Thứ Tư, 27/11/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 16/1/2015 21:37'(GMT+7)

Tết sớm trên đảo Sơn Ca

Điều đặc biệt là tại mảnh đất tiền tiêu này, các chiến sĩ gói bánh chưng bằng lá bàng vuông, thứ lá “độc quyền” của Trường Sa.

Tiếng hát át tiếng mưa!

Cơn mưa rào ập đến lúc 7 giờ tối 14/1 khiến nhiều người trong đoàn công tác thuộc lữ đoàn 146 (Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân) ra đảo Sơn Ca nhìn nhau lo lắng. Theo kế hoạch, tối cùng ngày sẽ có buổi giao lưu giữa đoàn công tác, các nhà báo
cùng các chiến sĩ trên đảo Sơn Ca mừng năm mới. 

Theo các chiến sỹ trên đảo Sơn Ca, thời tiết tại hòn đảo này vẫn thất thường và khắc nghiệt như thế. Nắng đó mà mưa được ngay. Sự biến đổi khó lường của thời tiết hằn rõ trên làn da rám nắng, sạm đen của các chiến sĩ nơi đây.

Tuy nhiên, cơn mưa rào bất chợt không ngăn cản được kế hoạch tổ chức buổi giao lưu. Đội gió mưa, các chiến sỹ trẻ vẫn hăng hái bắt tay vẫn dựng sân khấu biểu diễn ngay tại cột mốc chủ quyền của đảo.

Ánh sáng cho sân khấu biểu diễn chỉ là tận dụng từ những đèn điện trên đảo nên không rõ mặt người. Với tinh thần “khắc phục, vượt lên trên hoàn cảnh”, các chiến sỹ lại huy động ánh sáng từ hàng chục chiếc đèn pin để cho sân khấu thêm rạng rỡ.

Trên đảo Sơn Ca có cây cối xanh tốt, nhiều cây sống lâu năm cành lá sum suê, rợp bóng mát rất thích nghi với điều kiện sinh sống của loài chim. Vì vậy, chim sơn ca thường đến đây làm tổ, nuôi con và sinh sống nên người ta đặt tên cho đảo là Sơn Ca.

Có lẽ, chẳng mấy khi có khách từ đất liền nên dù cơn mưa không dứt thì các chiến sĩ hải quân vẫn chỉnh tề trong trang phục truyền thống để có mặt đông đủ, để được tay bắt mặt mừng, giao lưu với các thành viên của đoàn công tác.

Giữa mênh mông sóng gió Trường Sa, thành viên của của đoàn công tác và các chiến sỹ đảo Sơn Ca vẫn sôi nổi, hào hứng và cháy hết mình với tiết mục văn nghệ với những lời ca, tiếng hát ca ngợi Tổ quốc, biển đảo quê hương, ca ngợi người chiến sỹ… Giữa tiết trời mưa to, gió lớn, tiếng hát át tiếng mưa rơi, tiếng cổ vũ vẫn át tiếng mưa rơi!

Nhìn quang cảnh cán bộ và chiến sĩ trên đảo Sơn Ca, người giơ áo mưa che đầu, người đầu trần ngồi dưới cơn mưa giữa biển đảo xa xôi, cánh phóng viên chúng tôi không khỏi xúc động. Tất cả đã làm nên một buổi giao lưu ấn tượng sâu sắc đối với nhiều phóng viên lần đầu được đặt chân đến quần đảo Trường Sa.

Các thành viên của đoàn công tác ai cũng thầm cảm phục những người lính trẻ đang hiến dâng tuổi trẻ vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. “Không xa đâu Trường Sa ơi, vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em”, tiếng hát cất lên bởi một phóng viên đến từ quê hương cách mạng Tuyên Quang gửi đến các chiến sỹ đảo Sơn Ca như một lời nhắn nhủ đầy ý nghĩa gửi tới các chiến sỹ nơi đảo xa.

Gói bánh chưng bằng lá bàng vuông

Không khí giao lưu càng sôi động hơn khi trởi bắt đầu ngớt mưa, gió cũng bớt mạnh hơn và phần thi gói bánh chưng bắt
đầu.

Bốn đội thi được đặt những cái tên rất ý nghĩa gồm: Sơn Ca, Đất liền, 146 (tên của lữ đoàn Trường Sa) và 996 (tên con thuyền đưa chúng tôi đến Trường Sa).

 

Có trực tiếp nhìn thấy những bàn tay thoăn thoắt gói bánh của các chiến sĩ, chúng tôi mới hiểu rằng, môi trường quân đội không chỉ rèn luyện cho các chiến sĩ tinh thần kiên cường, sức mạnh thể lực mà còn cho họ những kĩ năng, “tài lẻ” trong cuộc sống.

Nhiều chiến sĩ trẻ cho biết, khi ở nhà, họ không hề biết gói bánh chưng, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn nhập ngũ, họ đã biết gói bánh chưng rất nhanh.

Trước đó, để chuẩn bị cho việc gói bánh chưng, các chiến sĩ đã phải chuẩn bị rất nhiều công việc từ buổi chiều. Người lo mổ lợn, người lo chẻ lạt, rửa lá dong, đãi đỗ… Ai cũng háo hức bởi được chuẩn bị gói bánh chưng nghĩa là được đón không khí xuân, cảm giác Tết đã đến rất gần rồi.

Trung úy Nguyễn Thành Lê, quê ở Xuân Trường (Nam Định), chia sẻ, do không có đủ lá dong để gói bánh, các chiến sĩ đã sáng tạo bằng cách lấy lá bàng vuông thay thế.

“Cùng với phong ba, bàng vuông là một trong những loài cây đặc thù của quần đảo Trường Sa. Lá của hai loại cây này có thể dùng để gói bánh chưng bởi lá có độ dài, dai mà cứng cáp, khi gói không bị rách”, Thành Lê cho biết thêm.

Đặc biệt là, bánh chưng được gói từ lá bàng vuông không hề mất đi hương vị truyền thống mà ngược lại, vẫn xanh và thơm.
Thiếu tá Văn Minh Tài, Phó chỉ huy trưởng cụm chiến đấu 1 của đảo Sơn Ca cho hay, dù ở giữa đảo xa nhưng mâm cơm tất niên tại đảo năm nào cũng có đủ các món truyền thống như bánh chưng, giò, dưa muối.

“Bộ đội trên đảo rất đa tài, họ có thể tự chế biến được hầu như tất cả các món ăn Tết như trong đất liền. Cùng với thi gói bánh chưng, chúng tôi còn tổ chức thi làm cơm tất niên và chuẩn bị mâm ngũ quả, trang trí bàn thờ giữa các cụm chiến đấu”, thiếu tá Tài cho biết.

Sau một hồi tranh tài sôi nổi, đại tá Ngô Duy Đỗ, Phó lữ đoàn trưởng lữ đoàn 146 (Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân), trưởng đoàn công tác đã trao giải nhất cho đội Sơn Ca – đội thi gói được nhiều bánh nhất và bánh có hình thức đẹp nhất. Đại tá Ngô Duy Đỗ không quên chúc các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sơn Ca đón Tết vui vẻ, an lành mà không quên nhiệm vụ canh giữ biển trời Tổ quốc.

Buổi giao lưu kết thúc trong sự lưu luyến của tất cả mọi người. Ai cũng muốn chương trình được kéo dài hơn nữa để những lời ca, tiếng hát được tiếp tục vang lên.

 Hoàng Dương (đưa tin từ Trường Sa)
Nguồn: Báo Tin tức

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất