Hiện nay, bệnh sốt rét và sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Trong 7 tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận hơn 150 ca mắc sốt rét, có 1 ca tử vong; gần 1.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tập trung nhiều nhất ở các huyện Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Phú Tân và thành phố Cà Mau.
Nguyên nhân do các địa phương chưa thực hiện tốt công tác phòng bệnh, giám sát dịch bệnh chưa thường xuyên, việc tổ chức tuyên truyền về tác hại và các biện pháp phòng bệnh trong nhân dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, người dân vẫn còn chủ quan trong việc phòng bệnh, khi mắc bệnh không đến cơ sở y tế điều trị kịp thời, cho nên bệnh chưa được khống chế đạt hiệu quả. Dự báo của ngành chuyên môn trong thời gian tới, bệnh sốt rét và sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng. Đặc biệt bước vào mùa mưa, muỗi sinh trưởng nhiều chính là tác nhân gây bệnh sốt rét, sốt xuất huyết ở người lớn và trẻ em. Đây là hai loại bệnh nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao.
Sở Y tế tỉnh Cà Mau chỉ đạo các Trung tâm y tế, bệnh viện trực thuộc cần chủ động triển khai tốt công tác giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tích cực; nhất là chú trọng công tác truyền thông giáo dục cộng đồng, thường xuyên khuyến cáo người dân biết cách phòng bệnh để tự bảo vệ sức khoẻ bản thân. Trung tâm Y tế các huyện, thành phố kết hợp với chính quyền địa phương phát động nhân dân hưởng ứng các đợt ra quân diệt lăng quăng, giữ vệ sinh môi trường, thực hiện tẩm màn bằng hóa chất để diệt muỗi và phun hóa chất xử lý ổ dịch sốt rét, sốt xuất huyết để khống chế bệnh lây lan. Các bệnh viện tỉnh, bệnh viện đa khoa khu vực triển khai thực hiện tốt phương án chống quá tải tại bệnh viện; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế phục vụ bệnh nhân khi có dịch xảy ra; mỗi bệnh viện cần thành lập ít nhất một đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu. Ngoài ra, các bệnh viện trong tỉnh cần phát huy và nâng cao chất lượng các cuộc hội thảo rút kinh nghiệp về chuyên môn và tập huấn cho đội ngũ bác sĩ tuyến huyện, xã nắm vững phác đồ điều trị bệnh sốt rét, sốt xuất huyết để nâng cao hiệu quả điều trị, hạn chế thấp nhất ca tử vong.
Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có hơn 200 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 1 ca tử vong. Hầu hết các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh đều có bệnh nhân SXH, tập trung nhiều nhất là ở huyện biên giới Đức Cơ, huyện Chư Pưh và TP Pleiku...
Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn phức tạp; tuy ca mắc bệnh SXH đầu tiên phát hiện muộn hơn so với các năm trước song số ca bệnh tăng vọt chỉ trong một thời gian ngắn, nhất là trong tháng 7 và những ngày đầu tháng 8. Có nhiều bệnh nhân vừa mắc bệnh sốt rét vừa mắc bệnh SXH, có gia đình nhiều người cùng mắc bệnh SXH.
Các ngành chức năng đã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức nhiều đợt phun thuốc diệt muỗi truyền bệnh ở những vùng trọng điểm, song vẫn chưa ngăn chặn và khống chế có hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chính là do ý thức của người dân trong việc phòng chống bệnh chưa cao, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Môi trường ở các buôn làng chưa được vệ sinh sạch sẽ và thoáng đãng, tạo điều kiện cho muỗi phát sinh và phát triển nhanh. Nhiều nơi còn để bụi rậm ngay trong vườn nhà, các vũng nước tù đọng khiến cho các loại lăng quăng, bọ gậy sinh sôi nảy nở, bà con còn chủ quan khi ngủ không sử dụng màn.
Hiện Tây Nguyên cũng như tỉnh Gia Lai đang bước vào mùa mưa - mùa cao điểm phát sinh bệnh SXH và sốt rét, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Để phòng chống bệnh có hiệu quả, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, người dân nâng cao ý thức tự phòng bệnh là chính. Các ngành chức năng và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những ca bệnh SXH để điều trị có hiệu quả./.
TTXVN