Thứ Hai, 23/9/2024
Sức khỏe
Thứ Hai, 6/8/2012 11:22'(GMT+7)

Theo dõi INR để hạn chế nguy cơ tử vong

Người bệnh được hướng dẫn theo dõi chỉ số INR bằng máy đo cầm tay

Người bệnh được hướng dẫn theo dõi chỉ số INR bằng máy đo cầm tay

 

Các nghiên cứu cho thấy, đối với những người bệnh tim mãn tính cần điều trị bằng thuốc kháng đông đường uống thì nguy cơ đột quỵ giảm vì thuốc kháng đông là chất làm "loãng" máu, có tác dụng ngăn ngừa cục máu đông hình thành trong mạch máu. Song người bệnh lại gặp nguy cơ xuất huyết bên trong nếu không theo dõi sát sao chỉ số INR (chỉ số bình thường hóa quốc tế).

Mặc dù đã có bằng chứng rõ ràng về hiệu quả của thuốc kháng đông máu làm giảm nguy cơ đột quỵ, nhưng dược phẩm này vẫn chưa được tận dụng đúng mức để điều trị cho những bệnh nhân có nguy cơ cao. Tính trên toàn thế giới, chỉ có 30% số người bệnh rung nhĩ được uống thuốc kháng đông máu, trong khi con số này lẽ ra phải ở mức từ 60% đến 70%. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó nguyên nhân chính là nguy cơ xuất huyết cao khi cho người bệnh sử dụng thuốc kháng đông. Ngoài ra, việc đánh giá quá cao các nguy cơ khác có liên quan, đánh giá thấp nguy cơ đột quỵ, và thiếu kinh nghiệm lâm sàng về thuốc kháng đông máu, kháng vi-ta-min K, cũng góp phần giải thích vì sao thuốc kháng đông chưa được sử dụng đúng mức. Tuy nhiên, những rủi ro này hoàn toàn có thể khắc phục được bằng cách theo dõi INR thường xuyên để ngăn ngừa biến chứng và nâng cao hiệu quả điều trị.

INR được dùng để xác định thời gian máu đông, nhất là khi người bệnh đang được điều trị các bệnh mãn tính cần tới liệu pháp kháng đông. Nếu chỉ số INR ở mức thấp, người bệnh sẽ có nguy cơ bị hình thành cục máu đông và đột quỵ. Ngược lại nếu chỉ số này quá cao bệnh nhân sẽ gặp nguy cơ chảy máu không kiểm soát bao gồm xuất huyết bên trong. Chính vì vậy, điều quan trọng đầu tiên đối với những trường hợp sử dụng thuốc kháng đông uống là theo dõi INR thường quy để kiểm soát được chỉ số INR nằm trong giới hạn. Người bệnh thường được chỉ định theo dõi INR mỗi tuần một lần nhưng kết quả sẽ khó chính xác. Bởi vì các yếu tố về lối sống như: thức ăn, các thuốc điều trị khác, bệnh tật và mức độ hoạt động thể lực có ảnh hưởng tới kết quả điều trị kháng đông. Hiện nay, cả nước  mới có Bệnh viện Tim Tâm Ðức (TP Hồ Chí Minh) và Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện E (Hà Nội) là có đơn vị kháng đông máu để theo dõi tình trạng đông máu của người sử dụng thuốc kháng đông. Người bệnh có thể tự kiểm tra INR ngay tại nhà, lúc đi du lịch, đi làm... bằng máy đo cầm tay khi cảm thấy bất thường và gọi điện đến các đơn vị, trung tâm này để được bác sĩ tư vấn điều chỉnh thuốc dựa trên kết quả đo được.

Trong buổi giao lưu giữa bác sĩ và người bệnh do Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện E (Hà Nội) Roche Diagnostics Việt Nam tổ chức mới đây, PGS, TS, bác sĩ Lê Ngọc Thành, Giám đốc Trung tâm Tim mạch cho rằng, do còn ít cơ sở y tế có đơn vị kháng đông máu, do vậy người bệnh nên sử dụng máy đo INR cầm tay hay còn gọi là máy Kiểm soát đông máu từ xa. Khi đi công tác hoặc nhà xa bệnh viện, người bệnh có thể tự đo INR và gọi điện thoại đến bệnh viện để được tư vấn điều chỉnh liều thuốc là được. PGS, TS Lê Ngọc Thành cũng khuyến cáo, tuy có máy nhưng người bệnh vẫn cần đến khám tại bệnh viện, vì máy chỉ làm xét nghiệm còn bác sĩ sẽ trực tiếp khám lâm sàng, khi đó việc điều trị bệnh hiệu quả hơn. Qua thực tế tại phòng khám chống đông hoặc trung tâm chuyên khoa chống đông ở các nước cho thấy, giảm 59% biến cố xuất huyết nặng và giảm 68% biến cố xuất huyết khối so với chăm sóc thông thường.

QUANG MINH

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất