Thứ Bảy, 23/11/2024
Nhịp cầu Công Thương
Chủ Nhật, 27/11/2022 16:3'(GMT+7)

Tập trung cụ thể hóa, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển dịch vụ logistics

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cùng các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày trong khuôn khổ Diễn đàn Logistics 2022, tổ chức ngày 25 - 26/11/2022 tại thành phố Hải Phòng..

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cùng các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày trong khuôn khổ Diễn đàn Logistics 2022, tổ chức ngày 25 - 26/11/2022 tại thành phố Hải Phòng..

TỪNG BƯỚC KHẲNG ĐỊNH THƯƠNG HIỆU, VỊ THẾ CỦA DỊCH VỤ LOGISTICS VIỆT NAM

Trong những năm qua, cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành logistics Việt Nam nói chung và năng lực hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics của các doanh nghiệp ở Việt Nam nói riêng đã được quan tâm đầu tư phát triển, chất lượng được nâng cao.

Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022 - 2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%, song hành cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của cả nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics phát triển.

Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu: “Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại dịch vụ mới, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ trong các lĩnh vực logistics và vận tải, phân phối. Tổ chức cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại theo các chuẩn mực quốc tế".

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" cũng đã nhấn mạnh yêu cầu: "Tập trung phát triển các loại dịch vụ mới có tính liên ngành và giá trị gia tăng cao", "chú trọng đẩy mạnh dịch vụ hóa các ngành công nghiệp", "xây dựng các trung tâm hạ tầng biên mậu. Hình thành các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tại một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung", "có chiến lược, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao để thúc đẩy hình thành một số trung tâm logistics tầm cỡ khu vực và quốc tế"...

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ; sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương; đặc biệt là nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, duy trì mức tăng trưởng 2 con số, từng bước khẳng định được thương hiệu và vị thế của dịch vụ logistics Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép. Số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, qua đó giúp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm tỷ lệ ngày càng cao so với quy mô GDP, tăng từ 72,9% năm 2015 lên 93,3% năm 2021. Khối lượng vận tải hàng hóa của Việt Nam liên tục tăng ở mức mức cao trong giai đoạn từ 2015 tới nay, bình quân khoảng 17%/năm, từ mức 1,15 tỷ tấn (2015) lên 1,64 tỷ tấn (2021); Khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng khoảng trên 30%, từ mức 230 tỷ tấn.km (2015) lên 303 tỷ tấn.km (2021). Đóng góp trực tiếp của lĩnh vực logistics vào GDP hàng năm ở mức 4 - 5%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành dịch vụ logistics Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước, như: chi phí logistics còn cao, năng lực cạnh tranh thấp; liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics chưa chặt chẽ, kém hiệu quả; sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; những bất cập, thiếu tính kết nối về hạ tầng...

THÚC ĐẨY NGÀNH DỊCH VỤ LOGISTICS VIỆT NAM PHÁT TRIỂN

Trong Diễn đàn Logistics 2022 do Bộ Công thương tổ chức hôm 25 - 26/11/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, năm 2023, dự báo chúng ta sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mang tính toàn cầu, diễn biến rất nhanh, phức tạp và khó lường; chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy; khủng hoảng năng lượng ngày càng lan rộng; lạm phát gia tăng khiến Chính phủ nhiều nước thắt chặt chính sách tài khoá, tiền tệ; nguy cơ suy thoái kinh tế đã hiện hữu tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới, ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được trong thời gian qua cùng với hệ thống các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước ngày càng hoàn thiện, đồng bộ; nhiều cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới được ký kết, đi vào thực thi sẽ là động lực quan trọng, thúc đẩy ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển.

Để thực hiện mục tiêu phát triển logistics xanh, góp phần phát triển bền vững đất nước và xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, 5 nhóm giải pháp trọng tâm được nêu lên là:

Một là, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, cơ quan liên quan tiếp tục tập trung cụ thể hóa và tham mưu thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển dịch vụ logistics.

Hai là, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược phát triển ngành logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm đáp ứng những yêu cầu phát triển của lĩnh vực này trong bối cảnh và tình hình mới. Trong đó, chú trọng định hướng phát triển logistics xanh và các giải pháp thân thiện với môi trường; hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về dịch vụ logictics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics... tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động logictics và phát triển logistics xanh tại Việt Nam.

Ba là, đặt trọng tâm vào xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện một cách thực chất chương trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong ngành logistics; coi đây vừa là yêu cầu vừa là động lực để đổi mới và phát triển bền vững ngành logistics Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó, làm rõ nội hàm "logistics xanh" gắn với những yêu cầu, đòi hỏi để thực hiện logistics xanh trong bối cảnh và điều kiện mới hiện nay, nhất là trong việc ứng dụng thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thúc đẩy đổi mới sáng và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Bốn là, đề xuất các chính sách, giải pháp để tăng cường liên kết, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, bộ ngành, địa phương và với các Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp nhằm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về phát triển lĩnh vực logisitcs ở Việt Nam và khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến phát triển logistics xanh.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm phát triển logistics xanh, logistics số, logistics thương mại điện tử... nhằm nâng cao năng lực, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh và làm chủ một số chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này thời gian tới./.

LẬP THẠCH

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất