên 11,1% (cả nước 5,3%), trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp chiếm 80%, nông nghiệp chiếm 45%, dịch vụ 75%, giá trị xuất khẩu 91% và thu ngân sách của các địa phương trong vùng chiếm 88,9% của cả nước.

Đạt được kết quả trên, có sự đóng góp quan trọng của công tác điều phối, phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm. Công tác điều phối đã đi vào ổn định, thu được một số kết quả tốt; tạo điều kiện cho các địa phương khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, công tác điều phối, phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm vẫn còn một số tồn tại, yếu kém, cụ thể là một số Bộ, ngành, địa phương còn bị động, chưa nhận thức rõ công tác điều phối và hoạt động điều phối, chưa chủ động tham mưu, đề xuất và chưa có kế hoạch điều phối cụ thể.

Để công tác điều phối, phát triển các vùng kinh tế trọng điểm đạt kết quả cao trong năm 2010, các Bộ ngành và địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt phát triển sản xuất, dịch vụ, đầu tư cho cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.

Trước hết, tiếp tục theo dõi diễn biến phục hồi của nền kinh tế thế giới để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, giảm nhập siêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; cơ cấu lại danh mục hàng hóa xuất khẩu đi đôi với phát triển thị trường trong nước; sản xuất trong nước phải đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thị trường nội địa, theo phương châm “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nghiên cứu mở rộng thị trường đúng hướng để tạo nhu cầu cho phát triển kinh sản xuất ổn định. Ưu tiên cân đối các nguồn vốn kịp thời cho sản xuất. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải gắn với chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.

Ngành dịch vụ là một ngành tăng trưởng nhanh trong những năm qua, nhưng tiềm năng còn rất lớn, không đòi hỏi nhiều vốn, các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm cần tiếp tục đầu tư mạnh phát triển lĩnh vực dịch vụ phù hợp với lợi thế, tiềm năng của địa phương mình.

Một vấn đề quan trọng để phát triển kinh tế đó là phải đầu tư cho cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Trước hết cần làm tốt công tác quy hoạch, nhất quy hoạch phát triển Vùng. Dựa trên định hướng phát triển kinh tế từng Vùng, mỗi địa phương xây dựng, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch giai đoạn 2011 – 2020, làm cơ sở cho xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm. Ưu tiên đảm bảo vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư.

Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế trong nước và vốn ODA, FDI phục vụ cho tăng trưởng kinh tế. Các dự án đầu tư công nghiệp cần phải được xem xét, chọn lọc theo hướng ưu tiên thu hút đầu tư những dự án có hệ số sử dụng vốn lớn, công nghệ sạch, không gây ô nhiễm môi trường và hàm lượng giá trị tăng cao./.

Hùng Cường - Bộ Công thương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất