Thứ Hai, 25/11/2024
Sức khỏe
Thứ Bảy, 4/8/2012 23:34'(GMT+7)

Bệnh gout “tấn công” giới trẻ Việt

Bệnh gout ngày càng được trẻ hóa

 Bệnh gout là một bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa gây tăng acid uric trong máu. Bệnh gồm các đợt viêm khớp hoặc viêm tổ chức cạnh khớp, hay tái phát. Để xác định bị bệnh gút phải gồm đủ hai yếu tố: acid uric cao và đau các khớp, điển hình nhất là khớp ở các ngón chân cái, cổ chân (mắt cá)...

Ước tính khoảng trên 8 triệu người Việt Nam lâm vào tình trạng này. Trong đó khoảng 0,3% người trưởng thành đã mắc bệnh gút, chủ yếu ở nam giới. Mức tuổi phổ biến đã nới rộng từ trên 40 tuổi xuống 20-60 tuổi, thậm chí có những trường hợp dưới 20 đã bị gout.

Thống kê của Khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM cho thấy, mỗi tuần bệnh viện tiếp nhận điều trị vài chục ca bệnh gout, trong khi đó trước đây chỉ có vài chục ca/năm. Đặc biệt là tỉ lệ người trẻ tuổi bị mắc gút đang tăng nhanh.

Một bác sĩ chuyên khoa khớp bệnh viên E cho biết, một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng trẻ hóa bệnh gout là do lối sinh hoạt thoải mái thái quá của các bạn trẻ trong ăn uống và thiếu ý thức giữ gìn sức khỏe.

Hiện nay, nhiều người cho rằng nhậu là cách để giao tiếp và để giải quyết các công việc riêng và chung. Bên cạnh đó, do công nghệ thông tin phát triển, nhiều người làm việc trên máy vi tính quá nhiều khiến cho hoạt động thể chất không đủ, đồng hồ sinh học bị xáo trộn. Tình trạng này kéo dài cùng với áp lực công việc sẽ gây suy giảm một số chức năng của cơ thể.

Trong số các bệnh nhân trẻ mắc gout, khoảng 20% có liên quan đến yếu tố tiền sử gia đình. Tuy nhiên do hoàn cảnh sinh sống thiếu khoa học mà bệnh gút khởi phát sớm hơn so với trước đây.

Ảnh minh họa

Bệnh gout – “Thủ phạm giết người” thầm lặng

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thu - Giám đốc Viện Gút cho biết, trong số bệnh nhân đến khám có hơn 60% bệnh nhân đã chuyển thành gout mãn tính. Bệnh nhân đủ thành phần từ nhà giàu đến những người nghèo khó, thậm chí cả lao động chân tay như phu hồi, xe ôm… Do phát hiện bệnh muộn, chủ quan, nên 32% bệnh nhân đã bị suy thận, trong đó có nhiều bệnh nhân chạy thận nhân tạo.

Đặc biệt, nhiều trường hợp khi đến điều trị đã chuyển sang tiểu đường, bệnh mạch vành, viêm loét dạ dày, tá tràng do dùng thuốc chống viêm giảm đau kéo dài. Nguyên nhân gây bệnh gout được xác định là nồng độ axit uric trong máu cao.

Khi mắc bệnh, đặc biệt đã bị gout mạn tính thì tình trạng bệnh rất nặng nề. Hầu hết các khớp biến dạng, vận động rất khó khăn, các khớp đau nhiều vì viêm cấp khớp, chất lượng sống bị giảm sút, kéo theo chi phí điều trị tốn kém. Ngoài ra, mắc gout nặng bệnh nhân phải điều trị các bệnh kèm theo như rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, nhiễm khuẩn khớp, suy thận, viêm tụy.

Theo các chuyên gia, nhiều nghiên cứu những người mắc bệnh gout có nguy cơ nhồi máu cơ tim và bệnh mạch vành, tử vong cao gấp nhiều lần so bình thường. Nhiều bệnh nhân bị bệnh gout mãn tính một phần do bệnh diễn tiến âm thầm nên không biết, phần khác là bệnh nhân tự điều trị, tự dùng thuốc, thực phẩm chức năng không có chỉ định và bỏ cuộc điều trị giữa chừng.

Điều đáng nói ở đây, bệnh nhân mắc bệnh gout ngày càng trẻ hơn, nhiều người mắc bệnh nghĩ rằng đó chỉ là đau ở khớp và không quan trọng. Tuy nhiên, họ không biết rằng, tim và thận của họ đang bị căn bệnh này “tấn công”

Để phòng tránh và hạn chế sự phát triển của bệnh gút, cần kiêng rượu và các chất kích thích như cà phê, ớt. Hạn chế dùng bia và các thức ăn nhiều đạm như thịt đỏ, phủ tạng động vật, hải sản. Nên ăn nhiều hoa quả và rau; uống các loại nước khoáng thiên nhiên chứa bicarbonat. Ngoài ra, cần tránh làm việc quá sức và ăn uống quá mức, không để cơ thể bị nhiễm lạnh hoặc táo bón.

Những thực phẩm tốt cho người bệnh gout

Ngoài dùng thuốc điều trị, việc sử dụng một số thực phẩm và thảo dược trong khẩu phần ăn mỗi ngày cũng rất cần thiết cho bệnh nhân gout.

Quả anh đào, loại quả chua chứa hàm lượng vitamin C cao (12%). Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, vitamin C rất hiệu quả trong việc làm giảm lượng axit uric trong máu. Người bị gout mỗi ngày ăn tối thiểu 0,5kg sẽ cảm thấy dễ chịu và bớt đau. Tuy nhiên, giá loại quả này tương đối cao, bạn có thể thay bằng quả ri.

Quả dâu tây, một chén dâu tây tương đương 144 gam chỉ cung cấp 45 calories nhưng là một nguồn dinh dưỡng tuyệt vời về hàm lượng vitamin C (82mg) và flavonoids. Không chỉ làm đẹp da, chống lão hóa, vitamin C trong dâu tây giúp ngăn ngừa bệnh gout rất hiệu quả.

Quả kiwi có nhiều vitamin A, C, E giúp phòng chống nhiều bệnh. Là trái cây có nhiều dinh dưỡng, kiwi chứa nhiều kali và hàm lượng vitamin C cao hơn cam. Có thể ăn quả tươi, trái cây hỗn hợp, trộn xà lách... tốt cho người bị gout.

Quả dứa: Trong thành phần của quả có rất nhiều đường, axit hữu cơ như axit citric, axit malic, nhiều vitamin A, B và đặc biệt là hàm lượng vitamin C cao (60%), nhiều khoáng tố vi lượng và men tiêu hóa bromelin. Dịch chiết quả thơm có tính bổ dưỡng, dễ tiêu, lợi tiểu, giảm xơ cứng động mạch, sỏi thận, viêm khớp, bệnh gout... Dùng dịch ép tươi hoặc ăn quả chín.

Cây râu mèo: Dùng lá và búp non phơi khô, trong lá có chứa chất orthosiphonin dễ tan trong nước. Nước sắc râu mèo có tác dụng làm tăng lượng nước tiểu, tăng lượng clorua, thúc đẩy sự bài tiết urê và axit uric trong nước tiểu, phòng ngừa bệnh gout...

Cây mã đề nước: Dùng rễ củ phơi khô, có chứa tinh dầu, chất nhựa, tinh bột và protid. Giống như râu mèo, nước sắc trạch tả cũng giúp tăng lượng urê và axit uric đào thải trong nước tiểu, nó còn được dùng làm thuốc thông tiểu chữa thủy thũng, viêm thận và sỏi thận. Mỗi ngày 10-20 gam sắc uống.


TheoVnMedia
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất